Nghiên cứu khoa học - thực tế
An ninh nguồn nước - Vấn đề sống còn với sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long


Tóm tắt

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của nước ta, có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân, nhất là trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. ĐBSCL có nguồn tài nguyên nước dồi dào, chất lượng nguồn nước ngầm và nước mặt được cho là tương đối tốt nhưng lại phụ thuộc phần lớn vào các nguồn bên ngoài. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, hiện tượng ô nhiễm cục bộ, việc khai thác nguồn nước ngày càng gia tăng, đe dọa đến an ninh nguồn nước của vùng. Để ứng phó với các tác động tiêu cực nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ cho cho sự phát triển và đời sống người dân, cần nghiên cứu và triển khai nhiều giải pháp trong thời gian tới. Bài viết đề xuất một số giải pháp góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước giúp cho ĐBSCL ổn định, phát triển.

Từ khóa: Biến đổi khí hậu; đồng bằng sông Cửu Long; an ninh nguồn nước; phát triển.

1. Đặt vấn đề

Những năm gần đây, vấn đề an ninh nguồn nước ở ĐBSCL đang được quan tâm đặc biệt. Sự thay đổi mạnh mẽ chế độ mưa hằng năm, gia tăng triều cường vùng cửa sông, ven biển và cả nhiệt độ đã khiến ĐBSCL thiếu hụt nguồn nước mặt, sụt giảm lượng nước ngầm và tăng diện tích mặn hóa. Quan ngại hơn, sự phát triển ồ ạt và thiếu bền vững của hàng loạt đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong đã khiến vấn đề an ninh nguồn nước ở ĐBSCL càng trở nên bức bách. Từ vùng nông nghiệp trù phú bậc nhất thế giới định hình bởi nguồn tài nguyên nước phong phú, ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ mất an ninh lương thực và khó đạt các mục tiêu phát triển bền vững do nguồn nước bị suy giảm cả về lượng lẫn chất. Điều này đặt ra những thách thức cần các biện pháp giải quyết kịp thời để đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất tại vùng đồng bằng lớn nhất Việt Nam.

2. Nội dung

2.1. Thực trạng nguồn nước của Đồng bằng sông Cửu Long

Theo Ủy ban về nước của Liên Hiệp Quốc (UN-Water), an ninh nguồn nước là khả năng tiếp cận được nguồn nước của một cộng đồng dân cư mà còn đảm bảo đủ nguồn nước với chất lượng cần thiết cho phép duy trì sinh kế, phục vụ nhu cầu cá nhân, phát triển kinh tế và bảo tồn các hệ sinh thái; có liên hệ mật thiết đến nhiều khía cạnh xã hội, từ nhân quyền (quyền được đảm bảo các nhu cầu tối thiểu để duy trì cuộc sống và sự thịnh vượng của con người), sản xuất lương thực – thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái cho đến khía cạnh ổn định chính trị – xã hội. Vì vậy, đảm bảo an ninh nguồn nước chính là nhiệm vụ trọng tâm, cho phép mỗi quốc gia đạt được những mục tiêu an ninh lớn hơn về lương thực, phát triển bền vững và trật tự xã hội.

ĐBSCL là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước, mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam: đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Công [1, tr. 2]. Đề cập về nguồn tài nguyên nước ở ĐBSCL, nhiều chuyên gia đã phân tích, đối với tài nguyên nước mặt, vùng đồng bằng châu thổ có hệ thống sông suối, kênh rạch chằng chịt bao gồm sông Tiền và sông Hậu, phân lưu ra các cửa sông kế tiếp nhau là sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông, sông Ba Lai, sông Cửa Đại và Cửa Tiểu, sông Hậu qua cửa Định An và Trần Đề. Còn đối với tài nguyên nước dưới đất, Đồng bằng sông Cửu Long chính là một trong các vùng có tiềm năng nước dưới đất lớn nhất nước ta, gồm 7 tầng chứa nước chính, chiều sâu phân bố từ vài chục mét đến 500-600 mét. Các khu vực tiềm năng nguồn nước ngọt (hay còn gọi là nước nhạt) lớn gồm: Bạc Liêu, Long An, Đồng Tháp, Cà Mau, Trà Vinh, Cần Thơ. Trữ lượng khai thác tiềm năng nước ngọt khoảng 22,5 triệu m3/ngày, trữ lượng tiềm năng nước lợ, mặn khoảng 39 triệu m3/ngày. Trong đó, trữ lượng khai thác an toàn nước ngọt toàn vùng khoảng 4,5 triệu m3/ngày.

