Xây dựng văn hóa ứng xử trong giao thông

Theo số liệu của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia: trong 9 tháng đầu năm 2013, cả nước xảy ra hơn 21.800 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7.040 người, bị thương 21.780 người. Nhìn chung, tình hình tai nạn giao thông trong 9 tháng qua giảm nhưng số người chết lại tăng 139 người chết.
Chương trình tuyên truyền an toàn giao thông “Chuyện ven đường” của Đội TTLĐ TP.Cần Thơ(Ảnh: Quang Phong)

Cũng như các tỉnh, thành trong cả nước, ở thành phố Cần Thơ, tình hình TNGT diễn biến hết sức phức tạp, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho gia đình và xã hội. Chín tháng đầu năm 2013, TP.Cần Thơ xảy ra 62 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 66 người, bị thương 39 người. So với cùng kỳ 2012, TNGT tăng 7 vụ, tăng 7 người chết, tăng 17 người bị thương (tỷ lệ tăng 12,72%).

Có thể nêu 3 nguyên nhân chính dẫn đến TNGT: Chưa xây dựng được văn hoá ứng xử giữa người với người trong giao thông; Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chưa được xây dựng, phát triển đồng bộ; và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giao thông cũng chưa được xây dựng đầy đủ, đồng bộ.

Khi đề cập đến văn hoá có thể nói chúng ta đụng chạm tới nhiều vấn đề, bởi văn hóa là một khái niệm rất rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần, trong đó có văn hoá ứng xử. Chỉ xin đề cập đến văn hoá ứng xử giữa người với người trong giao thông. Xét cho cùng giao thông có an toàn hay không, nguyên nhân chính là ở con người.

Con người tham gia giao thông, bấy lâu nay chúng ta thường chỉ xem xét những người đi bộ trên đường phố, sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ, giao thông đường thuỷ và đường không mà ít đề cập đến những người quản lý, điều hành giao thông. Do đó, khi xây dựng văn hoá ứng xử trong giao thông, chúng ta phải chú ý đến cả hai đối tượng này.

Để từng bước hình thành văn hóa ứng xử trong giao thông, xin đề xuất một số biện pháp như sau:

1.Xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong giao thông bao gồm những tiêu chí lớn:

Một là, người tham gia giao thông phải hiểu biết đầy đủ và chấp hành nghiêm Luật Giao thông. Điều này thể hiện ý thức công dân trong tham gia giao thông, phải tự giác chấp hành các quy tắc giao thông kể cả khi có và không có lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông.

Hai là, phải có tính cộng đồng khi tham gia giao thông: điều này thể hiện mối quan hệ giữa những người cùng tham gia giao thông. Khi tham gia giao thông, phải biết nhường nhịn và phải tôn trọng, hài hoà giữa lợi ích bản thân  và lợi ích cho người khác.

Ba là, người tham gia giao thông phải có lòng tự trọng và lòng nhân ái: Khi tham gia giao thông, phải thể hiện đạo đức: khi gặp người bị TNGT cần phải giúp đỡ và chia sẻ kịp thời; cư xử có văn hóa: bình tĩnh, từ tốn, ưu tiên cho người già, trẻ em, biết xin lỗi, lịch sự khi va chạm giao thông.

Bốn là, các cơ quan chức năng phải xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm luật giao thông. Cán bộ, cảnh sát, thanh tra giao thông... phải ứng xử có văn hoá đối với người tham gia giao thông; làm cho họ “tâm phục, khẩu phục” khi vi phạm các nguyên tắc giao thông.

2.Đẩy mạnh, cải tiến công tác tuyên truyền an toàn giao thông, phù hợp với đặc điểm riêng của các tầng lớp xã hội. Đi đối với việc giáo dục pháp luật về giao thông, cần đặc biệt chú trọng hướng dẫn các kỹ năng giao thông an toàn; tổ chức các lớp học miễn phí về an toàn giao thông (ATGT)...

Kinh nghiệm cho thấy: tuyên truyền ATGT bằng cách lồng ghép vào các loại hình hoạt động văn hoá-văn nghệ: kịch ngắn, tiểu phẩm, chương trình thông tin lưu động, trưng bày hoặc triển lãm tranh, ảnh, chiếu phim lưu động... sẽ làm cho các nội dung tuyên truyền mềm hơn và dễ đi vào lòng người hơn.

3.Tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hoá ứng xử căn cơ, lâu dài

Văn hóa ứng xử trong giao thông của mỗi người không phải tự nhiên có được mà nó hình thành qua quá trình giáo dục lâu dài từ nhỏ trong gia đình, nhà trường và tiếp thu có chọn lọc hành vi ứng xử văn hóa giao thông trong xã hội.

Số liệu điều tra mới đây của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia: gần 80% số người bị xử lý khi tham gia giao thông có độ tuổi từ 16 - 35; gần 80% sinh viên khi đi xe máy không có giấy phép lái xe; 95% sinh viên điều khiển xe sai kỹ thuật. Đặc biệt, nhiều học sinh THPT không có giấy phép lái xe vẫn sử dụng xe máy phân khối lớn đến trường. Hiện ở nước ta có khoảng 20 triệu học sinh, sinh viên. Đây là đối tượng cần phải tập trung giáo dục, xây dựng văn hoá ứng xử trong giao thông. Kế đến là cán bộ, đảng viên, công chức. Đội ngũ này phải có văn hoá ứng xử trong giao thông để làm gương cho lớp trẻ noi theo.

 Đề án đảm bảo trật tự ATGT đến năm 2010 do Chính phủ ban hành năm 2008 đã đưa ra mục tiêu: "xây dựng các quy tắc đi lại văn minh và đưa các tiêu chí về ATGT vào tiêu chuẩn gia đình văn hóa". Đây là một giải pháp vừa mang tính trước mắt vừa mang tính căn cơ trong việc xây dựng văn hoá ứng xử trong giao thông.

 Ngoài ra, để xây dựng văn hoá ứng xử trong giao thông, cần phải huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, của toàn xã hội; phải thực hiện đồng bộ những biện pháp: nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành luật giao thông cho mọi người dân, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đáp ứng sự phát triển của kinh tế - xã hội, chế tài đủ mạnh để răn đe và giáo dục người vi phạm nguyên tắc giao thông./.

Thái Ngọc Anh
Các bài viết khác:
CÔNG BỐ CÁC VỊ TRÍ TRỤ, BẢNG QUẢNG CÁO TẤM LỚN ĐÃ THÔNG BÁO CHO TỔ CHỨC, DOANH NGHIỆP, ĐƠN VỊ THEO ĐỀ ÁN ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH QUẢNG CÁO CỦA TP. CẦN THƠ (Đến tháng 4/2017)   (27/04/2017)
CHIẾN SĨ VĂN HÓA XUNG PHONG   (16/01/2017)
TRUNG TÂM VĂN HÓA THÀNH PHỐ CẦN THƠ GÓP PHẦN ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH   (08/07/2016)
Tổ chức sinh hoạt chuyên đề "Học sinh trường Trung học phổ thông Thốt Nốt hướng về biển đảo quê hương"   (11/09/2014)
Hội thi hoạt động Tuyên truyền lưu động TP. Cần Thơ lần thứ 36 năm 2014   (23/05/2014)
<<