Chợ nổi Cái Răng, bông hoa tinh khôi trên dòng sông

Chợ nổi Cái Răng là một trong những điểm tham quan thú vị nhất ở Cần Thơ, là một nét văn hóa đặc sắc ở vùng đồng bằng sông nước Cửu Long. Còn gì thú vị hơn vào một buổi sáng thật sớm được bồng bềnh trên một chiếc ghe, ngắm bình minh miền sông nước Tây Nam Bộ, hoà mình vào khung cảnh một buổi chợ nổi trên sông. Nhiều người cho rằng, đến Cần Thơ mà chưa đi chợ nổi Cái Răng thì kể như chưa biết gì về "thủ phủ" của Tây Đô. Chợ nổi Cái Răng giống như một bông hoa tinh khôi trên một nhánh của dòng sông Hậu hiền hòa. Nơi đây, nét chân chất, đơn sơ của chợ nổi như vẫn vẹn nguyên như từ bao đời cho dù hằng ngày hoạt động giao thương diễn ra nhộn nhịp với bạn hàng từ nhiều nơi tụ về đây mua bán.

Chợ nổi Cái Răng, thuộc quận Cái Răng, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6 km đường bộ và mất 30 phút nếu đi bằng thuyền từ Bến Ninh Kiều. Chợ nằm cách cầu Cái Răng khoảng 500m chạy dọc theo con đường Võ Tánh đến kênh Ba Láng và hướng về huyện Phong Điền.

Chợ nổi Cái Răng được hình thành do nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa giữa bà con nông dân trong vùng; trải qua bao năm tháng thăng trầm, chợ vẫn giữ nguyên bản sắc rất mộc mạc và đời thường của bà con. Chợ Cái Răng thường họp khá sớm, từ tờ mờ sáng đến khoảng 9 giờ sáng thì tan dần, nhưng những hoạt động mua bán vẫn diễn ra suốt cả ngày. Thời gian lý tưởng nhất để tham quan chợ nổi là khoảng từ 5 giờ đến 8 giờ, đây là lúc chợ nhộn nhịp và sung túc nhất.

Đến với chợ nổi Cái Răng, du khách có thể thỏa mãn nhu cầu tham quan mua sắm của mình với hàng loạt mặt hàng đặc trưng nhất của miệt vườn Nam bộ từ cam, bưởi, xoài, quýt, ổi, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, măng cụt, khóm, hạnh… đến các loại rau, củ:  rau thơm, cải bắp, hành, lá hẹ, khoai tây, khoai môn, củ cải trắng, bí rợ…vào dịp tết Nguyên Đán, Chợ nổi Cái Răng lại càng lộng lẫy với nhiều loại sắc hoa: mai vàng, bông vạn thọ, bông cúc…

Bên cạnh hàng hóa, trên chợ nổi còn có những dịch vụ hỗ trợ, cung ứng cho nhu cầu dịch chuyển, sinh hoạt, cư trú ngắn hạn của giới thương hồ như đò ngang, trạm xăng nổi, xưởng sửa máy nổi và đặc biệt là các ghe bán đồ ăn, thức uống. Du khách khi đến chợ nổi sẽ có cơ hội thưởng thức một tô bún mắm thơm lừng, sau đó là một ly cà phê đậm đà ngay trên mặt sông, cuối cùng là thả hồn mình bồng bềnh cùng sông nước miền Tây. Đây chắc chắn là một cảm giác thú vị rất khó phai mờ.

Để mua bán, dân thương hồ sử dụng phương thức giao thương chung đó là chào hàng qua cây “bẹo” được cột trước mũi ghe. Ghe nào bán gì thì treo lên cây bẹo mặt hàng đó, ghe nào cần mua cứ đến xem hàng, ngã giá…sau đó thỏa thuận về sử dụng công cụ, kiểu cách đo lường. Cây bẹo là lối rao hàng, kiểu thông tin, chào mời, tiếp thị quảng cáo hàng hóa độc đáo. “Cây bẹo” là dùng một cây tre dài từ 3 – 5m treo cao những thứ hàng hóa để chào mời người mua. Tuy nhiên có những loại hàng bán mà không treo như: hàng tạp hóa, đồ ăn, nước uống. Có khi treo cái này mà lại bán cái kia ví dụ như khi treo tấm lá dừa tức là người chủ muốn bán cả ghe.

Có thể nói, “cây bẹo” chính là nét riêng của chợ nổi và được sử dụng rộng rãi là bởi vì không gian mênh mông sông nước cộng với tiếng máy nổ của động cơ sẽ phần nào át đi tiếng rao của người bán. Cây bẹo sẽ giúp cho giới thương hồ nhìn rõ được mặt hàng mình cần mua từ một khoảng cách nhất định. Cây bẹo đã tô điểm thêm cho toàn cảnh khu chợ nổi những đường nét, màu sắc, dáng vóc sinh động, khỏe khoắn và thật hấp dẫn.

 Khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan đều trầm trồ và ngưỡng mộ hình ảnh lạ mắt này. Thỉnh thoảng lẫn trong những đám thuyền ghe chở đầy hoa quả, hàng hoá, lại thấy thấp thoáng những chiếc tàu du lịch cỡ nhỏ chở khách tham quan, trong đó có rất nhiều khách nước ngoài. Sự độc đáo của chợ nổi đã để lại nhiều ấn tượng cho du khách nước ngoài, họ quay phim chụp ảnh liên tục, đôi khi thích thú reo lên "ô", "a" một cách tự nhiên, thú vị.

Chợ nổi Cái Răng là một trong những điểm tham quan thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Khách ta, khách tây đủ loại tất cả như bị cuốn vào nhịp buôn bán sôi động đang diễn ra trên sông. Cảnh tượng này có lẽ sẽ chẳng bao giờ có được ở bất kỳ quốc gia nào khác. Sau một lần đi chợ thật thú vị, bạn sẽ hiểu thêm được biết bao điều về con người, cách sống và những nét sinh hoạt của người dân Nam Bộ. Đồng thời chợ nổi Cái Răng là một niềm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật đối với thi ca, rất nhiều thi sĩ trước cảnh đẹp của Chợ nổi của Cần Thơ mà làm nên những dòng thơ lai láng:

Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng

Ta vẫn chìm giữa buổi hoàng hôn

Em trẹo bẹo Cái Răng Ba Láng

Ta thương hồ Vàm Xáng Cần Thơ

Đành giã từ nhau Chợ nổi Cái Răng

Cô Sáu cười nụ đồng tiền lung liếng

Anh bảy dung dằng cưa li rượu đế

Giá mà ta trẹo bẹo được lòng nhau.

             Chợ nổi đáng yêu biết bao!

Các bài viết khác:
Tàu cao tốc Mai Linh Express tuyến Cần Thơ - Côn Đảo   (18/06/2020)
Cồn Sơn ngày mới   (18/06/2020)
“BỎ PHỐ VỀ VƯỜN” VỚI BẢO GIA NÔNG TRANG   (18/06/2020)
Hội nghị phát động chương trình kích cầu du lịch Đồng bằng sông Cửu Long sau dịch Covid-19   (31/05/2020)
Tổ chức chương trình tọa đàm khoa học và thu thập số liệu phục vụ nghiên cứu “Phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp tại ĐBSCL trong bối cảnh mới”   (31/05/2020)
<<    ...  2  3  4  5  6  ...    >>