PHÁT HUY TRÍ TUỆ CỦA ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC TRẺ CẦN THƠ TRONG XU THẾ HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN HIỆN NAY

Với vị trí trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, y tế cùa vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đóng vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển của toàn vùng, đội ngũ trí thức trẻ Cần Thơ hiện nay hội tụ từ nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhất là các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL.
Sinh viên thực hành trong phòng thí nghiệm tại Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Đại học Cần Thơ. Ảnh: Bích Ngọc

 Đặc biệt, Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, viện, trung tâm nghiên cứu quan trọng trong khu vực, nên đây cũng là nơi có nhiều trí thức trẻ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, nhiều người có bằng cấp tiến sĩ, thạc sĩ, có hàm Giáo sư, Phó giáo sư. Đội ngũ trí thức trẻ của Cần Thơ có điều kiện học tập, làm việc, nghiên cứu trong môi trường phù hợp, năng động, hiện đại, nhiều cơ hội thăng tiến, phát triển chuyên môn, vị trí, việc làm. Đây cũng là lực lượng nòng cốt và rất nhạy bén, có khả năng tiếp cận nhanh với tiến bộ khoa học kỹ thuật trên thế giới nhờ làm việc, nghiên cứu với các tổ chức kinh tế, khoa học kỹ thuật nước ngoài, cũng như trao đổi, hợp tác nghiên cứu, tiếp cận nhanh với những tiến bộ, những thành quả khoa học kỹ thuật ở hai trung tâm lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, lực lượng trí thức trẻ Cần Thơ còn có một thuận lợi đáng chú ý đó là được sống, làm việc, cống hiến trong môi trường còn bảo lưu nhiều nét đẹp truyền thống của một thành phố sông nước, thủ phủ miền Tây như nhân ái, hào hiệp, chân chất, phóng khoáng, cởi mở, năng động.   

 

 

   Tuy nhiên, bên cạnh những thế mạnh nêu trên, lực lượng trí thức trẻ Cần Thơ vẫn có một số điểm hạn chế. Thứ nhất, trí thức trẻ Cần Thơ vẫn chưa có điều kiện tốt nhất để tiếp cận, kết nối toàn diện với các trung tâm Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng như thế giới do công nghiệp, thương nghiệp, điều kiện giao thông, cơ sở hạ tầng,... chưa thực sự phát triển tương xứng. Thứ hai, điều kiện thu nhập, trình độ phát triển đô thị, giao lưu quốc tế chưa ngang bằng, chưa thu hút, tập hợp được đội ngũ tri thức tài năng, có trình độ, học vị cao ở các vùng miền khác như ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… Mặt khác, khi nói về những hạn chế của lực lượng trí thức trẻ Cần Thơ, cũng cần lưu ý đến những tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường: Sản phẩm văn hóa độc hại, tệ nạn xã hội, mạng xã hội phức tạp; tâm lý đua đòi, ăn chơi, hưởng thụ, ích kỷ, ngại cống hiến; nhiều giá trị đạo đức bị xuống cấp khi quan niệm đề cao tiền tài, danh vọng lên ngôi…

Thực tế nêu trên đặt ra một vấn đề quan trọng là làm sao phát huy một cách tốt nhất trí tuệ của lực lượng trí thức trẻ Cần Thơ, tạo động lực, điều kiện thuận lợi để lực lượng này có thể đóng góp hiệu quả hơn nữa cho sự nghiệp phát triển của thành phố Cần Thơ nói riêng và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam nói chung. Những đề xuất sau đây chỉ mang tính chất tham khảo với hy vọng có thể góp thêm một vài ý kiến phục vụ cho việc xây dựng chiến lược tổng thể cũng như các giải pháp mang tính cụ thể, đồng bộ, vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt, vừa mang tính định hướng lâu dài cho kế hoạch phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030 và 2045.

   Thứ nhất, cần tiếp tục tăng cường công tác tư tưởng, phát huy vai trò của các tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn, Hội, ... trong việc vận động trí thức trẻ ở mọi ngành, mọi giới có ý thức trách nhiệm trong việc tích cực đóng góp trí tuệ của mình cho sự nghiệp phát triển chung; có thái độ nghiêm túc, hăng say học tập, làm việc, nghiên cứu khoa học,.. để nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn; có tinh thần nhiệt huyết, say mê, mạnh dạn tìm tòi, phát minh, sáng tạo trong lĩnh vực chuyên môn của mỗi người. Rất cần duy trì phong trào thi đua sáng kiến khoa học kỹ thuật trong lực lượng trẻ để khuyến khích trí thức trẻ tích cực, mạnh dạn suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo, đổi mới và có cơ chế tuyên dương, khen thưởng, đãi ngộ phù hợp với những nhà trí thức trẻ có đóng góp cụ thể, có ý nghĩa thiết thực. Cần có các hình thức thích hợp để nêu gương điển hình các nhà trí thức trẻ năng động, có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật của địa phương             

