Nhiệt độ gia tăng: Nhiệt độ gia tăng trung bình 0,50C, từ năm 1978 đến 2010 và điều đáng lưu ý trong những năm gần đây, nhiệt độ cao nhất tại thành phố không tăng nhưng nhiệt độ trung bình lại tăng làm cho biên độ nhiệt ngày càng rút ngắn lại.
Chế độ thủy văn biến đổi bất thường và khốc liệt hơn: khô hạn và nước ngập tăng (trong vòng 33 năm mực nước cao nhất của sông Hậu tăng thêm 50cm).
Ngập lụt: Thành phố Cần Thơ chia làm hai vùng ngập: (1) Vùng ngập lụt thuộc khu vực phía Bắc Cần Thơ (từ Vĩnh Thạnh xuống Thốt Nốt đến phía Bắc Ô Môn) đây là vùng ngập lụt từ thượng nguồn đỗ về; (2) Vùng ngập triều thuộc khu vực phía Nam Cần Thơ (từ quận Ô Môn xuống Bình Thủy, Ninh Kiều, đến Cái Răng) đây là vùng ngập do triều cường.
(Nguồn: Văn Phòng Công tác biến
đổi khí hậu Cần Thơ, 2012)
Nước mặn xâm nhập sâu hơn vào đất liền:
Từ năm 2013 đến cuối năm 2015, độ mặn trung bình năm và độ mặn cao nhất của hầu hết các trạm quan trắc độ mặn xung quanh thành phố Cần Thơ đều thấp ngưỡng cảnh báo 1, tức là thấp hơn Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Chất lượng nước ăn uống QCVN 01:2009/BYT (nồng độ clorua cho phép là 250 mg/l, tương đương độ mặn trong môi trường nước cất là 0,46 g/l (hay 0,46 ‰)).
Tuy nhiên, đầu năm 2016, độ mặn trung bình năm của hai trạm quan trắc mặn tại Cảng Cái Cui (TP. Cần Thơ) và Tân Hiệp (tỉnh Kiên Giang) tăng. Trạm 1 tại Cảng Cái Cui là trạm đầu tiên phát hiện xâm nhập mặn từ hướng sông Hậu (Biển Đông) và Trạm 6 tại Tân Hiệp là trạm đầu tiên phát hiện xâm nhập mặn từ hướng Kênh Cái Sắn – Rạch Sỏi (Biển Tây).
Cuối tháng 04/2016, độ mặn trung bình tại Tân Hiệp tăng cao và vượt ngưỡng cảnh báo 1 (0,46 ‰), sau đó giảm dần, hiện nay không còn nằm trong ngưỡng cảnh báo. Độ mặn cao nhất đạt được là vào ngày 11/4/2016 với giá trị 0,739 ‰. Độ mặn tại trạm Vĩnh Thành cũng tăng nhưng chưa vượt ngưỡng cảnh báo 1. Nguyên nhân độ mặn tăng ở kênh Cái Sắn là do tỉnh Kiên Giang tiến hành đóng cống tại các kênh rạch nội đồng, nên đã đẩy nước mặn vào sâu đến huyện Tân Hiệp.
Tại Cảng Cái Cui, xâm nhập mặn từ hướng Biển Đông chỉ xuất hiện từ ngày 4/3/2016 đến ngày 14/3/2016. Trong thời gian bị nhiễm mặn, độ mặn lên xuống trong ngày, không cố định ở mức nào. Số liệu thống kê cho thấy độ mặn cao nhất tại Trạm 1 đặt ở Cảng Cái Cui là 2,05 ‰, xuất hiện vào lúc 18 giờ 00 ngày 05/03/2016. Độ mặn này đã vượt mức cho phép dành cho nước ăn uống và ảnh hưởng đến sinh trưởng của một số hoa màu. Nguyên nhân độ mặn tăng tại Cảng Cái Cui là đang được tìm hiểu. Tuy nhiên, theo nhận định sơ bộ, nguyên nhân là do biến đổi khí hậu - nước biển dâng, kết hợp với lượng nước đổ về từ thượng nguồn thấp do có nhiều đập thủy điện đang hoạt động (Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường Cần thơ, 2016).
Biểu hiện khác của biến đổi khí hậu xảy ra tại thành phố Cần Thơ là gió lốc, sấm sét gia tăng cường độ và tần suất mạnh, sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng, thiệt hại khó lường.
