Thủy Sản
Phòng và trị một số bệnh cá nuôi trong giai đoạn giao mùa

Hằng năm, vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là vào mùa mưa, môi trường nước thay đổi đột ngột (pH, nhiệt độ giảm, độ trong thấp,…) dễ làm cá bị “sốc”, nhiễm bệnh, bỏ ăn, thậm chí chết. Điều này gây nhiều tổn thất cho người nuôi.

Khác với động vật nuôi trên cạn, động vật thủy sản nói chung và cá nói riêng khi bị bệnh việc chữa trị gặp rất nhiều khó khăn do chúng sống dưới nước, là động vật bậc thấp nên khả năng sinh kháng thể kém. Vì vậy, khi cá đã bị bệnh thì việc chữa trị thường gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với các loại bệnh mà tác nhân là vi rút hoặc vi khuẩn.

Nếu dùng thuốc trị bệnh bằng đường ăn uống sẽ ít tác dụng vì khi cá bị bệnh chúng thường bỏ ăn hoặc giảm ăn; nếu dùng thuốc cho xuống ao, hồ, lồng nuôi thì phải cần một lượng thuốc rất lớn, gây tốn kém; dùng phương pháp tắm cho cá hiệu quả mang lại không cao. Bởi vậy, phòng bệnh cho cá là việc làm cần thiết  đặc biệt là trong giai đoạn giao mùa.

Để góp phần hạn chế thiệt hại có thể xảy ra do cá bệnh người nuôi cần thực hiện theo một số yêu cầu kỹ thuật sau:

- Hằng ngày quan sát hoạt động của cá nuôi. Khi thấy hiện tượng cá nổi đầu cần xác định nguyên nhân, nếu là do thiếu ôxy, nên tăng cường phun nước, giảm lượng thức ăn cho cá ăn hằng ngày, thay một phần nước ao hoặc cấp thêm nước mới vào ao, tiến hành san thưa để giảm bớt mật độ.

- Khi lấy nước vào ao phải tiến hành lắng lọc và xử lý nước thật cẩn thận để hạn chế mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào ao nuôi. Đồng thời khử trùng ao nuôi bằng cách dùng vôi nông nghiệp hòa với nước tạt đều khắp ao.

- Thường xuyên theo dõi mức nước, màu nước trong ao để kịp thời điều chỉnh. Ngoài ra, trước những cơn mưa đầu mùa cần bón vôi xung quanh bờ ao nhằm ngăn nước mưa mang phèn và các chất bẩn từ trên bờ rơi xuống ao.

- Không thả giống với mật độ quá dày, đối với giống mới thả hoặc bổ sung nên yêu cầu được cung cấp giống đã được chứng nhận kiểm dịch và phải đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng hoặc mua giống ở những cơ sở có đăng ký hành nghề và được cơ quan chuyên môn địa phương quản lý chứng nhận. Nên chọn giống kích cỡ đồng đều, ngoại hình cân đối, không dị hình, không nhiễm bệnh, cá khỏe mạnh, nhiều nhớt, bơi lội nhanh nhẹn.

- Thức ăn cho cá phải tươi sạch và qua sát trùng, không để cá bị đói. Xung quanh nơi cho cá ăn  thường có thức ăn thừa, thối rữa, gây nhiễm bẩn sẽ tạo điều kiện cho sinh vật gây bệnh phát triển. Vì vậy, cần rửa sạch sàng ăn và thường xuyên khử trùng địa điểm cho ăn. Tùy thuộc vào chất lượng nước, độ sâu, nhiệt độ nước mà dùng thuốc với số lượng nhiều hay ít.

- Tăng cường sức đề kháng cho cá bằng cách bổ sung vitamin C trộn vào thức ăn cho cá ăn hàng ngày hoặc sử dụng chế phẩm sinh học probiotic và enzyme tổng hợp để cải thiện khả năng tiêu hóa và bảo vệ tốt đường ruột cho cá. Liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Đối với các hộ nuôi bè và nuôi đăng quầng: Hai loại hoá chất thường dùng để phòng bệnh cho cá nuôi trong giai đoạn giao mùa, đó là muối (NaCl) và vôi nông nghiệp (CaCO3), liều lượng: vôi: 2 – 5 kg/túi, muối 10 – 20 kg/túi.

