Nghiên cứu khoa học - thực tế
Bồi dưỡng năng lực số cho cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của thành phố Cần Thơ


Tóm tắt: Bồi dưỡng năng lực số cho cán bộ, công chức, viên chức là một nhu cầu tất yếu, đồng bộ với chủ trương xây dựng chính phủ số của Đảng và Nhà nước ta. Bài viết tập trung phân tích cơ sở lý thuyết về năng lực số, sự cần thiết bồi dưỡng năng lực số cho cán bộ, công chức, viên chức của thành phố Cần Thơ, từ đó đề xuất giải pháp bồi dưỡng năng lực số cho cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Từ khoá: Năng lực số; phát triển bền vững; thành phố Cần Thơ.

1. Đặt vấn đề

Trước xu thế chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng trên thế giới và trong nước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết đã xác định: “đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số một cách phù hợp, thực chất và hiệu quả”[3]. Để đồng bộ với chương trình hành động trên, Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 về phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đã đưa ra giải pháp: “Rà soát, cập nhật khung năng lực, chuẩn kỹ năng công nghệ thông tin tích hợp kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước”[1]. Từ những quy định trên cho thấy, chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng tất yếu của thế giới mà còn diễn ra mạnh mẽ trong nước, trong đó có thành phố Cần Thơ, để thực hiện tốt xu hướng này thì cần thiết phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về năng lực số, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong tương lai.

2. Nội dung

2.1. Cơ sở lý thuyết về năng lực số

Gắn với chuyển đổi số, trong nhiều tài liệu nghiên cứu và văn bản pháp lý của các nước trên thế giới và trong nước gần đây đã sử dụng khái niệm, thuật ngữ mới là “năng lực số” hay năng lực làm việc trong bối cảnh chuyển đổi số. Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO): “Năng lực số là khả năng truy cập, quản lý, hiểu, kết hợp, giao tiếp, đánh giá và sáng tạo thông tin một cách an toàn và phù hợp thông qua công nghệ số để phục vụ cho các công việc từ đơn giản đến phức tạp cũng như khởi nghiệp. Năng lực số là tổng hợp của năng lực sử dụng máy tính, năng lực công nghệ thông tin (CNTT), năng lực thông tin và năng lực truyền thông”[6]. Từ cách tiếp cận trên, có thể khái quát năng lực số của cán bộ, công chức, viên chức là khả năng lựa chọn và sử dụng thành thạo, hiệu quả, an toàn các phương tiện CNTT, truyền thông và công nghệ số (tìm kiếm thông tin, sử dụng các thiết bị công nghệ số, sử dụng mạng internet, các nghiệp vụ thanh toán trực tuyến, sử dụng các kênh truyền thông đa phương tiện, vận hành thiết bị…).

Qua phân tích về năng lực số như trên, có thể rút ra việc bồi dưỡng năng lực số cho cán bộ, công chức, viên chức cần tập trung vào các nội dung sau: 1) Kiến thức hiểu biết về thông tin, dữ liệu môi trường số: hiểu biết về máy tính cá nhân bao gồm phần cứng và các chương trình máy tính, các hệ thống mạng, nguyên lý vận hành mạng, các nguyên tắc bảo vệ thông tin; 2) Khả năng trao đổi thông tin trong môi trường số: tương tác, chia sẻ thông tin, hợp tác thông qua công nghệ số; 3) Khả năng làm việc với các hệ thống phân tích thông tin, quản lý dữ liệu, thông tin và nội dung số, xử lý, lưu trữ thông tin và dữ liệu số, làm việc với các hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin pháp lý; 4) Khả năng giải quyết công việc trong trục liên thông văn bản điện tử giữa các cơ quan và tạo lập nội dung số; 5) Khả năng bảo đảm an toàn thông tin môi trường số: an toàn và bảo vệ dữ liệu, bảo mật thông tin, bảo vệ thiết bị, bảo vệ môi trường số; 6) Khả năng giải quyết sự cố môi trường số: giải quyết vấn đề về kỹ thuật, xác định nhu cầu và đáp ứng của công nghệ, sáng tạo trong sử dụng các công nghệ số.

