Giới thiệu Hệ thống tổ chức

Sơ đồ tổ chức UBND phường An Khánh
Đăng ngày: 18/04/2012 08:25:5AM




I. Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Ủy ban nhân dân phường

1. Ủy ban nhân dân phường thảo luận tập thể, quyết định theo đa số các vấn đề được quy định tại Điều 124 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 và những vấn đề quan trọng khác mà pháp luật quy định thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân phường.

2. Cách thức giải quyết công việc của Ủy ban nhân dân phường:

a) Ủy ban nhân dân phường họp, thảo luận tập thể và quyết định theo đa số các vấn đề quy định tại khoản 1 Điều này tại phiên họp Ủy ban nhân dân;

b) Đối với các vấn đề cần giải quyết gấp nhưng không tổ chức họp Ủy ban nhân dân được, theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân phường gửi toàn bộ hồ sơ của vấn đề cần xử lý đến các thành viên Ủy ban nhân dân để lấy ý kiến. Nếu quá nửa tổng số thành viên Ủy ban nhân dân phường nhất trí thì Văn phòng Ủy ban nhân dân phường tổng hợp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân quyết định và báo cáo Ủy ban nhân dân phường tại phiên họp gần nhất.

c) Uỷ ban nhân dân phường có lịch làm việc hàng tuần.

II. Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của các thành viên Ủy ban nhân dân phường

1. Trách nhiệm chung:

a) Tích cực, chủ động tham gia các công việc chung của Ủy ban nhân dân phường; tham dự đầy đủ các phiên họp của Ủy ban nhân dân, cùng tập thể quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban nhân dân; tổ chức chỉ đạo thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường kiểm tra, đôn đốc cán bộ, công chức cấp phường, Trưởng khu vực, Tổ trưởng Tổ tự quản hoàn thành các nhiệm vụ; thường xuyên học tập, nâng cao trình độ, nghiên cứu đề xuất với cấp có thẩm quyền về chủ trương, chính sách đang thi hành tại địa phương;

b) Không được nói và làm trái các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân phường và văn bản chỉ đạo của cơ quan nhà nước cấp trên. Trường hợp có ý kiến khác thì vẫn phải chấp hành, nhưng được trình bày ý kiến với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường.

2. Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường là người đứng đầu Ủy ban nhân dân, lãnh đạo và điều hành mọi công việc của Ủy ban nhân dân, chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định tại Điều 127 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003; đồng thời, cùng Ủy ban nhân dân phường chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Ủy ban nhân dân trước Đảng ủy, Hội đồng nhân dân phường và Ủy ban nhân dân quận;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường triệu tập, chủ trì các phiên họp và các hội nghị khác của Ủy ban nhân dân, khi vắng mặt thì ủy quyền Phó Chủ tịch chủ trì thay; bảo đảm việc chấp hành pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Đảng ủy và Hội đồng nhân dân phường;

c) Căn cứ vào các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, Nghị quyết của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân phường và tình hình thực tiễn của địa phương, xây dựng Chương trình công tác năm, quý, tháng của Ủy ban nhân dân phường;

d) Tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác; phân công nhiệm vụ, đôn đốc, kiểm tra các thành viên Ủy ban nhân dân phường và các cán bộ, công chức thuộc Ủy ban nhân dân phường, Trưởng khu vực, Tổ trưởng Tổ tự quản trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao;

đ) Quyết định những vấn đề quan trọng, liên quan đến nhiều nội dung công việc, những vấn đề đột xuất, phức tạp trên địa bàn; những vấn đề còn ý kiến khác nhau hoặc vượt quá thẩm quyền của Phó Chủ tịch và Ủy viên Ủy ban nhân dân phường;

e) Ký ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân phường và thẩm quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân theo quy định của pháp luật;

g) Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của phường, hoạt động của Ủy ban nhân dân với Đảng ủy, Hội đồng nhân dân phường và Ủy ban nhân dân quận;

h) Thường xuyên trao đổi công tác với Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và người đứng đầu các đoàn thể nhân dân cấp phường; phối hợp thực hiện các nhiệm vụ công tác; nghiên cứu, tiếp thu về các đề xuất của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đối với công tác của Ủy ban nhân dân; tạo điều kiện để các đoàn thể hoạt động có hiệu quả;

i) Tổ chức lịch tiếp dân, xem xét giải quyết các khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của nhân dân theo quy định của pháp luật.

3. Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường:

a) Trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực và địa bàn công tác do Chủ tịch phân công; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai các công việc theo lĩnh vực được phân công trên địa bàn. Phó Chủ tịch được sử dụng quyền hạn của Chủ tịch khi giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực được giao;

b) Chịu trách nhiệm cá nhân trước Chủ tịch, trước Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân phường về lĩnh vực được giao, về những quyết định chỉ đạo, điều hành của mình; cùng Chủ tịch và các thành viên khác của Ủy ban nhân dân chịu trách nhiệm tập thể về toàn bộ hoạt động của Ủy ban nhân dân trước Đảng ủy, Hội đồng nhân dân phường và Ủy ban nhân dân quận. Đối với những vấn đề vượt quá phạm vi thẩm quyền thì Phó Chủ tịch phải báo cáo Chủ tịch quyết định;

c) Khi giải quyết công việc, nếu có vấn đề liên quan đến phạm vi và trách nhiệm giải quyết công việc của thành viên khác của Ủy ban nhân dân thì chủ động trao đổi, phối hợp với thành viên đó để thống nhất cách giải quyết; nếu vẫn còn ý kiến khác nhau thì báo cáo Chủ tịch quyết định;

d) Kiểm tra, đôn đốc cán bộ, công chức, các khu vực và tổ tự quản thực hiện các chủ trương, chính sách và pháp luật thuộc lĩnh vực được giao.

4. Phân công công việc cụ thể của các Phó Chủ tịch:

a) Phó Chủ tịch thường trực:

- Phó Chủ tịch thường trực do Chủ tịch chