Với chức năng là công cụ
chính trị, báo chí nói chung và các phương tiện thông tin đại chúng nói riêng có
trách nhiệm hàng đầu là thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuân thủ tôn chỉ, mục
đích đã đề ra. Tuy nhiên, thời gian qua xuất hiện tình trạng nhiều tạp chí có
xu hướng tác nghiệp, xuất bản tin tức theo hướng gây hiểu nhầm là báo. Một số
trang thông tin điện tử tổng hợp có hình thức trình bày, dẫn nguồn, thậm chí cử
nhân viên đi tác nghiệp, tự sản xuất tin, bài gây hiểu lầm là báo điện tử. Một
số trang mạng xã hội có hình thức trình bày, đưa nội dung thông tin với danh
nghĩa người dùng mạng xã hội nhưng thực chất được sản xuất, sao chép như tác
phẩm báo chí gây hiểu lầm là báo điện tử. Một số cơ quan báo chí trong quá
trình liên kết đã giao chuyên trang, chuyên mục, chương trình, kênh chương
trình cho văn phòng đại diện, nhóm phóng viên hoặc đối tác hợp tác chịu trách
nhiệm toàn bộ hoạt động, thực hiện liên doanh, liên kết theo hướng người đứng
đầu, lãnh đạo cơ quan báo chí không thực hiện đúng quyền hạn, trách nhiệm,
buông lỏng quản lý, uỷ quyền, chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền quản lý,
điều hành, kiểm soát nội dung liên kết trên thực tế cho đối tác để đổi lấy lợi
ích. Trước tình hình đó, ngày 22/7/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã
ban hành Tiêu chí nhận diện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện
tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí.

Quyết
định số 1418/QĐ-BTTTT ngày 22/7/2022 của Bộ TTTT
Cụ thể, Tiêu chí nhận diện “báo hóa” tạp chí là
việc thể hiện hình thức, nội dung, hoạt động tác nghiệp dễ gây hiểu nhầm là
báo, chủ yếu diễn ra trên môi trường điện tử; Tiêu chí nhận diện “báo hóa”
trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội, về hình thức, nội
dung, kỹ thuật, hoạt động thể hiện gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí hoặc một số
tên miền sử dụng từ ngữ gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí. Đối với biểu hiện “tư
nhân hóa” trong hoạt động liên kết báo chí là cách mà cơ quan báo chí giao
chuyên trang, chuyên mục, chương trình, kênh chương trình cho văn phòng đại
diện, nhóm phóng viên hoặc đối tác hợp tác chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động,
thực hiện liên doanh liên kết theo hướng người đứng đầu cơ quan báo chí buông
lỏng quản lý, ủy quyền, chuyển giao quyền quản lý, điều hành, quyết định một
phần hoặc toàn bộ nội dung chuyên trang, chuyên mục, chương trình, kênh chương
trình liên kết trên thực tế cho đối tác để đổi lấy lợi ích.
Quyết định này có
hiệu lực kể từ ngày 22/7/2022 sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở
Trung ương và địa phương, cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí và các tố chức,
cá nhân nhận diện, giám sát, khắc phục, chấn chỉnh, xử lý những dấu hiệu chệch
hướng nhằm tạo ra môi trường lành mạnh, tạo ra cơ chế, chính sách hỗ trợ báo
chí, truyền thông theo kịp sự phát triển của truyền thông hiện đại.