2.2. Sự cần thiết phải bồi dưỡng năng lực số cho cán bộ, công chức, viên chức của thành phố Cần Thơ

Bồi dưỡng năng lực số cho cán bộ, công chức, viên chức trong bối cảnh chuyển đổi chính quyền số tại thành phố Cần Thơ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững là một vấn đề cấp thiết hiện nay:

Thứ nhất, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của thế giới, phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của khoa học – công nghệ trong bối cảnh hiện nay. Trước tình hình đó, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thúc đẩy chuyển đối số, trong đó Quyết định số 479/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động với 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý[5]. Để chuyển đổi số thành công và đạt mục tiêu trở thành quốc gia số đòi hỏi cần có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trên cơ sở đổi mới tư duy điều hành của nền hành chính, xóa bỏ những thói quen cũ, tạo lập những thói quen mới để tạo ra một phương thức điều hành mới, cách làm mới trên nền tảng ứng dụng rộng rãi công nghệ số vì sự phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng và phục vụ Nhân dân. Trước yêu cầu phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức cần phải có năng lực số.

Thứ hai, việc chuyển đổi chính quyền số tại thành phố Cần Thơ đang được thực hiện mạnh mẽ, do đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố phải có đủ năng lực vận hành. Ngày 31/12/2021 Thành uỷ Cần Thơ có ban hành Chương trình số 26-CTr/TU về cải cách hành chính, trọng tâm là xây dựng chính quyền điện tử hành động, phục vụ. Chương trình đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển của thành phố và đất nước, trong đó, chú trọng cải cách hành chính, trọng tâm là xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số”[4].

Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã đề ra các chỉ tiêu trong giai đoạn 2021 – 2025 liên quan đến chuyển đổi số như: 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; Tối thiểu 80% thủ tục hành chính của thành phố có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4. Trong đó, ít nhất 80% thủ tục hành chính được tích hợp cung cấp trên cổng dịch vụ quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 50%; Số hoá kết quả giải quyết thủ tục hành chính giai đoạn 2022 – 2025, mỗi năm tăng tối thiểu 20% đối với mỗi cấp hành chính cho đến khi đạt tỷ lệ 100%; 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 100% cuộc họp của Uỷ ban nhân dân thành phố, 80% cuộc họp của Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện thông qua Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ; 90% hồ sơ công việc tại các sở, ngành thành phố; 80% hồ sơ công việc tại quận, huyện và 60% hồ sơ tại xã, phường, thị trấn được xử lý trên môi trường mạng; Tối thiểu 80% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến…[4]. Các chỉ tiêu trên cho thấy việc chuyển đổi chính quyền số tại thành phố Cần Thơ sẽ diễn ra nhanh chóng trong những năm tới. Do đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi chính quyền số tại thành phố Cần Thơ là một yêu cầu tất yếu hiện nay, giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực thích ứng với chính quyền số.

Thứ ba, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cả nước nói chung, thành phố Cần Thơ nói riêng vẫn còn một số hạn chế nhất định: Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kể cả đội ngũ lãnh đạo, quản lý ở một số ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, địa phương còn hạn chế, chưa thực sự đảm bảo so với yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế”[2]. Đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức chưa thích ứng kịp thời với những yêu cầu quản lý, điều hành trong môi trường chuyển đổi chính quyền số. Bên cạnh đó, một số cán bộ, công chức, viên chức chưa thành thạo trong việc sử dụng công nghệ thông tin như sử dụng máy tính, thiết bị hỗ trợ, phần mềm quản lý, mạng internet… đã gây khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ.

