Đội nghệ thuật xung kích Cần Thơ đi thăm và biểu diễn động viên bộ đội Trường Sa và Nhà giàn DK1

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền biển đảo, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong các tầng lớp cán bộ và nhân dân, tạo thành những phong trào thiết thực hướng về biển, đảo của Tổ quốc, nhất là phong trào “Vì Trường Sa thân yêu”, “Vì biển đảo Tổ quốc”. Theo đề nghị của Cục Chính trị - Bộ Tư lệnh Hải quân, được sự thống nhất của Thành ủy, UBND thành phố, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cử Đội nghệ thuật xung kích của Trung tâm Văn hoá thành phố đi thăm và biểu diễn động viên bộ đội Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, tại quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 từ ngày 04 đến ngày 12 tháng 5 năm 2019.
Đội nghệ thuật xung kích Cần Thơ giao lưu văn nghệ cùng các chiến sĩ tại đảo Trường Sa Đông

Theo đó Đội nghệ thuật xung kích Cần Thơ gồm 12 thành viên cùng đoàn công tác số 9, trên tàu kiểm ngư KN-491 do Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó Chủ nhiệm Cục Chính trị - Bộ Tư lệnh Hải quân làm Trưởng đoàn, đã vượt trên 1000 hải lý từ đất liền (địa phận tỉnh Khánh Hòa) để đến với Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau gần hai ngày vượt trùng khơi, sáng ngày 06/5, tàu KN-491 đã đưa đoàn công tác tới khu vực Đảo Đá Lớn B - điểm đến đầu tiên của hải trình. Giữa trùng khơi bao la sóng nước, sự mệt mỏi mau chóng qua đi khi Trưởng đoàn thông báo các đại biểu xuống xuồng vào thăm đảo. Tại đây, Đội nghệ thuật xung kích Cần Thơ đã thực hiện buổi giao lưu văn nghệ đầu tiên đầy cảm xúc trong tổng số 9 buổi biểu diễn của lần công tác này, tại các đảo Đá lớn B, Sinh tồn Đông, Tốc Tan C, Phan Vinh B, Tuyến chài B, An Bang, Đá Đông C, Trường Sa Đông, Đá Tây A.

Nơi đây phần lớn là đảo đá chìm, doanh trại của các chiến sỹ chỉ là ngôi nhà được xây dựng trên nền đá san hô ngập nước, không sân, không vườn, Đội xung kích đã triển khai biểu diễn theo hình thức sinh hoạt, giao lưu, gần gũi, ấm cúng, thân tình. Tại đảo Trường Sa lớn, nơi được xem là thị trấn sung túc của quần đảo Trường Sa; ngay khi tàu cập cảng, đoàn công tác đã được cán bộ, chiến sỹ cùng nhân dân, đặc biệt là các cháu thiếu nhi chào đón trong niềm hân hoan, phấp phới lá cờ đỏ sao vàng; đêm giao lưu văn nghệ thực sự cảm động, thắm tình quân dân qua từng lời ca, tiếng hát của thành viên Đội, của các chiến sỹ, các em thiếu nhi trên đảo và cả những người dự xem. Tất cả đã làm xua tan mọi mệt nhọc, cay rát của nắng gió và biển mặn để thay vào đó bằng tình yêu thương đong đầy, tinh thần đoàn kết nghĩa tình của những con người mang dòng máu Việt Nam.

Đêm giao lưu thắm tình quân dân tại đảo Trường Sa lớn.

Chia tay đảo Trường Sa trong tiếng nấc nghẹn ngào và dòng lệ lặng lẽ của người dân, Đoàn công tác tiếp tục hải trình đến với Nhà giàn DK1; Do sóng to gió lớn, tàu không thể tiếp cận để đưa các thành viên lên nhà giàn, qua bộ đàm, Đội nghệ thuật xung kích Cần Thơ cất tiếng hát vang gửi trọn tâm tình đến các chiến sỹ, tiếng hát khan, thô mộc lẫn vào tiếng sóng và gió biển nghe đứt quãng từng đợt, đừng đợt. Tất cả thành viên trên tàu đều nhòe lệ, khi tàu KN-491 hú ba hồi còi tạm biệt, xa xa vẫn trông thấy các chiến sỹ nhà giàn vẫy chào, trên tay họ, lá cờ Tổ quốc vẫn hiên ngang tung bay, mặc cho gió biển tung bạt thế nào.

Mỗi một nơi đến, đều đọng lại trong tâm khảm thành viên đoàn một cung bậc cảm xúc khác nhau, nơi thì gần gũi, chân tình, nơi thì chênh vênh, nghẹn ngào, nhưng chắc rằng có một điều khiến các thành viên đoàn không bao giờ quên đó là tinh thần quật cường, vượt qua mọi khắc nghiệt thời tiết của những con người nơi đây, những gương mặt chưa bao giờ biết mệt mỏi, những làn da đen sạm vì nắng gió, những vóc dáng rắn rỏi, những hình ảnh chiến sĩ bồng súng oai nghiêm canh giữ biển trời, những tinh thần kiên định, sắt đá trước mọi gian khổ, hiểm nguy, những sự vươn lên tăng gia sản xuất nuôi lợn, chăn gà, chăm bón để rau vẫn xanh, hoa vẫn nở trên đá giữa muôn trùng sóng nước. Tất cả đã làm nên một Trường Sa uy nghi, một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Chuyến đi lần này đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1 quả là một hành trình đáng để suy ngẫm, một kỷ niệm không thể nào quên trong ký ức của thành viên đoàn công tác số 9. Qua chuyến công tác này, tin chắc rằng các thành viên Đoàn sẽ cảm nhận đầy đủ và sâu sắc hơn về vai trò, vị trí, chủ quyền biển đảo Việt Nam, để thêm yêu thương, tự hào cho tinh thần đoàn kết dân tộc, chung sức, chung lòng thực hiện trách nhiệm giữ gìn, xây dựng và bảo vệ đất nước văn minh, giàu đẹp.

 

Nguyễn Văn Hóa - Trung tâm Văn hóa TP
Các bài viết khác:
Đón xem chương trình biểu diễn nghệ thuật định kỳ - Điểm đến không nên bỏ lỡ khi tham quan thành phố Cần Thơ   (02/01/2020)
Chương trình sân khấu cải lương định kỳ “Dạ cổ Cầm Thi” - Hoạt động mới tại Nhà hát Tây Đô   (06/09/2019)
Trung tâm văn hóa thành phố Cần Thơ tổ chức Bế giảng Lớp bồi dưỡng kiến thức Đờn ca tài tử nâng cao năm 2019   (02/08/2019)
Đoàn nghệ thuật thành phố Cần Thơ tham gia Giỗ Tổ Hùng Vương Lễ hội Đền Hùng năm Kỷ Hợi 2019, tại tỉnh Phú Thọ   (12/04/2019)
Chương trình nghệ thuật nhân dịp Lễ giỗ lần thứ 147 Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa   (27/02/2019)
<<  <  1  2  3  4  5  ...    >>