ĐBSCL là vùng kinh tế phát triển nông nghiệp, việc quản lý, khai thác nguồn nước phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội luôn có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển toàn diện của toàn vùng cũng như cả nước. Để sản xuất nông nghiệp với 2-3 vụ lúa trong năm, cây ăn trái và nuôi thủy sản quanh năm, cộng với nước phục vụ sinh hoạt, các khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ..., tổng nhu cầu nước ngọt trong năm dao động từ 700-2.000 m3/s, đặc biệt vào các tháng mùa khô, chiếm đến 15-50% dòng chảy kiệt vào lưu vực sông Mê Công, khiến bài toán “cân bằng cung - cầu” trở thành vấn đề quan trọng hơn trong quản lý nước. 

Tuy nhiên, ĐBSCL đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức về đảm bảo an ninh nguồn nước, thậm chí đe dọa đến an ninh lương thực, phát triển bền vững của ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

- ĐBSCL lại là vùng đất thấp ven biển, nên hàng năm thường bị tình trạng nước biển xâm nhập sâu vào đất liền. Hiện tượng này xuất hiện theo chu kỳ và thường xảy ra gay gắt trong các tháng mùa khô, từ tháng 11 đến tháng 5 hàng năm. Xâm nhập mặn thường bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như: Dòng chảy từ thượng nguồn vào ĐBSCL; dòng chảy trên sông, kênh rạch nội đồng; chế độ thủy triều vùng ĐBSCL; biến đổi khí hậu và tác động của con người trong khai thác và sử dụng nước. Hạn mặn đã khiến nhiều diện tích lúa, cây ăn trái, canh tác thuỷ sản, rau màu bị thiệt hại, cả hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân đều chịu tác động tiêu cực. Xâm nhập mặn đã khiến cho nguồn cung cấp nước phục vụ tưới tiêu cho sản xuất lúa, cây ăn trái và cây hoa màu và nuôi trồng thủy sản nước ngọt thiếu hụt trầm trọng, xâm nhập mặn ngày càng tiến sâu hơn vào vùng nội đồng khiến công tác điều tiết nguồn nước cho thủy lợi gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, đối với đời sống người dân, hạn mặn cũng đã khiến nhiều hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, thậm chí nguồn nước cấp từ các nhà máy nước sạch tại các đô thị trên địa bàn nhiều tỉnh cũng có dấu hiệu nhiễm mặn.

- Sự phát triển của các đập thủy điện phía thượng nguồn, các hồ chứa nhân tạo, các dự án chuyển nước trên dòng chính sông Mê Công liên tục được triển khai trong hai thập kỷ trở lại đây là nguyên nhân trực tiếp gây ra thực trạng mất an ninh nguồn nước ở ĐBSCL. Do phát triển kinh tế và nông nghiệp của các quốc gia hai bên lưu vực, hàng trăm đập thủy điện đã và đang được hình thành đã tác động lớn tới dòng chảy và lưu lượng nước sông Mê Công, khiến một số đoạn sông Mê Công khô cạn đáy ngay cả trong mùa mưa. Nghiên cứu của Nhóm tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế - CGIRA cho thấy, lưu vực sông Mê Công hiện có tới trên 300 đập thủy điện đã hoàn thiện, trên 40 đập đang trong quá trình xây dựng và trên 70 đập dự kiến xây dựng. Ở các dòng nhánh của sông Mê Công đã có hơn 90 đập thủy điện và Ủy hội sông Mê Công thống kê đến năm 2030 sẽ có thêm 30 đập nữa được triển khai trên các dòng nhánh của sông. Như vậy đến năm 2030, sông Mê Công sẽ bị bao phủ bới hơn 400 đập thủy điện lớn nhỏ với số lượng hồ chứa được quy hoạch trên thượng lưu đạt tổng dung tích 101,9 tỷ m3; riêng 8 đập thủy điện trên dòng chính nằm trong lãnh địa Trung Quốc đã giữ lại hơn 40 tỷ m3 nước. Các đập thủy điện đã làm thay đổi vĩnh viễn dòng chảy và bản chất tự nhiên của dòng sông; ảnh hưởng tới chất lượng và lưu lượng nước; suy giảm lượng phù sa; đe dọa đến hệ sinh thái thủy sinh; gây thiệt hại cho ngành thủy sản và nông nghiệp; đe dọa đến phát triển kinh tế. Nằm ở vị trí hạ lưu sông Mê Công, ĐBSCL là vùng phải chịu nhiều thiệt hại nhất khi thượng nguồn không có sự chia sẻ nước công bằng giữa các quốc gia. Thiếu hụt nguồn nước từ thượng nguồn còn khiến cho ĐBSCL phải đối mặt với việc thiếu nước đẩy mặn trước tình trạng nước biển dâng do biến đổi khí hậu dẫn đến sạt lở, xâm ngập mặn, đe dọa đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, kinh tế - chính trị - xã hội của cả vùng.