2.3. Giải pháp bồi dưỡng năng lực số cho cán bộ, công chức, viên chức của thành phố Cần Thơ

Bồi dưỡng năng lực số cho cán bộ, công chức, viên chức trong bối cảnh chuyển đổi chính quyền số, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của thành phố Cần Thơ, cần tập trung vào các giải pháp sau:

Trước hết, cần tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách, pháp luật, tầm quan trọng của nhiệm vụ chuyển đổi số và vai trò năng lực số của cán bộ, công chức, viên chức trong tình hình mới. Qua đó giúp nâng cao nhận thức sâu sắc cho cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số, những năng lực cần phải có để vận hành chính quyền số, cũng như tự rà soát và bổ sung, cập nhật những năng lực số còn thiếu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức. Cần rà soát, cập nhật khung năng lực, chuẩn kỹ năng công nghệ thông tin tích hợp kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước để nắm thông tin về những kỹ năng số cán bộ, công chức, viên chức còn thiếu để có biện pháp cập nhật phù hợp. Ngoài những kiến thức, kỹ năng cán bộ, công chức, viên chức được trang bị trong các cấp học, thành phố cần tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu cho cán bộ, công chức, viên chức hàng năm để đáp ứng các năng lực trong môi trường số.

Thứ ba, chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo từng vị trí việc làm. Cần rà soát, bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức đúng với chuyên môn được đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo các kỹ năng thực thi công vụ trong môi trường chuyển đổi số như kỹ năng chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu, kỹ năng xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường điện tử... Đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động để tinh gọn đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải và trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và của từng vị trí việc làm.

Thứ tư, triển khai các biện pháp đổi mới phương thức làm việc của cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với môi trường chuyển đổi số thông qua việc nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin. Tăng cường chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc của cán bộ, công chức, viên chức trên môi trường điện tử, tổ chức họp, hội nghị bằng hình thức trực tuyến, không giấy tờ.

Thứ năm, ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và huy động nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật để phát triển chính quyền số như phát triển hạ tầng thông tin, trung tâm dữ liệu, cơ sở dữ liệu, các ứng dụng, dịch vụ… trong môi trường số. Đồng thời bảo đảm kinh phí cho công tác bồi dưỡng năng lực số cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm xây dựng được sự đồng bộ giữa cơ sở vật chất và nguồn nhân lực của Thành phố.

3. Kết luận

Có thể thấy, chuyển đổi số là một vấn đề quan trọng trong bối cảnh hiện nay, phù hợp với xu hướng chung của thế giới và sự phát triển nhanh chóng của khoa học – công nghệ. Việc chuyển đổi số đã kéo theo các điều kiện cần thiết để đảm bảo sự đồng bộ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, trong đó cần thiết phải bồi dưỡng năng lực số cho đội ngũ cán bộ, công chức viên chức. Vấn đề bồi dưỡng năng lực số cho đội ngũ cán bộ, công chức viên chức. trong bối cảnh chuyển đổi chính quyền số tại thành phố Cần Thơ cũng là một tất yếu khách quan trong xu hướng chung đó, nhằm phát triển bền vững của Thành phố, đây là một vấn đề quan trọng, lâu dài, khó khăn đòi hỏi Thành phố phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong thời gian tới.

 

Tài liệu tham khảo:

1.    Chính phủ (2021), Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 về phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.

2.    Chính phủ (2021), Báo cáo số 128/BC-CP ngày 19/4/2021 về Tổng kết chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng giai đoạn 2021 - 2030.

3.    Chính phủ (2021), Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

4.    Thành uỷ Cần Thơ (2021), Chương trình số 26-CTr/TU ngày 31/12/2021 về Cải cách hành chính, trọng tâm là xây dựng chính quyền điện tử hành động, phục vụ.

5.    Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 479/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

6.    Nguyễn Thị Thu Vân (2022), Tạp chí điện tử Quản lý nhà nước. Truy cập ngày 21/9/2023 tại: https://www.quanlynhanuoc.vn/2022/02/10/xay-dung-khung-nang-luc-so-cua-can-bo-cong-chuc-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-chinh-phu-so/

 

ThS. Phạm Đình Tuyên - Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật