Sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc
Đăng ngày: 08/12/2016 09:11:2AM

Cách đây 70 năm, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, hiệu triệu đồng bào cả nước đứng lên chống cuộc xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp. Đây là một văn kiện quan trọng, thể hiện rõ ý chí, quan điểm, đường lối của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cuộc kháng chiến chống Pháp; là ánh sáng soi đường cho dân tộc ta đi đến thắng lợi trong cuộc kháng chiến trường kỳ, đầy gian khổ.

Bản thảo Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến

của Chủ tịch Hồ Chí Minh, viết ngày 19/12/1946

 

      Sau chiến tranh thế giới thứ II, Chủ nghĩa xã hội trở thành hệ thống trên thế giới. Các phe phát xít Đức, Ý, Nhật bị quân đồng minh đánh bại; tuy nhiên, phe thắng trận như các nước Anh, Mỹ, Pháp vẫn chịu tổn hại nặng nề. Ở nước ta, chiến tranh thế giới thứ II kết thúc tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân ta đứng lên đánh đuổi Nhật giành chính quyền, thực hiện thành công Cách mạng Tháng Tám, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) vào ngày 2/9/1945. Với một chính quyền non trẻ, chúng ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức; một mặt phải giải quyết “giặc đói”, “giặt dốt”, “giặc nội phản”, một mặt ta phải đối mặt với giặc ngoại xâm đang lăm le cướp nước ta một lần nữa.
      Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp với sự giúp đỡ của quân Anh đã nổ súng gây hấn tại Sài Gòn, mở đầu cho cuộc chiến tranh tái xâm lược Đông Dương lần thứ 2, âm mưu đưa quân ra Bắc, gây nhiều xung đột, khiêu khích tại Hà Nội. Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đấu tranh mềm dẻo nhằm duy trì hòa bình, ổn định, tranh thủ thời gian chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến lâu dài. Sau rất nhiều nỗ lực nhằm duy trì hòa bình, chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Đỉnh điểm là ngày 18/12/1946, tướng Molie của Pháp gửi cho ta hai tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính và phá bỏ mọi công sự, chướng ngại để thực dân Pháp đưa quân vào và giữ gìn trị an tại Hà Nội, nếu không chúng sẽ chuyển sang hành động chậm nhất là vào ngày 20/12/1946. 
      Đứng trước tình thế đó, sáng ngày 20/12/1946, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (viết ngày 19/12/1946) được phát đi khắp cả nước. Nếu như thời Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn có Hịch tướng sĩ thì thời đại Hồ Chí Minh chúng ta có Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, đó là lời khẳng định cho ý chí quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm của Đảng và Chính phủ ta, kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đứng lên chống giặc, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Lời kêu gọi mang sức lan tỏa rộng khắp, với lời văn dung dị nhưng hùng hồn tác động sâu sắc tới mọi tầng lớp nhân dân, khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong cuộc chiến ái quốc “Dù gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta! Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”. Có thể nói rằng cùng với Chỉ thị Toàn quốc kháng chiến của Ban Thường vụ Trung ương Đảng và tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi” của Tổng Bí thư Trường Chinh, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành ánh sáng soi đường cho dân tộc ta đi đến thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp với phương châm “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và dựa vào sức mình là chính”.
      Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta kiên quyết một lòng, đoàn kết chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Đất nước bước vào thời chiến và chuẩn bị kháng chiến lâu dài; quân và dân ta chuyển sang thế chủ động tiến công, bảo vệ an toàn cho cơ quan đầu não của cách mạng, bảo đảm an toàn cho người dân, vận chuyển thành công vật tư và vũ khí chiến đấu vào An toàn khu, chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc chiến lâu dài. Cuộc chiến của quân, dân Thủ đô và cả nước trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến đã giáng một đòn mạnh vào ý chí xâm lược của kẻ thù, làm tiền đề vững chắc cho kháng chiến dài lâu.
      Về phía chính quyền thực dân, trước sự chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta, chúng đã tăng cường lực lượng, mở rộng địa bàn chiếm đóng, ráo riết tấn công vào các cứ điểm của ta, quyết tâm sớm kết thúc chiến tranh. Thu – Đông năm 1947, quân đội Pháp mở cuộc hành quân lớn lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của ta, đập tan căn cứ kháng chiến của cách mạng. Nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đường lối kháng chiến đúng đắn, tinh thần sáng tạo, quyết tâm cao, quân và dân ta đã giành được thắng lợi vẻ vang trong Chiến dịch Việt Bắc Thu – Đông 1947, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, thu giữ nhiều khí tài, làm thất bại hoàn toàn chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch, mở ra giai đoạn kháng chiến mới. Qua nhiều khó khăn, gian khổ, đến năm 1950, lực lượng kháng chiến của ta đã trưởng thành về mọi mặt, Đảng và Chính phủ quyết định mở Chiến dịch biên giới nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một số vùng biên giới phía Bắc, mở rộng căn cứ và địa bàn hoạt động. Sau 29 ngày đêm chiến đấu kiên cường, quân và dân ta đã giành được chiến thắng quan trọng, tạo bước tiến căn bản đưa cuộc kháng chiến của quân dân ta sang thế phản công và tiến công, thực dân Pháp lui dần về thế phòng ngự.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Chiến dịch biên giới năm 1950

 

      Trước tình thế đó, thực dân Pháp tận dụng viện trợ từ Mỹ lập ra kế hoạch Nava nhằm xoay chuyển thế trận, tiêu diệt bộ đội chủ lực ta, nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt, linh hoạt của Trung ương Đảng, Bộ Tổng tư lệnh, quân và dân ta đã chiến đấu với tinh thần dũng cảm, kiên cường đập tan kế hoạch Nava của Mỹ và Pháp, buộc Pháp phải rút quân chủ lực lên Điện Biên Phủ. Trước tình thế đó, thực dân Pháp đã dồn mọi lực lượng quân sự biến nơi đây thành tập đoàn cứ điểm khổng lồ - là mồi nhử “Việt Minh”. Nhưng sau 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, quân và dân ta đã đập tan “chảo lửa” Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng vang dội năm châu, chấn động địa cầu, tạo nên “mốc son bằng vàng” trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, tạo điều kiện thuận lợi trên mặt trận ngoại giao đi đến ký hết Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương; đó cũng là tiền đề quan trọng để quân và dân ta tiến lên chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa xuân năm 1975.
      Đã 70 năm trôi qua nhưng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn vẹn nguyên giá trị lịch sử, nó thúc đẩy tinh thần đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là động lực tinh thần to lớn mà mỗi người trong chúng ta khi nhớ về sẽ càng thêm tự hào về thế hệ cha anh đi trước. Tiếp tục kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng như những thành quả mà cách mạng mang lại, mỗi chúng ta, nhất là thế hệ thanh niên phải luôn ra sức giữ gìn, không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, chung tay xây dựng và phát triển quận Ô Môn trong mọi lĩnh vực; góp phần xây dựng nước Việt Nam “dân giàu - nước mạnh - dân chủ - công bằng - văn minh”.

Như Ý





Các bài viết khác:
Ô Môn: Hội nghị nghiên cứu, học tập chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2019
Ô Môn: Triển khai các nội dung Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII
Phát huy vai trò chi bộ là hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở
Học theo Bác “Vì lợi ích trăm năm trồng người”
Kết quả triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) của Đảng
Những bông hoa trong vườn Bác
Ô Môn: Làm theo gương Bác Sống tốt đời đẹp đạo
Kết quả 02 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) trên địa bàn quận Ô Môn
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: "Gương sáng giữa đời thường"
Ban Tuyên giáo Quận ủy Ô Môn phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận Khảo sát công tác Tuyên giáo đầu năm 2018