Linh hoạt các giải pháp
Những năm qua, BÐKH đang ngày càng phức tạp và có xu hướng tác động tiêu cực hơn đến các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội TP Cần Thơ. Thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chủ động ứng phó với BÐKH, bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Từ đó, góp phần tạo nên sự đoàn kết trong các hành động và chủ động trong công tác ứng phó. Các ngành, lĩnh vực đã bước đầu lồng ghép và xây dựng các giải pháp về phát triển ngành theo hướng bền vững, kết hợp với bảo vệ môi trường và ứng phó BÐKH phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố trong từng giai đoạn phát triển.
Với vai trò là cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND thành phố thực hiện nhiệm vụ nhà nước lĩnh vực ứng phó BÐKH, bà Cao Thị Minh Thảo, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ cho biết: Ngành Tài nguyên và Môi trường thành phố đã tích cực chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, triển khai và thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, tham mưu cho Ban Chỉ đạo ứng phó với BÐKH thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó BÐKH TP Cần Thơ giai đoạn 2010-2015 và Kế hoạch hành động ứng phó BÐKH giai đoạn 2015-2030; triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng với BÐKH phù hợp với tình hình địa phương. Mở rộng, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực BÐKH đã tranh thủ được sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính để triển khai nhiều hoạt động, góp phần nâng cao năng lực ứng phó với BÐKH.
Ngành Nông nghiệp thành phố đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững trong điều kiện BÐKH gắn với bảo vệ môi trường. Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, ngành Nông nghiệp thành phố tăng cường ứng dụng các công nghệ sinh học, biện pháp canh tác tiên tiến tiết kiệm nước, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; áp dụng quy trình thực hành tốt trong chăn nuôi, thủy sản… Hằng năm, phát động phong trào trồng cây xanh phân tán, gần đây trồng thêm cây bần dọc theo các tuyến kênh, rạch vừa chống sạt lở vừa tạo cảnh quan môi trường. Bảo vệ nguồn tài nguyên nước mặt, trong năm 2021, Sở khởi công xây dựng 5 nhà máy nước ở 4 quận, huyện. Dự kiến khi hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2023, các nhà máy nước này sẽ chuyển đổi được khoảng 70% trạm cấp nước khu vực nông thôn sử dụng nước ngầm sang nước mặt…
Thành phố nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, thích ứng BÐKH trong xây dựng đô thị, phát triển, sử dụng năng lượng, giao thông, vật liệu xây dựng, thoát nước... Hiện nay, 100% công trình sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn được kiểm soát sử dụng vật liệu không nung. Trong hoạt động vận tải, đến nay, thành phố đã đưa vào khai thác 7 tuyến xe buýt nội tỉnh không trợ giá với tổng chiều dài mạng lưới tuyến khoảng 254,5km, xe buýt đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4. Ðồng thời, triển khai hoạt động 21 xe điện phục vụ du lịch góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông. Thành phố đã triển khai thực hiện các công trình như hồ Búng Xáng, hồ Xáng Thổi hay các dự án xây dựng bờ kè dọc 2 bên sông Cần Thơ, các công trình thủy lợi… đóng vai trò quan trọng trong giúp giảm ngập lụt, phòng, chống hạn, mặn phục vụ phát triển nông nghiệp và chống sạt lở. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả chống chịu của thành phố trong bối cảnh BÐKH ngày càng phức tạp…
Chủ động thích ứng
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, TP Cần Thơ đã từng bước hình thành ý thức chủ động thích ứng BÐKH, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trước tác động phức tạp của BÐKH và thiên tai. Song, theo đánh giá của các ngành, các cấp, BÐKH diễn biến phức tạp và khó dự báo, nhất là tình trạng xâm nhập mặn, ngập lụt và sạt lở. Do đó, để chủ động hơn nữa trong việc ứng phó và thích ứng với BÐKH, thời gian tới, các ngành, các cấp của thành phố tiếp tục tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động, dự án ứng phó với BÐKH.
Theo ông Nguyễn Trung Nhân, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Cần Thơ, hệ thống MTTQ các cấp trên địa bàn thành phố sẽ nỗ lực phát huy vai trò, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với BÐKH; đặc biệt, đưa phong trào này đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả cụ thể, thiết thực. Trong đó, quan tâm xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình của cộng đồng dân cư; xây dựng phong trào về bảo vệ môi trường, ứng phó BÐKH trong các tôn giáo. Vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ, tích cực, tự giác tham gia xây dựng và thực hiện các quy ước cộng đồng về bảo vệ môi trường, ứng phó BÐKH…
Trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Tấn Nhơn nhấn mạnh: Ngành Nông nghiệp thành phố tập trung phối hợp với các ban ngành, đoàn thể để tiếp tục vận động bà con sản xuất bền vững. Tiếp tục thực hiện phong trào trồng cây xanh phân tán, tái tạo nguồn lợi thủy sản; tranh thủ các nguồn vốn, dự án để chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững…
Bà Cao Thị Minh Thảo cho biết: Thời gian tới, nhiều chương trình, dự án phát triển, nâng cấp đô thị trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện nhằm nâng cao khả năng thích ứng BÐKH. Sở triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch hành động ứng phó với BÐKH giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn năm 2050 trên địa bàn thành phố. Song song đó, tăng cường công tác phối hợp trong thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn ứng phó với BÐKH. Mặt khác, tăng cường nghiên cứu khoa học công nghệ trong vào các lĩnh vực, góp phần giảm nhẹ tác động của BÐKH đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ tất cả các bên; chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ứng phó với BÐKH…
Nguồn: Báo điện tử Cần Thơ
|