   Thứ hai, trong công tác tổ chức cán bộ, cần chú ý nhiều hơn nữa đối với việc tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức trẻ, đặc biệt là giới nữ, có cơ hội đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong cơ cấu lãnh đạo tại các cơ quan, ban ngành thuộc địa phương; hướng tới nâng dần tỷ lệ trí thức trẻ có trình độ chính trị, chuyên môn vững vàng, được tham gia các công tác quản lý, tạo điều kiện cho họ có cơ hội chứng minh, phát huy năng lực trí tuệ, khả năng chuyên môn của mình. Nhắc đến vấn đề này là bởi, lâu nay, trong công tác tổ chức cán bộ vẫn còn tồn tại quán tính tâm lý đề cao tuổi tác, kinh nghiệm. Đôi chỗ, người lãnh đạo còn dè dặt, không thực sự tin tưởng khi giao phó trách nhiệm quan trọng cho những người có bằng cấp, trình độ chuyên môn, nền tảng tri thức khoa học hiện đại vững vàng nhưng vẫn bị đánh giá là còn “trẻ tuổi đời, tuổi nghề”, nhiệt tình nhưng nóng vội, thiếu kinh nghiệm quản lý, ứng xử,…

Thứ ba, trong công tác quản lý, địa phương cần tăng cường liên kết, giao lưu, hợp tác với các đối tác nước ngoài; với các trường, viện, trung tâm nghiên cứu ở hai trung tâm lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; đặc biệt là với các trường đại học, cao đẳng, viện, trung tâm nghiên cứu trên địa bàn thành phố Cần Thơ để dự báo, hoạch định rõ chiến lược về con người, định hướng phát triển của địa phương, nhu cầu thị trường lao động có trình độ cao,… trong giai đoạn từ đây đến năm 2030 và 2045, trên cơ sở đó đặt hàng đào tạo và nghiên cứu đối với các trường đại học, cao đẳng, viện, trung tâm nghiên cứu; đề xuất cơ chế đãi ngộ, hỗ trợ cụ thể nhằm mời gọi, khuyến khích các trí thức trẻ có năng lực và tâm huyết hết lòng đóng góp trí tuệ vì sự phát triển của địa phương; ưu tiên xét duyệt, ủng hộ đề tài nghiên cứu do lực lượng trí thức trẻ đăng ký thực hiện...

Thứ tư, ở phương diện xã hội hóa, địa phương cần vận động các mạnh thuờng quân, các tổ chức khoa học kỹ thuật, các doanh nghiệp trong và ngoài nước,… tích cực tham gia thành lập quỹ hỗ trợ sự nghiệp phát triển đội ngũ trí thức trẻ. Chú ý đầu tư, phát triển các tài năng trẻ ở mọi lĩnh vực bằng nguồn quỹ hỗ trợ và nguồn quỹ này cần được sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch để chứng minh hiệu quả thiết thực.

Tóm lại, trí tuệ chính là nhân tố quyết định trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Có trí tuệ, trình độ tri thức, nghiệp vụ chuyên môn cao mới có được tác phong năng động, thích ứng nhanh với xu hướng phát triển của thế giới; mới có thể phát huy được truyền thống hào hiệp, nhân ái để xây dựng một đời sống văn minh, thanh lịch. Vì vậy, xác lập tiêu chuẩn trí tuệ ở vị trí đầu tiên trong 5 tiêu chuẩn xây dựng người Cần Thơ cũng chính là khẳng định vai trò quan trọng của yếu tố này đối với định hướng nâng tầm thành phố trung tâm miền Tây Nam Bộ, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của cả khu vực ĐBSCL. Muốn phát huy trí tuệ của người Cần Thơ, rất cần có chiến lược, hệ thống giải pháp đồng bộ, cụ thể, lâu dài và được tiến hành nhất quán, trong đó, dứt khoát phải chú ý đến vai trò của đội ngũ trí thức trẻ, một nguồn lực đầy tiềm năng của hiện tại và chắc chắn sẽ trở thành nguồn lực chủ yếu của sự nghiệp phát triển đất nước trong tương lai./.

PGS, TS Nguyễn Kim Châu

Các bài viết khác:
XÂY DỰNG NGƯỜI CẦN THƠ “TRÍ TUỆ - NĂNG ĐỘNG - NHÂN ÁI - HÀO HIỆP - THANH LỊCH”   (20/10/2021)
HỘI THI “TÌM HIỂU PHÁP LUẬT”   (06/08/2021)
TĂNG CƯỜNG CÁC HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN   (14/08/2019)