Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam
Đăng ngày: 18/05/2017 04:46:54PM

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta, cuộc đời của Bác là sự kết tinh những truyền thống quý báu của dân tộc gắn liền với phẩm chất cao quý của người cộng sản thời đại mới. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một chủ trương lớn, liên tục và lâu dài của Đảng ta.

      Có thể nói rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đặc biệt đáng chú ý trong tư tưởng của Người chính là tư tưởng về con đường của cách mạng Việt Nam.
      Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước và bắt gặp Chủ nghĩa Mác – Lênin, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đi đến nhận định “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”. Vì vậy, sau khi giác ngộ chủ nghĩa Mác – Lênin, Người đã chủ động truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào nước ta, đó là bước đệm đầu tiên đặt cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ta vào cuộc cách mạng vô sản, đồng nghĩa với việc giải phóng dân tộc gắn liền giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng những người lao động bị áp bức, bóc lột và các dân tộc thuộc địa khác. Và, độc lập dân tộc là nội dung cốt lõi của vấn đề dân tộc thuộc địa, cách mạng giải phóng dân tộc phải chủ động tiến lên giành độc lập, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng vô sản ở chính quốc. Giải phóng dân tộc là tiền đề để tiến lên giải phóng giai cấp, giải phóng con người; độc lập dân tộc mà chưa giành được thì vấn đề giai cấp cũng không giải quyết được. Mục tiêu của cách mạng giải phóng dân tộc trước hết là phải giành lại nền độc lập cho Tổ quốc. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo; đó là sức mạnh của toàn dân tộc; là sự nghiệp của dân chúng bị áp bức, bao gồm lực lượng của cả dân tộc.

      Trong lực lượng toàn dân tộc, Hồ Chí Minh hết sức nhấn mạnh vai trò động lực cách mạng của giai cấp công nhân và nông dân, lực lượng đoàn kết trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”, Người đã nâng quyền tự nhiên của con người lên thành quyền dân tộc và gắn chặt quyền con người với quyền dân tộc, đặt nền tảng cho một trật tự và pháp lý quốc tế  về quyền con người, quyền dân tộc và sự bình đẳng giữa các quốc gia – dân tộc.

      Theo Bác, độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội - điều đó thể hiện sự nhất quán trong tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn của Người, nó phản ánh tính triệt để của cách mạng, là con đường tất yếu, khách quan. Độc lập dân tộc là mục tiêu trên hết, là tiền đề để đi lên chủ nghĩa xã hội. Theo Hồ Chí Minh, con đường cách mạng Việt Nam có hai giai đoạn là: giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ và giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cách mạng dân tộc dân chủ là mục tiêu trước mắt, mang tính cấp bách nhưng không phải là mục tiêu cuối cùng của cách mạng, mà đó là điều kiện tiên quyết để nhân dân lao động Việt Nam tự quyết định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này làm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh khác biệt về chất so với con đường cứu nước những năm đầu thế kỷ XX ở Việt Nam và của một số nhà lý luận khác trên thế giới, đó là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, sự kết hợp đồng bộ giữa lý luận và thực tiễn cách mạng ở nước ta.

      Trong tư tưởng Hồ Chí Minh “chủ nghĩa xã hội là con đường củng cố vững chắc độc lập dân tộc, giải phóng dân tộc một cách hoàn toàn, triệt để”. Đây là mối quan hệ hữu cơ mang tính tất yếu của con đường cách mạng Việt Nam - cách mạng dân tộc dân chủ tạo tiền đề đi lên xã hội chủ nghĩa và cách mạng xã hội chủ nghĩa là cơ sở quan trọng để bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Cách mạng xã hội chủ nghĩa gắn liền với độc lập dân tộc, với tự do, ấm no, hạnh phúc của người dân, những người làm nên thành quả cách mạng. Vì vậy, chỉ có đi lên xã hội chủ nghĩa mới có thể bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng Việt Nam và độc lập của dân tộc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng triệt để các dân tộc bị áp bức khỏi ách nô lệ; chỉ có cách mạng xã hội chủ nghĩa mới đảm bảo cho một nền độc lập thật sự chân chính”.
      Nhân dịp kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2017), chúng ta nhìn lại những đóng góp to lớn của Người đối với cách mạng Việt Nam để cùng tỏ lòng biết ơn sâu sắc; quyết tâm ra sức phấn đấu, rèn luyện theo gương Bác Hồ vĩ đại, góp phần xây dựng quê hương, đất nước, giữ gìn thành quả cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Như Ý - Ban Tuyên giáo Quận ủy





Các bài viết khác:
Ô Môn: Hội nghị nghiên cứu, học tập chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2019
Ô Môn: Triển khai các nội dung Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII
Phát huy vai trò chi bộ là hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở
Học theo Bác “Vì lợi ích trăm năm trồng người”
Kết quả triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) của Đảng
Những bông hoa trong vườn Bác
Ô Môn: Làm theo gương Bác Sống tốt đời đẹp đạo
Kết quả 02 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) trên địa bàn quận Ô Môn
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: "Gương sáng giữa đời thường"
Ban Tuyên giáo Quận ủy Ô Môn phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận Khảo sát công tác Tuyên giáo đầu năm 2018