Giữ gìn truyện cổ Khmer - Những tập tục trong ngày Tết Chôl Chnăm Thmây
Truyện cổ Khmer chiếm một vị trí khá quan trọng trong kho tàng văn hóa dân gian Khmer Nam bộ. Loại truyện này rất phong phú gồm nhiều thể loại: Cổ tích, thần thoại, truyện cười và ngụ ngôn. Cũng như truyện cổ của các dân tộc khác, truyện cổ Khmer không tránh khỏi những quy luật phổ biến của sự hình thành và phát triển của văn học dân gian trong quá trình lịch sử. Khi đọc truyện cổ Khmer ta thấy yếu tố thần kỳ được sử dụng tương đối phổ biến để miêu tả nhân vật. Về không gian trong truyện nhiều khi thay đổi đột ngột, dẫn đến tình tiết của câu chuyện diễn ra không hợp lý, thiếu logic. Chính những yếu tố ngẫu nhiên ở đây được dùng để mở đầu cho hàng loạt sự kiện, tình tiết mới để cuối cùng dẫn đến “cái hậu hợp lý” của truyện. Đó cũng là một đặc điểm về thủ pháp nghệ thuật trong kết cấu truyện cổ dân gian Khmer Nam bộ.
Trong kho tàng truyện cổ Khmer đáng chú ý nhất: thể loại cổ tích và thần thoại, vì nó có chủ đề rõ rệt, có ý nghĩa xã hội sâu sắc như truyền thuyết “Thamabal và Kabil Maha Prum” gắn liền với tập tục trong ngày đầu của Tết cổ truyền dân tộc… Tết của người Khmer ở Nam bộ thường nhằm vào tháng Tư dương lịch, người Khmer gọi là Lễ “Chôl Chnăm Thmây” có nghĩa là “Vào năm mới”, hay lễ “Chịu tuổi”. Người Khmer đón Tết với ý nghĩa cũng giống như các dân tộc khác, nhưng cách tổ chức và tập tục thì khác nhau. Hầu như mọi nghi thức quan trọng trong ba ngày Tết đều diễn ra tại chùa. Dưới mái chùa chung của cả phum sóc mọi người đều hướng lòng thành kính về Đức Phật, tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên và đặt hy vọng một năm mới an lành. Trong ngày đầu của năm mới, người dân Khmer tắm gội, mặc quần áo đẹp, đem theo nhang đèn, lễ vật vào chùa để làm lễ rước Maha Sâng Kran (Maha Sâng Kran là một quyển lịch, tạm gọi là Đại lịch, do các vị Đại Đức thông hiểu Khoa thiên văn soạn dùng trong một năm). Lễ rước Maha Sâng Kran là theo một truyền thuyết Phật giáo đó là truyện Thamabal và Kabil Maha Prum. Truyền thuyết kể rằng: Thuở xưa, có một cậu bé tên là Thamabal(1) con của một gia đình Phú hộ, Thamabal rất thông minh và tuấn tú. Lúc bấy giờ Thamabal đã biết đem sự hiểu biết của mình đi truyền bá tư tưởng đạo lý cho mọi người. Ai có điều gì thắc mắc trong cuộc sống thường được chàng lý giải một cách rõ ràng thỏa đáng. Dân chúng thán phục và rất thích nghe Thamabal thuyết giảng. Tiếng đồn về tài trí của Thamabal ngày càng lan rộng đến tận thượng giới. Các vị thần cũng xuống trần để nghe Thamabal thuyết giảng. Do vậy, những buổi thuyết giảng của thần Kabill Maha Prum(2) trên thượng giới ngày càng vắng vẻ. Thần Kabill Maha Prum nghe được mọi chuyện lấy làm tức giận, cho gọi hết các vị thần trở về, cấm không cho xuống trần gian nghe thuyết giảng. Đồng thời thần tìm cách hãm hại Thamabal. Một hôm, trong lúc Thamabal đang thuyết giảng cho dân chúng nghe, Thần xuất hiện với vẻ giận dữ và nói rằng: “Ta là Kabill Maha Prum, chắc nhà ngươi đã hiểu uy lực của ta từ lâu, ta nghe đồn nhà ngươi thông minh xuất chúng, nhưng ta không tin vào điều đó. Nay ta đặt cho ngươi ba câu đố, nếu nhà ngươi giải đáp đúng