Ý CHÍ VƯƠN LÊN CỦA MỘT GIA ĐÌNH VĂN HÓA

Vào một buổi chiều cuối tuần, sau cơn mưa tầm tã của tháng 7, tôi cùng với anh em phòng Văn hóa và Thông tin quận Cái Răng đến thăm nhà bác Phạm Gạch (tên thường gọi là bác Tư Gạch), một hộ gia đình văn hóa tiêu biểu của quận Cái Răng được Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen trong phong trào xây dựng Gia đình văn hóa năm 2013.
Ông Phạm Gạch

         Ngồi tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, tọa lạc tại khu vực 2, phường Ba Láng, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ là một ông lão tóc bạc hoa râm, nói chuyện rất từ tốn, cởi mở. Năm nay ông đã 71 tuổi nhưng vẫn còn mang phong thái của anh bộ đội Cụ Hồ. Biết mục đích của chúng tôi đến thăm, ông vui vẻ chia sẻ về cuộc sống gia đình mình.

          Năm 1967, từ miền Trung xa xôi, cả gia đình ông đến cư ngụ tại Thị trấn Cái Răng. Từ đó, ông phải đi làm mướn, cùng gia đình làm thúng, rỗ mới đủ sống. Một thời gian sau, ông dành dụm được tiền mua được một xe nước mía bán tại chợ Cái Răng. Lúc này, kinh tế gia đình ông dần dần được ổn định. Đến năm 1976, ông sang nhượng được 5700m2 đất ruộng, tọa lạc tại số 071, khu vực 2, phường Ba Láng, quận Cái Răng và chuyển gia đình đến sinh sống đến nay.

          Bước đầu, ông sản xuất kết hợp chăn nuôi theo mô hình V.A.C, xung quanh khu đất ông trồng trúc và cây lấy gỗ để chắn gió, ở giữa đào ao nuôi cá, trên bờ trồng cây ăn quả và nuôi heo theo phương châm: “Lấy ngắn nuôi dài”. Đến năm 1992, ông thành lập cơ sở sản xuất bún. Lúc này, việc chăn nuôi của ông càng thuận lợi hơn, bởi ông đã tận dụng được phế phẩm để giảm chi phí trong chăn nuôi. Không dừng lại ở đó, ông bắt đầu áp dụng mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng, biogas (gọi tắt là V.A.C.B) từ kinh nghiệm những người đi trước. Với cách làm này, ông cho rằng vừa không gây ô nhiễm môi trường, vừa lấy ga thay chất đốt phục vụ cho gia đình.

          Khi có được cuộc sống ổn định, gia đình ông luôn quan tâm đến bà con có hoàn cảnh khó khăn. Ông kết hợp với ban ngành, đoàn thể địa phương từ phường đến khu vực, tạo điều kiện giúp đỡ bà con cả về vật chất và tinh thần, giúp bà con nhân dân nghèo vươn lên bằng những việc làm cụ thể như: Người thiếu gạo ông giúp gạo, người khó khăn về nhà ở thì ông giúp xây dựng nhà, các cháu học sinh thiếu tập vở đến trường ông cũng giúp các cháu tập vở, quần áo…Nhờ vậy, mà tất cả trẻ em của phường trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Tính ra mỗi năm ông đóng góp cho hoạt động từ thiện ở địa phương trên 50.000.000 đ.

          Bên cạnh đó, hưởng ứng phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong việc xây dựng lộ giao thông, gia đình ông đóng góp trên 100.000.000 đồng để cùng chính quyền địa phương xây dựng hoàn thiện tuyến lộ bê tông dài gần 300m, rộng 2,5m, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của bà con nơi ông sinh sống.       

          Ngoài ra, ông còn vận động bà con tham gia công tác xã hội như: Đắp đường, bắt cầu, làm vệ sinh môi trường, vận động con em lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự, vận động sinh đẻ có kế hoạch, giáo dục và vận động lớp thế hệ trẻ tham gia bảo vệ trật tự xóm ấp và bài trừ các tệ nạn xã hội; tham gia giao thông an toàn. Góp phần hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

            Hiện nay, Gia đình ông luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, hoàn thành mọi công tác và nghĩa vụ đối với địa phương. Cả bốn thành viên trong gia đình ông đều là Đảng viên gương mẫu được tặng huy hiệu Bác Hồ. Bản thân ông được tặng nhiều giấy khen, bằng khen về thành tích tiêu biêu trong phong trào thi đua yêu nước và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, cá nhân tiêu biểu của Hội người cao tuổi Quận trong thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

          Chia tay ông trong không khí ấm áp và chân tình, đoàn chúng tôi đã hiểu vì sao khi đến khu vực 2, phường Ba Láng, khi nhắc đến tên ông thì hầu như ai cũng biết. Bởi lẽ, từ một gia đình thuộc diện nghèo, do chí thú làm ăn, từng bước phấn đấu ổn định được cuộc sống. Khi đã có dư về kinh tế, gia đình ông đã có nhiều đóng góp cho các phong trào của địa phương, xứng đáng là một trong những Gia đình văn hóa tiểu biểu nhiều năm liền của quận Cái Răng./.

Bài và ảnh: Hà Hồng Ngọc

(Bài đã đăng trên Bản tin Đời sống Văn hóa số 95)

Các bài viết khác:
TỔNG KẾT CUỘC THI “TÌM HIỂU PHÁP LUẬT VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI NĂM 2012”   (29/11/2012)
<<    1  2  >  >>