- Không chỉ gặp thách thức an ninh nguồn nước từ lưu lượng nước ngày càng suy giảm, ĐBSCL còn đang phải đối mặt với tình trạng chất lượng nước của vùng đang suy thoái từng ngày. Theo Viện khoa học xã hội vùng Nam bộ, nguồn nước mặt tại nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL hiện ô nhiễm nghiêm trọng do sự phát triển nhanh của các dự án công nghiệp và đô thị hóa. Tại các tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh như: Cần Thơ, Long An, An Giang... lượng nước thải từ hàng trăm, hàng nghìn cơ sở công nghiệp, khu công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt, làng nghề, bệnh viện, khai thác khoáng sản… chưa qua xử lý, được xả trực tiếp vào các hệ thống kênh rạch đã khiến nguồn nước mặt cũng như nước ngầm bị ô nhiễm trên quy mô lớn. Hầu hết các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở ĐBSCL đều tập trung dọc tuyến sông Hậu, sông Tiền, hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu, hệ thống xử lý nước thải tập trung chiếm tỷ lệ thấp hoặc không đạt tiêu chuẩn vẫn xả ra môi trường mỗi ngày, khiến cho tài nguyên nước mặt bị nhiễm chất bẩn hữu cơ và vi sinh. Như vậy, một lượng đáng kể nước thải không qua xử lý hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn vẫn xả ra môi trường mỗi ngày. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tài nguyên nước bề mặt trên sông Tiền, sông Hậu và các cửa sông thông ra biển... tại ĐBSCL đã có các dấu hiệu nhiễm bẩn chất hữu cơ và vi sinh. Việc thâm canh tăng vụ trong trồng trọt, nuôi trồng thủy sản đã bộc lộ mặt trái: gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, suy giảm mạch nước ngầm..., đang gây áp lực lớn lên môi trường, nguy cơ lây lan dịch bệnh.

- Tình trạng sụt lún đất ĐBSCL do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc khai thác nước ngầm quá mức làm ĐBSCL đang bị hạ thấp dần. Các số liệu đo đạc, nghiên cứu cho thấy mức độ lún từ 0,5-3cm/năm; các vùng ven biển phổ biến lún từ 1,5-2,5 cm/năm, nhiều nơi lớn hơn 2,5cm/năm, trong khi đó tỷ lệ nước biển dâng vào khoảng 0,3 cm/năm, dẫn đến ngập nước sẽ gia tăng, tiêu thoát nước sẽ rất khó gây khó khăn cho sản xuất, giá thành cao, mức độ ô nhiễm nguồn nước và môi trường tăng và khó kiểm soát hơn...

2.2.  Giải pháp

- Một là, Trung ương cần ra nghị quyết chuyên đề về an ninh nguồn nước nói chung và ở ĐBSCL nói riêng.

 Nâng cao nhận thức, tiếp tục quan tâm chỉ đạo hơn nữa về vấn đề này trong giai đoạn tới để phát triển ĐBSCL theo hướng thích nghi có kiểm soát, khai thác tối ưu các lợi thế so sánh để phát triển theo hướng bền vững sinh thái. Chính phủ ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP  ngày 17 tháng 11 năm 2017 “về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu” đã cho thấy quyết tâm chính trị và định hướng chính sách cụ thể trong vấn đề phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò trung tâm của an ninh nước trong hoạch định chính sách bởi các mục tiêu phát triển bền vững chỉ đạt được khi an ninh nước được đảm bảo.

- Hai là, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả

Cụ thể, kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước trên lưu vực sông Cửu Long thông qua việc kết nối, truyền thông tin, dữ liệu về hệ thống giám sát khai thác, sử dụng nước, xả nước thải theo quy định. Bên cạnh đó, bổ sung, xây dựng mới công trình tích, trữ nước, công trình bổ cập nhân tạo nước dưới đất, điều tiết, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước bảo đảm đa mục tiêu, phù hợp thực tiễn.

Nâng cao khả năng tích trữ nước của các ao, hồ, khu trũng sẵn có, kênh nội đồng, kênh cấp II, III trên nguyên tắc bảo đảm an toàn; bổ sung, xây dựng mới công trình điều tiết, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước đa mục tiêu, bảo đảm cấp nước cho mùa cạn theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp xảy ra thiếu nước, phù hợp với Quy hoạch này và các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan.

Ngoài ra, rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành hệ thống thủy lợi bảo đảm lưu thông dòng chảy, cải tạo môi trường nước phù hợp tình hình thực tế; xây dựng kế hoạch, lộ trình đầu tư xây dựng công trình cấp nước dự phòng trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn...

