Ba cấp dồn sức dự báo lũ sớm ở ĐBSCL
Năm nay, lũ ở đồng bằng sông Cửu Long lên sớm và lên cao hơn mọi năm. Việc dự báo phải đảm bảo tính xác đáng, liên tục để cơ quan chức năng, chính quyền và người dân cập nhật, chủ động phòng chống thiên tai. Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ TN&MT) cho biết:
Đài KTTV khu vực Nam Bộ họp trực tuyến với Tổng cục KTTV về tình hình lũ ở ĐBSCL (ảnh: Việt Hùng)

 - Tại đầu nguồn sông Cửu Long, hiện tại mực nước khu vực trung và hạ lưu sông Mê Công biến đổi chậm và đang ở mức cao, đầu nguồn sông Cửu Long những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9 ít biến đổi và ở mức xấp xỉ ở mức Báo động II. Tính đến 7h00 ngày 05/9/2018, mực nước lớn nhất đo được tại Tân Châu (An Giang): 3.97m; Châu Đốc (An Giang) 3.49m xấp xỉ trên Báo động II.

* Vậy trong thời gian tới, tình hình lũ tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ diễn biến thế nào, thưa ông?

Ông Lê Thanh Hải: - Dự báo khu vực đầu nguồn sông Cửu Long mực nước lên nhanh trong những ngày tới, khu vực Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên mực nước ít biến đổi trong 1,2 ngày tới, sau đó lên chậm. Hạ lưu các sông Nam Bộ mực nước ít biến đổi trong 48 giờ tới, sau đó lên nhanh theo triều. Nhận định đến giữa tháng 9 mực nước đầu nguồn sông Cửu Long ở mức xấp xỉ Báo động III, các trạm trên dòng chính sông Cửu Long: Cần Thơ, Mỹ Thuận xấp xỉ trên Báo động III.

Về tình hình nước lũ sắp tới: Dự báo mưa trên lưu vực sông Mê Công giảm (cuối mùa mưa). Đợt triều đầu tháng 8 âm lịch sẽ lên cao kết hợp nước thượng nguồn về mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ đạt mức cao: Tân Châu: 4.40 - 4.50m, Châu Đốc 3.80-3.90m (khoảng giữa tháng 9 và duy trì cho đên hết tháng).

Khu vực nội đồng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên nước tiếp tục lên đến nữa cuối tháng 9 ở mức Báo động II đến Báo động III.


Ông Lê Thanh Hải 

Ngày 28/8, chúng tôi đã có công văn số 354 gửi Văn phòng Ban Chỉ đạo về tình hình lũ lớn, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng thấp trũng và mất an toàn đê bao tại các tỉnh thuộc vùng Đồng Bằng sông Cửu Long đặc biệt là Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An để Văn phòng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai sớm chỉ đạo rà soát các phương án chủ động ứng phó với lũ lớn có khả năng xảy ra trên sông Cửu Long.Đặc biệt ngay từ bản tin ban hành ngày 13/4 đã cảnh báo nguy cơ xuất hiện lũ lớn ở Đồng Bằng sông Cửu Long. Ngày 12/7, Trung tâm đã phát tin cảnh báo nước lên đầu tiên ở đầu nguồn sông Cửu Long với lũ sớm, lũ lớn các bản tin cảnh báo lũ tiếp theo được phát vào các ngày 20, 25 và 30/7, từ ngày 8/8 đến nay Trung tâm thường xuyên phát tin lũ trên sông Cửu Long (1 ngày 3 bản tin).

Hệ thống của chúng tôi gồm có 3 cấp: quốc gia, khu vực và cấp tỉnh. Đài KTTV khu vực Nam Bộ liên tục đưa ra bản tin phục vụ. Đài KTTV các tỉnh trong khu vực Tây Nam Bộ đã đưa ra các bản tin cụ thể để các địa phương và bà con nhân dân sinh sống trong khu vực được cập nhật thông tin về mức nước lên…

 

Việc dự báo lũ cập nhật đến các địa phương. Vì thế, bà con căn cứ vào bản tin của quốc gia, bản bản tin của khu vực và cụ thể hơn là bản tin của các tỉnh, căn cứ vào tình hình ngập úng của địa phương vào từng thời điểm cụ thể để quyết định thu hoạch lúa sớm hay muộn tùy thời điểm để giảm thiệt hại.

* Với chức năng được phân công Tổng cục KTTV đã đưa ra các dự báo cảnh báo về lũ Đồng bằng sông Cửu Long như thế nào?

Ông Lê Thanh Hải: - Dự báo có 3 Cấp: quốc gia, cấp khu vực, và cấp tỉnh. Cấp quốc gia dự báo toàn bộ dòng sông Mê Công đến Tân Châu, Châu Đốc. Đài Khu vực dự báo cụ thể hơn đến từng điểm đo trên dòng chính sông Mê Công. Các Đài tỉnh thuộc vùng Tây Nam Bộ cụ thể đến từng huyện, nội đồng để theo dõi chặt chẽ lượng nước. Tiến trình này được theo dõi chặt chẽ ngay từ sự cố vỡ đập tại Lào. Không chỉ theo dõi, chúng tôi còn làm cả bản tin dự báo hỗ trợ cho các bạn Lào trong vòng 10 ngày và sau đó còn làm cả bản tin dự báo tình hình mưa lũ đầu nguồn sông Cửu Long địa phận Lào để phục vụ cho các lực lượng quân đội tình nguyện hỗ trợ các bạn Lào, công việc dự báo này mới kết thúc cách đây 2 tuần (ngày 22/8).

* Hệ thống dự báo cảnh báo quốc gia vận hành như thế nào trong đợt lũ Đồng Bằng sông Cửu Long?

Ông Lê Thanh Hải: - Như chúng ta đã biết, hệ thống Dự báo có 3 Cấp quốc gia, cấp khu vực và cấp tỉnh luôn luôn có bản tin dự báo khác nhau. Có bản tin mùa, cứ mỗi tháng 1 bản tin sau đó bản tin đó được cập nhật thường xuyên, trong quá trình được theo dõi chặt chẽ. Bản tin sau đó được cập nhật và chi tiết hóa đến từng huyện thị đối với từng tỉnh. Các bản tin này được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, cung cấp cho Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai để chỉ đạo các tỉnh trong công tác chủ động phòng tránh; Đài KTTV khu vực cũng ban hành các bản tin phục vụ cho từng tỉnh và Đài KTTV tỉnh cũng làm bản tin chi tiết đến các quận huyện trên địa bàn tỉnh để phục vụ cho các Ban chỉ huy cấp tỉnh chủ động trong công tác phòng tránh.


Nguồn: CTTĐT Bộ TNMT


Các tin khác:
Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi Thông điệp quan trọng tới Phiên họp cấp cao của LHQ về biến đổi khí hậu  (28/09/2022)
Triển khai các giải pháp cấp bách, có trọng tâm, trọng điểm, để làm giảm mức độ dễ bị tổn thương, tăng cường sức chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu  (23/08/2022)
Ngành Khí tượng thủy văn: Vươn tầm chuyên nghiệp, hiện đại  (19/08/2022)