thì ta bằng lòng cắt đầu tự sát, nhường cõi thế này lại cho nhà ngươi. Còn nếu không giải đáp được thì ngươi phải dâng mạng sống của ngươi cho ta. Kỳ hạn đánh cuộc của chúng ta là 7 ngày, và tất cả dân chúng có mặt hôm nay đều là chứng nhân”. Không đợi Thamabal phản ứng, Kabil Maha Prum dõng dạc nói: Ngươi hãy cho Ta biết: Buổi sáng cái duyên của con người nằm ở đâu? Buổi trưa cái duyên của con người nằm ở đâu? Buổi tối cái duyên của con người nằm ở đâu? Phải chỉ cho rõ? Nói xong Maha Prum đắc chí cười ha hả rồi bay về trời, để lại sự hãi hùng cho dâng chúng và Thamabal. Thamabal vừa suy nghĩ vừa lo sợ sẽ bị mất mạng vì không thể giải đáp đúng kỳ hạn ba vấn đề bí hiểm đó. Kể từ đó, cậu bé ăn không ngon, ngủ không yên, cứ một ngày trôi qua là như thêm một hòn đá đè nặng lên tâm trí. Và rồi đến ngày cuối cùng, Thamabal rối trí, đi lang thang từ sáng đến trưa, đi mãi đi mãi, đi sâu vào rừng lúc nào không biết, nhưng vẫn không tìm được câu trả lời, quá mệt mỏi, thất vọng, cậu bé nằm nghỉ dưới góc cây thốt nốt. Lúc này, trên cây thốt nốt có hai con chim đại bàng đang nói chuyện với nhau. Chim mái hỏi chim trống: Hôm nay ta đi ăn ở đâu? Chim trống đáp: Hôm nay vợ chồng ta sẽ được xơi thịt Thamabal. Chim mái ngạc nhiên: Tại sao? Vì hôm nay là ngày cuối Thamabal phải giải đáp ba vấn đề bí của Kabil Maha Prum. Chim mái tò mò hỏi: Ba vấn đề ấy, là ba vấn đề gì? Nó bí ẩn thế nào mình có rõ không? Chim trống đáp: Anh cũng đã có dịp được nghe Đức Phật Ka Sóp(3) hồi còn sanh thời đã từng giải thích rằng: Buổi sáng cái duyên của con người ở trên mặt, nên ngủ dậy con người phải rửa mặt cho tươi tắn. Buổi trưa cái duyên con người nằm ở ngực, nên khi cảm thấy nóng nực con người dùng nước để tắm mát. Buổi tối cái duyên con người nằm ở dưới đôi chân, nên người ta thường rửa chân sạch trước khi đi ngủ. Thamabal nghe nói mừng rỡ, đứng bật lên và chạy ra khởi khu rừng, chạy đến đám đông dân chúng đứng trước mặt Kabil Maha Prum. Kỳ hạn 7 ngày đã đến, Kabil Maha Prum hạ trần cùng với chư thần tùy tùng rầm rộ, tay cầm kiếm vàng, mặt đầy oai phong sát khí, vừa thấy Thamabal, Maha Prum hỏi ngay: Thế nào Thamabal? Thamabal ung dung giải đáp theo đúng nội dung câu chuyện mà mình đã nghe được của vợ chồng đôi chim đại bàng. Maha Prum vô cùng kinh ngạc khi nghe xong câu thứ nhất và sợ hãi khi Thamabal đáp dứt câu thứ ba. Thần Kabil Maha Prum chấp nhận thua cuộc ngửa mặt lên trời và gọi bảy nàng con gái xuống trần căn dặn: Cha đã thua trí Thamabal, theo lời hứa cha phải chết. Các con hãy lấy khay vàng đựng đầu của cha đem về đặt tại hang Thủy tinh Thamamialy nơi núi Kailas trong dãy núi Hy Mã Lạp Sơn, nơi người trần không chạm đến được. Các con hãy cẩn thận, nếu để đầu cha rơi xuống biển, biển sẽ cạn. Nếu để đầu cha tung lên không trung thì trời không có mưa và nếu để đầu của cha trên mặt đất thì đất sẽ khô cằn, cỏ cây không mọc được. Dặn dò xong, Kabil Maha Prum liền rút gươm vàng tự cắt đầu mình. Từ đó về sau, để nhắc nhở cho mọi người biết đến câu chuyện này, mỗi năm đúng vào ngày thần Kabil Maha Prum tự sát, bảy cô gái xuống trần, vào hang bưng mâm đầu lâu của cha đến núi Tudi, rồi đi vòng quanh chân núi ba lần theo hướng mặt trời mọc. Mỗi năm một cô bưng mâm đầu lâu một lần, nên tùy theo tính chất của cô tiên nữ bưng mâm, mà ta biết được năm đó xấu hay tốt. Giới Phật giáo tạo ra huyền thoại trên đây với dụng ý Phật pháp là vô định đã làm cho tôn giáo khác suy yếu và đánh dấu mốc thời gian Phật giáo đi vào xã hội Khmer vào khoảng thế kỷ 13. Thay vì rước đầu lâu, người Khmer vào ngày đầu của năm mới ở những địa phương không tạo ra được đầu thần Kabil Maha Prum (thần bốn mặt) nên đã thay thế bằng cuốn lịch năm mới (Đại lịch) mà người Khmer gọi là Maha Sâng Kran. Nghi thức rước Maha Sâng Kran đi vòng quanh chánh điện ba lần theo như huyền thoại và đó cũng là tập tục của người Khmer trong ngày đầu của Chôl Chnăm Thmây. Tuy nhiên, về ý nghĩa và nghi thức cũng được thực hiện theo như huyền thoại. Còn lý do, tại sao lại có sự thay thế như vậy thì chưa có lời giải thích nào cụ thể. Vào chiều ngày thứ hai của Tết, còn gọi là ngày Vonbât mọi người cùng nhau đắp núi cát theo sự hướng dẫn của Achar(4). Tập tục này cũng gắn liền với một sự tích của người Khmer. Sự tích kể rằng: Ngày xưa, có một người làm nghề săn bắn, kể từ khi hành nghề cái chỉa của ông lúc đầu thì lưỡi to bằng mái chèo, dần dần còn bằng cái lông gà. Cái thớt mà ông thường dùng để lột da thú ban đầu rất dầy nhưng cũng đã bị mòn không còn dùng được nữa, điều đó cho thấy ông đã giết rất nhiều muông thú. Một hôm, ông được một nhà sư hướng dẫn tích phước bằng cách đắp núi cát trong một ngôi chùa gần nơi ông ở. Một thời gian sau đó, do tuổi tác đã cao ông luôn đau yếu và thường xuyên bị ám ảnh thấy cả bầy thú dữ bao vây ông đòi nợ oan nghiệt. Giữa lúc đó, do phước đức ông đã từng đắp núi cát khiến cho ông tỉnh táo, nên ông đã trả lời với muông thú rằng: “Nếu các ngươi muốn bắt tôi trả nợ oan nghiệt, thì xin các ngươi hãy đếm hết những hạt cát mà tôi đã đắp thành núi, xong rồi tôi sẽ trả cũng chẳng muộn gì”. Bọn thú đồng ý, chúng cùng nhau đi đếm nhưng không tài nào đếm hết. Chán nản chúng kéo nhau đi, và người thợ săn không còn gặp cơn ác mộng nữa, sức khỏe ông dần dần hồi phục. Từ đó ông luôn cố gắng tích đức làm việc thiện cho đến khi chết được lên thiên đường. Cũng từ sự tích này mà đồng bào Khmer vẫn giữ tục đắp núi cát để tích lấy phước đức. Qua truyện cổ Khmer Nam bộ, ta thấy nổi bật lên tinh thần cần cù, dũng cảm, đức thông minh và tài trí, yêu lẽ phải, yêu tự do của một dân tộc. Sự tích và truyền thuyết trên là những bài học răn dạy con người một ý thức sống về mặt đạo đức làm lành, lánh dữ, cách cư sử của con người theo triết lý nhà Phật. Đồng thời hướng con người đến cái đúng, cái đẹp, cái đạo lý lương tâm./. (1) Thamabal: Theo nghĩa bóng là người giữ đạo pháp, không phải là nhân vật có thật, mà là đạo pháp Phật được nhân cách hóa. (2) Kabil Maha Prum: Vị thần bốn mặt, tượng trưng cho Bà – la – môn giáo, được nhân cách hóa. (3) Đức Phật Ka Sóp: tức là Đức Phật thích ca trong kiếp thứ nhất. (4) Achar: Là một người tu hành, thông hiểu thủ tục lễ bái theo đạo Phật, được nhà chùa giao cho hướng dẫn mọi người làm lễ.
Ngọc Dung BT
|
Các bài viết khác: | |
▪ | Hội nghị Tổng kết Đảng bộ Sở VHTTDL năm 2021 (14/01/2022) |
▪ |