QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG THEO LUẬT ĐỊNH
Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 đã thông qua và ban hành Luật số 15/2017/QH14 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Luật có 5 chương 134 Điều và có hiệu lực thi hành từ 01 tháng 01 năm 2018.
Luật đã bổ sung nhiều nội dung trong quản lý, sử dụng tài sản công, như tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản. Là công cụ, là thước đo để đánh giá việc trang bị, sử dụng tài sản công tiết kiệm hay lãng phí. Tài sản phải có chủng loại, số lượng, mức giá, đối tượng được sử dụng… do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và áp dụng thống nhất.
Trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công không chỉ của cơ quan quản lý nhà nước mà ngay cả cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công cũng phải tự kiểm tra việc thực hiện tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có hành vi vi phạm tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công phải kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật (Điều 23). Luật đã quy định nâng cao vai trò quyền tự chủ về tài sản cho đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư trong việc quyết định định mức sử dụng tài sản, trừ những tài sản phục vụ quản lý hành chính. Cho phép sử dụng nguồn quỹ khấu hao tài sản và nguồn kinh phí hợp pháp khác để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản hoặc đi thuê tài sản. Đặc biệt, đơn vị sự nghiệp công lập được phép huy động vốn, nhận góp vốn, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản theo quy định của pháp luật (Điều 55, 58). Khi chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành doanh nghiệp, phải tổ chức kiểm kê, phân loại tài sản đang quản lý, sử dụng; xử lý đối với tài sản thừa thiếu, tài sản không có nhu cầu sử dụng, tài sản ứ đọng chờ thanh lý theo chế độ quy định; xác định giá trị tài sản để tính thành vốn giao cho doanh nghiệp theo nguyên tắc phù hợp với giá thị trường tại thời điểm chuyển đổi (Điều 63). Luật cũng đã quy định rõ chế độ quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai. Nguồn lực tài chính từ đất đai phải được khai thác hợp lý, căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, theo cơ chế thị trường. Việc khai thác nguồn lực tài chính từ đất như (Mục 1 Chương VII): thu tiền sử dụng đất; thu thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai; sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao; khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng. Ngoài ra, Luật còn quy định, bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung mới, phù hợp hơn so với Luật năm 2008. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, thay thế Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước số 09/2008/QH12, khi Luật năm 2017 có hiệu lực và tài sản nhà nước được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành là tài sản công./.
Ngọc Diện
|
Các bài viết khác: | |
▪ | QUY ĐỊNH MỚI VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC VĂN HÓA, THỂ THAO, DU LỊCH VÀ QUẢNG CÁO (15/01/2014) |
▪ | Quy định trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí thể thao trong tập luyện và thi đấu thể thao (29/11/2013) |
▪ | THÔNG BÁO GIA HẠN CUỘC THI MỸ THUẬT VÀ NHIẾP ẢNH (16/10/2013) |
▪ | Thông báo điều chỉnh 03 cuộc thi Hội thi sáng tác VHNT (16/10/2013) |
▪ | NGƯỜI CÓ NGHĨA VỤ KÊ KHAI TÀI SẢN, THU NHẬP (12/09/2013) |