Văn minh đám cưới
Từ xa xưa ông bà ta đã có câu "cưới vợ ăn Tết". Mùa cưới hàng năm kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Đám cưới ngày xưa rườm rà nghi lễ, việc loại dần những hủ tục rườm ra, lạc hậu là điều cần thiết cho việc xây dựng nếp sống văn minh, nhưng giũ bỏ hết những giá trị truyền thống là điều đáng suy ngẫm.
"Cưới em tám vạn quan tiền Để làm tế lễ gia tiên ông bà Cưới em một chĩnh vàng hoa Mười chum vàng cốm bạc là trăm nong" (Ca dao) Mời đám cưới Xưa, ở nông thôn, chủ hôn đi mời đám cưới phải có khay trầu rượu. Họ trịnh trọng đến mời bà con, lối xóm, bạn bè thân hữu... "Miếng trầu là đầu câu chuyện", sau đó mới mở lời mời tới dự lễ cưới vợ cho con trai hay gả chồng cho con gái và gửi thiệp hồng. Ngày nay, việc này đã được "tối giản" đến mức "khó chịu". Người ta gửi một người đưa giùm cho nhiều người, kiểu gửi thơ tay. Ở các cơ quan, chủ hôn đến mượn danh sách bảng lương, sau đó về lấy tên điền tất vào thiệp, nhờ văn phòng gửi giùm như "phát hành công văn"! Hậu quả: nhiều người nhận thiệp nhưng không biết người mời mình là ai, đi cũng dở mà không đi thì thấy lòng ái nái. Lại thêm: thiệp mời cưới bây giờ được in bằng công nghệ hiện đại, đủ màu: xanh đậm, trắng, vàng... không ngại ý nghĩa màu sắc: đỏ, hồng-hạnh phúc, đầm ấm; trắng, đen-lạnh lùng, tang tóc... Lễ cưới Ngày xưa, đám cưới có đến 6 lễ: chạm ngõ, vấn danh, nạp thái, đăng khoa (đám nói), tân hôn hoặc vu quy, khoản bái. Những năm gần đây, đám cưới dần được "đơn giản hóa" cho phù hợp với nhịp sống hiện đại. Người ta chỉ còn tiến hành 2 lễ chủ yếu: nói và cưới. Có nơi, do nhiều nguyên nhân, đám nói và đám cưới còn làm một lần "cho tiện". Từ thời Hùng Vương, người Việt đã dùng trầu cau làm sính lễ trong đám cưới để tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng gắn bó như truyền thuyết về sự tích trầu cau. Ngày nay trong lễ cưới nhiều nơi đã bỏ mất lễ vật mâm trầu, mâm cau. Trầu, cau bây giờ khó tìm nhưng thiết nghĩ trong lễ cưới cũng cần có chừng chục miếng trầu cau têm sẵn để cô dâu, chú rể, hai h? nhấm nháp nghĩ về truyền thống. Ngày xưa, khi làm lễ gia tiên chú rể phải lạy bàn thờ theo đúng "tam bộ nhất bái" (ba lần) khá rườm rà. Tục lạy người sống thì nên bỏ, nhưng cô dâu, chú rễ cần thiết phải làm lễ gia tiên: lên đèn, đốt nén nhang thơm tưởng nhớ ông bà, tổ tiên đã có công lao sinh thành, dưỡng dục để con cháu trưởng thành, nên vợ nên chồng. Sau đó, đôi vợ chồng trẻ cần phải mời ông bà, cha mẹ, anh chị mỗi người một chung rượu chia vui. Ngày xưa người ta mừng cưới bằng lễ vật, ngày nay được thay bằng tiền. Nhưng ở nhiều vùng ngoại thành người ta lại dùng hình thức "cầm sổ, xướng tên, ghi tiền", làm cho người đi tiền ít hết sức khó xử. Ở các đô thị, đám cưới ngày nay còn được "cách tân" theo kiểu nửa ta, nửa Tây. Lễ gia tiên đã được tiến hành ở nhà, nhưng ra nhà hàng, người ta lại làm thêm một lễ nữa, không hiểu là lễ gì? Trước khi "vào lễ" người nhà hàng cho tắt hết đèn, một điều tối kỵ đối với thực khách, nhất là ở phương Tây. Khi ăn uống người ta cần đủ ánh sáng để tránh va chạm dao, nĩa, muỗng, đũa... Đã có nhiều vụ thực khách va vào chân, cạnh bàn ăn... do nhà hàng bỗng dưng tắt đèn tối om! Người dẫn chương trình (MC) của nhà hàng sau một hồi "giảng giải" dông dài về lễ cưới cũng lại tuyên bố tân hôn rồi mời cô dâu, chú rể rót rượu sâm banh, cắt bánh kem. Lại thêm mời cô dâu, chú rể uống rượu giao bôi. Nghi thức uống rượu giao bôi đúng nghĩa chỉ diễn ra khi cô dâu, chú rể "động phòng hoa chúc", giữa thanh thiên bạch nhật ai lại giao bôi? Cô dâu, chú rể thì vận quốc phục khăn đóng, áo dài, còn cha mẹ, nghi lễ thì lại rất "Tây". Có nhà hàng còn cho cô dâu, chú rể ngồi trên xe có dù, lọng che, chạy từ từ ra sân khấu mô phỏng như một cuộc rước dâu. Nhạc cho đám cưới hiện nay cũng rất tùy tiện. Có vị khách, hơi men đã ngà ngà còn cao hứng nhảy lên sân khấu hát mấy bài não nuột, chia ly kiểu như: Áo em chưa mặc một lần, Sầu tím thiệp hồng v.v. Đôi điều về đám cưới, thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta cần có hướng dẫn nghi thức cưới cho cộng đồng. Trong đó, đám cưới người Việt, người Hoa, người Khmer cần thiết phải có những nghi lễ gì. Đám cưới vừa hiện đại, vừa tôn trọng những giá trị văn hóa truyền thống cũng là một nếp sống văn minh.
Ngọc Anh (BT)
|
Các bài viết khác: | |
▪ | Một gia đình giữ gìn nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer: Kịch múa Rô-Băm (30/10/2020) |
▪ | Họp mặt kỷ niệm Ngày thành lập các Đội biệt động thành phố Cần Thơ tại Di tích Căn cứ Vườn Mận (06/03/2019) |
▪ | Chương trình “Tìm về di sản” trong Lễ giỗ lần thứ 147 của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (28/02/2019) |
▪ | Lễ công bố Quyết định và đón nhận bằng xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố Đình Thới Bình (08/10/2018) |
▪ | CÚNG TỔ SÂN KHẤU (20/09/2018) |