Độc đáo Gốm Nam bộ qua một số hiện vật Trưng bày tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ

Gốm Nam bộ là cách gọi chung mà giới sưu tập hiện nay dùng để gọi một số dòng gốm được sản xuất ở vùng Sài Gòn – Chợ Lớn, Biên Hòa, Lái Thiêu vào khoảng thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX. Tuy nhiên xét về mặt không gian thì "Gốm Nam bộ" bao gồm những loại đồ gốm bản địa ra đời ở nhiều địa phương trong vùng Nam bộ. Niên đại lịch sử có thể tồn tại đến hàng ngàn năm lịch sử.
Các đồng chí lãnh đạo thành phố tham quan tại buổi triển lãm. Ảnh: Quốc Huy

Mừng Đảng – Mừng Xuân 2017, Bảo tàng thành phố Cần Thơ giới thiệu một số hiện vật tiêu biểu của một số dòng gốm được sản xuất ở vùng Sài Gòn – Chợ Lớn, Biên Hòa, Lái Thiêu vào khoảng thế kỷ XIX – XX qua chuyên đề "Gốm Nam bộ''. Chuyên đề được khai mạc vào ngày 20 tháng 12 năm 2016 và kéo dài đến giữa tháng 4 năm 2017.
Trong tiến trình lịch sử của gốm Việt Nam, các dòng gốm được sưu tầm và giới thiệu trong chuyên đề này mặc dù sự ra đời muộn hơn các dòng gốm khác trong cả nước, nhưng đóng góp đáng kể vào lịch sử phát triển của gốm Việt Nam. Đặc điểm của gốm Nam bộ là bình dị, mộc mạc, gần gũi với đời sống thường nhật của người dân như các loại đồ gia dụng, đồ thờ cúng… Tuy nhiên cũng có những loại hình đồ gốm đạt trình độ kỹ thuật và có giá trị thẩm mỹ cao đó là những tượng thờ cúng, trang trí ở các đình, chùa, miếu…Thông qua những hiện vật do Bảo tàng Cần Thơ sưu tầm và giới thiệu phần nào sẽ phản ánh những đặc điểm nêu trên.
Nhóm hiện vật tiêu biểu có thể thấy phổ biến là các tượng trang trí ở các công trình đình, chùa, miếu vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX như: tượng ông Nhật, bà Nguyệt, tượng lưỡng long tranh châu, tượng lân… thuộc dòng gốm Cây Mai; tượng lân, cá hóa long, chim phụng (phụng hàm thư) thuộc dòng gốm Lái Thiêu. Đây là những tượng gốm được tráng men nhiều màu với kỹ thuật tạo hình tinh xảo, đạt giá trị thẩm mỹ cao.
Tượng thờ cũng có phong cách riêng, đặc trưng của dòng gốm đất nung Nam bộ nửa cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX mà điển hình là tượng thuộc dòng gốm Sài Gòn xưa như tượng các vị Bồ tát, La hán, Thần tài, Tam thánh… đây là những tượng được làm bằng phương pháp thủ công trông có vẻ đơn giản, mộc mạc nhưng mỗi tác phẩm ẩn chứa sự chuẩn mực về hình thể, hài hòa về bố cục, sự tinh tế, mềm mại, uyển chuyển trong từng đường nét. Dòng tượng thờ này áp dụng kỹ thuật tô màu nên mỗi tượng sẽ có những đường nét nghệ thuật riêng, tạo nên vẽ đẹp độc đáo của mỗi tác phẩm.
Từ khoảng nửa cuối thế kỷ XIX – nửa đầu thế kỷ XX, vùng Sài Gòn – Chợ lớn đô thị hóa khá nhanh, lò gốm trong nội thành mất dần, trong đó có gốm Cây Mai. Vùng gốm Lái Thiêu, Biên Hòa nhộn nhịp hơn và dần trở nên nổi tiếng.
Gốm Biên Hòa là dòng gốm thiên về trang trí hoa văn dày đặc bao quanh sản phẩm bằng phương pháp vẽ nét chìm, hoặc lấy nét chìm kết hợp với trổ thủng để tạo hoa văn, sau đó tô men, không có sự phân biệt giữa men và màu ve. Thông qua sưu tập bình và một số hiện vật khác thuộc dòng gốm Biên Hòa của bảo tàng, khách tham quan phần nào thấy được sự phong phú đa dạng về loại hình, cũng như vẻ đẹp độc đáo từ hình dáng và hoa văn trang trí.
Phổ biến nhất trong sưu tập gốm Nam bộ của Bảo tàng Cần Thơ là các hiện vật thuộc dòng gốm Lái Thiêu. Dòng gốm này ra đời khoảng giữa thế kỷ XIX đến thế kỷ XX. Gốm Lái Thiêu có các trường phái như trường phái Quảng Đông, sử dụng men nhiều màu chuyên sản xuất các tượng trang trí, các loại chậu, đôn; trường phái Triều Châu sử dụng men xanh trắng chuyên sản xuất đồ gốm gia dụng như chén, dĩa, tô, bình trà, bình rượu…; trường phái Phúc Kiến sử dụng men màu đen, men da lươn, chuyên sản xuất lu, hũ, vịm. .. Gốm men nhiều màu Lái Thiêu với nguồn gốc nguyên liệu địa phương kết hợp với kỹ thuật truyền thống của người Hoa và cả người Việt đã tạo nên một dòng gốm men nhiều màu rất bình dị mà thanh thoát tạo nên nét đẹp riêng của nó.
Hoa văn trang trí trên gốm Lái Thiêu có nhiều dạng khác nhau, thường theo xu hướng đồ án, đường nét to, thô nhưng không vì thế mà kém trau chuốt, sinh động. Nội dung trang trí chính là hoa, lá. Số lượng nhiều nhất là đồ án hoa mẫu đơn được bố cục chặt chẽ: mẫu đơn - chữ thọ, mẫu đơn - kê, mẫu đơn – điểu. Ngoài ra còn có các đồ án rồng, phượng, tùng - hạc, hoa lan, hồng - điệp, lý ngư, phong cảnh sơn thủy hữu tình… đặc biệt đồ án tranh cát tường với hình ảnh con gà trống trên tô, dĩa trở thành thương hiệu của gốm men màu Lái Thiêu.
Nghiên cứu một số hiện vật gốm Nam bộ đang lưu giữ tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ, phần nào thấy được sự độc đáo tiêu biểu của từng tác phẩm ở mỗi dòng gốm. Đồng thời sưu tập hiện vật này còn phản ánh những giá trị di sản văn hóa thủ công mỹ nghệ mà người dân Nam bộ đã tạo nên từ khoảng thế kỷ XIX – XX.
Thúy Linh (Bảo tàng TP)
Các bài viết khác:
Tổng kết Hội báo Xuân và Cuộc thi Ấn phẩm Xuân Canh Tý 2020 thành phố Cần Thơ   (09/03/2020)
Khai mạc Triển lãm ảnh “ Đảng Cộng sản Việt Nam - 90 mùa xuân lịch sử”, “Quân đội nhân dân Việt Nam - 75 năm trưởng thành và phát triển” và Trưng bày chuyên đề “Nét xưa”   (18/12/2019)
Tổ chức chương trình “Cùng em đọc sách” tại các trường học   (31/10/2019)
Triển lãm bộ ảnh “50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” và trưng bày chuyên đề Tranh ký họa kháng chiến ở Đồng bằng sông Cửu Long”   (30/08/2019)
Khai mạc triển lãm sách và hình ảnh chuyên đề “Hồ Chủ tịch sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”   (27/08/2019)
<<  <  1  2  3  4  5  ...    >>