- Ba là, quản lý, điều hòa, phân bổ nguồn nước góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước cho các mục đích khai thác, sử dụng và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên lưu vực sông.

Cụ thể, quản lý điều hòa lượng nước có thể khai thác, sử dụng trên toàn lưu vực ứng với tần suất 50% khoảng 128.241 triệu m3, ứng với tần suất 85% khoảng 118.091 triệu m3, trong đó lượng nước có thể khai thác, sử dụng từ ngoài biên giới chảy vào (tại các trạm thủy văn Tân Châu, Châu Đốc) ứng với tần suất 50% khoảng 111.200 triệu m3, ứng với tần suất 85% khoảng 102.200 triệu mđáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng nước đến năm 2030 [2, tr 2]. Trường hợp hạn hán, thiếu nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định việc điều hoà, phân bổ nguồn nước cho các mục đích sử dụng cho phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nước. Trường hợp xảy ra thiếu nước nghiêm trọng, dòng chảy đến tại các trạm thủy văn Tân Châu, Châu Đốc thiếu hụt trên 30% so với trung bình nhiều năm trong mùa cạn, xâm nhập mặn sâu vào các sông, rạch, nội đồng (như các năm 2019, 2020), cần thực hiện việc đàm phán với các quốc gia thượng nguồn để yêu cầu gia tăng lượng nước về đồng bằng, chuyển từ phương thức đáp ứng nhu cầu sang chủ động quản lý nhu cầu trên các vùng sinh thái lợ và mặn, kết hợp các giải pháp tích, trữ, tạo nguồn.

- Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương về khai thác sử dụng nguồn nước. Việt Nam cần tiếp tục phối hợp với các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mê Công quốc tế thúc đẩy thực hiện hiệu quả Hiệp định Mê Công nhằm quản lý, khai thác sử dụng nguồn tài nguyên nước sông Mê Công một cách bền vững, công bằng, hợp lý; tăng cường hợp tác với các quốc gia trên lưu vực thông qua các kênh hợp tác song phương và đa phương, đặc biệt là cơ chế hợp tác Ủy hội sông Mê Công quốc tế và Hợp tác Mê Công - Lan Thương. Việt Nam cũng cần tiếp tục thúc đẩy công tác chia sẻ thông tin, số liệu, nâng cấp công cụ phân tích đánh giá, công cụ dự báo, tăng cường năng lực phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu, giám sát; thực hiện hiệu quả các quy chế, thủ tục sử dụng nước và chiến lược phát triển lưu vực, quy hoạch vận hành chung giữa các quốc gia ven sông.

- Năm là, cần tăng cường hợp tác với các quốc gia có kinh nghiệm trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán.

Tranh thủ sự giúp đỡ của các quốc gia, tổ chức quốc tế trong việc ứng phó với hạn mặn, đảm bảo an ninh nguồn nước nói riêng và biến đổi khí hậu nói chung. Với hồ nước tự nhiên và thời tiết rất nóng, Israel đã triển khai trên toàn thế giới công nghệ tưới nhỏ giọt tiên tiến nhất và kết quả là năng suất cây trồng ở Israel đã tăng lên (tăng hơn gấp đôi) và hơn 80% sản phẩm nông nghiệp từ phương pháp tưới này đang được xuất khẩu trên toàn thế giới. Công nghệ tưới nhỏ giọt sử dụng hệ thống đa cảm biến nhận tín hiệu từ môi trường (độ ẩm, hàm lượng N/P/O, v.v.) từ đó đẩy lượng nước phù hợp đến đúng vị trí, nhờ đó tối đa hóa quá trình tưới. Ngoài ra, để hạn chế thất thoát nước trên toàn bộ đường ống cấp nước, chỉ trong 10 năm, Nhà nước Israel đã chi khoảng 123 triệu USD để nâng cấp, củng cố hệ thống đường ống cấp nước trên toàn quốc. Nhờ vậy, nguồn nước đã được tiết kiệm và sử dụng rất hiệu quả.

3. Kết vấn đề

Có thể khẳng định, an ninh nguồn nước là vấn đề mang ý nghĩa sống còn đối với ĐBSCL. Bởi vậy, cần tập trung xử lý những bất cập trong bảo vệ môi trường để khắc phục tình trạng suy thoái chất lượng nước; thực hiện quyết liệt các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn; kêu gọi các quốc gia thượng nguồn chia sẻ công bằng nước sông Mê Công. Về lâu dài, cần có chiến lược bền vững, đảm bảo đủ lượng nước cho đời sống hàng triệu cư dân và phát triển kinh tế cho vùng đất vốn được mệnh danh là cái nôi của văn minh sông nước./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 “về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”.

2. Quyết định 174/QĐ-TTg ngày 6/3/2023 phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 

ThS Ngô Hồng Phong