Với những biểu hiện của biến đổi khí hậu tại thành phố Cần Thơ chúng ta cũng hình dung được hậu quả của nó mang lại như thế nào nếu chúng ta không có chương trình, kế hoạch, biện pháp ứng phó nó thích hợp và kịp thời. Thành phố Cần Thơ đã có một số biện pháp để ứng phó bao gồm biện pháp phi công trình và biện pháp công trình. Bên cạnh đó, không thể thiếu là chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu, đây là công cụ đắc lực và hiệu quả nhất trong công tác ứng phó.
Trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, mặc dù là vấn đề mới trong vòng một thập kỷ gần đây, song chúng ta đã nhận thức được trách nhiệm và đang thực hiện nhiều giải pháp, nhận thấy rằng: “để công tác ứng phó với biến đổi khí hậu có hiệu quả tốt nhất, giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất và thích ứng cao nhất trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu xảy ra như hiện nay” cần thực hiện một số giải pháp sau:
Giải pháp thứ nhất, “Thể chế, chính sách”
- Biến đổi khí hậu là lĩnh vực mới nhưng diễn ra ngày càng mạnh mẽ và có liên quan đến rất nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Do đó, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này đòi hỏi phải có công cụ quản lý hiệu quả nhất đó là chính sách, pháp luật. Vì vậy, cần xây dựng, ban hành Luật Biến đổi khí hậu, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật. Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phát thải khí nhà kính và giảm cường độ phát thải khí nhà kính hướng đến hình thành hệ thống chính sách, pháp luật về kiểm soát phát thải khí nhà kính gắn với kiểm soát ô nhiễm môi trường và quản lý chất thải.
- Từ trung ương đến địa phương cần phải theo dõi thường xuyên diễn biến của khí hậu và thời tiết xảy ra như thế nào trong quá khứ, hiện tại và dự đoán tương lai để từ đó điều chỉnh, bổ sung văn bản pháp luật cho phù hợp thực tế, và xu hướng biến đổi, ban hành chính sách, chiến lược và kế hoạch hành động kịp thời ứng phó.
- Có cơ chế đặc thù cho các vùng, địa phương bị ảnh hưởng lớn do biến đổi khí hậu.
Giải pháp thứ hai, “Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước”
- Rà soát, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu. Khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, phân công, phân cấp không phù hợp và thiếu sự phối hợp liên ngành, liên vùng làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát huy vai trò, trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan chức năng.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức thực hiện công tác biến đổi khí hậu chuyên trách có đủ về số lượng và chất lượng.
Giải pháp thứ ba, “Tài chính”
Nhà nước ưu tiên và đảm bảo kinh phí cho thực hiện công tác biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính… đặc biệt là phân bổ kinh phí cho các hạng mục đầu tư thí điểm các mô hình và công nghệ giảm phát thải.
Giải pháp thứ tư, “Tổ chức thực hiện”
Đặc thù của biến đổi khí hậu là liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, thực tế cho thấy công tác quản lý còn rời rạc, việc phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương chưa thật sự hiệu quả, còn lúng túng. Do đó, cần có cơ chế phối hợp tốt, cụ thể và rõ ràng từ trung ương đến địa phương, có cơ quan làm đầu mối để công tác quản lý được tập trung và hiệu quả.
Chính sách, thể chế và đầu tư về ứng phó biến đổi khí hậu đã được quan tâm xây dựng và từng bước tăng cường. Nhờ đó công tác ứng phó với biến đổi khí hậu được chủ động hơn góp phần phát triển kinh tế, an sinh xã hội theo hướng bền vững. Tuy nhiên, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn còn nhiều mặt tồn tại, hạn chế và vẫn còn là một thách thức lớn. Đó là, nhận thức về biến đổi khí hậu chưa đầy đủ, hệ thống chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy, nhân lực về ứng phó với biến đổi khí hậu hình thành còn chậm, nguồn lực còn hạn chế.
Để thực hiện tốt công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển nền kinh tế xanh, phát thải khí cac-bon ở mức thấp nhất đòi hỏi các cấp, ngành cần có quyết tâm cao và có giải pháp thực hiện một cách đồng bộ, đủ mạnh trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.
|