+ Liều lượng trên có thể thay đổi trong phạm vi cho phép tùy theo quy mô, diện tích nuôi và thể tích nước của đàn cá nuôi. Định kỳ 10 – 15 ngày thực hiện một lần. Nếu phát hiện đàn cá nuôi có biểu hiện giảm ăn, nhào lộn dữ dội, trên da và mang có nhiều nhớt, cá bệnh chết với số lượng ít và tăng không đáng kể thì thực hiện việc treo vôi và muối trong 3 ngày liên tục. Đồng thời đem mẫu cá bệnh nhờ cán bộ thuỷ sản hỗ trợ trong việc chuẩn đoán bệnh cá .

+ Có thể sử dụng thêm lá xoan, dây giác, cỏ mực đập giập bọc lại bằng lưới cước treo ở đầu bè hoặc ở chỗ cho ăn với liều lượng mỗi lần treo từ 5 – 10 kg để nâng cao hiệu quả phòng bệnh.

Ngoài các biện pháp phòng bệnh nêu trên, người nuôi cần chú ý cách trị một số bệnh có thể xảy ra trong giai đoạn giao mùa:

1. Bệnh trùng bánh xe

a. Triệu chứng bệnh lý:

- Khi cá mới mắc bệnh, mình cá có lớp nhớt màu hơi trắng đục. Bệnh nặng cá có màu sắc nhợt nhạt, tiết nhầy trắng đục trên thân, mang, vây xơ mòn.

- Cá bệnh thường nổi đầu và thích tập trung nơi nước chảy.

- Thích cọ mình vào thành bể hoặc cây cỏ và có cảm giác ngứa ngáy khó chịu.

- Đôi khi nhô đầu lên khỏi mặt nước và lắc mạnh đầu.

- Cá bệnh nặng bơi lờ đờ, đảo lộn vài vòng rồi chìm xuống đáy ao và chết.

b. Trị bệnh

Dùng Sunphat đồng (CuSO4) ngâm cá bệnh với nồng độ 0,5 – 0,7 g/m3. Tắm cá bệnh nồng độ 2 – 5 g/m3 trong thời gian 30 phút.

2. Bệnh nấm thuỷ mi

a. Triệu chứng bệnh lý

Khi bị bệnh, trên da cá xuất hiện những vùng trắng xám, trên đó có những sợi nấm nhỏ, mềm tua tủa. Sau vài ngày sợi nấm phát triển đan chéo vào nhau thành bụi trắng như bông gòn có thể nhìn thấy bằng mắt thường (để cá bệnh vào nước dễ quan sát hơn).

b. Cách trị bệnh

Tắm cá bệnh trong nước muối 0,5 – 1 kg/100 lít nước (cá hương, giống), 2 – 3 kg/100 lít nước (cá lớn) trong thời gian 10 – 15 phút.

3. Bệnh lở loét

a. Triệu chứng bệnh lý:

- Dấu hiệu đầu tiên là cá ít ăn, bơi lội lờ đờ, nhô đầu lên khỏi mặt nước.

- Da sậm lại, xuất hiện những vết ăn mòn màu đỏ hoặc màu xám trên đầu, các vây và cuống đuôi.

- Có những vết loét ăn sâu đến xương, cơ bị thối rữa, đôi khi ăn cụt cả phần đuôi và cuối cùng cá chết.

b. Trị bệnh:

- Những cá bệnh nhẹ, vết thương không rộng lắm, nếu thả vào những điều kiện nước tốt hơn, thường bệnh sẽ giảm hoặc tự khỏi.

- Dùng muối ăn 2 – 4 % hoặc thuốc tím 10 - 15g/m3 tắm cá trong 10 – 15 phút.

Nên bổ sung thêm Vitamin B1, Vitamin C, hoặc Premix vitamin vào thức ăn và dùng liên tục 5 – 7 ngày.

4. Bệnh viêm ruột ở cá

a. Triệu chứng bệnh lý:

- Cá kém ăn, bỏ ăn.

- Bụng cá trương to, có ban đỏ, hậu môn đỏ lồi.

- Xoang cơ thể tiết dịch, thành ruột bị viêm và chảy máu, trên thành ruột có màu đỏ, dịch vàng hay hồng chảy ra từ hậu môn. Cá vận động chậm chạp, bơi tách đàn, chết nhanh.

c. Trị bệnh:

- Cho Ca(OCl)2 rãi xuống ao với nồng độ 1g/m3 nước để diệt vi khuẩn ngoài môi trường nước.

- Dùng Sunfaguanidin trộn vào thức ăn để diệt vi khuẩn bên trong cơ thể.

La Ngọc Thạch



CÁC TIN KHÁC: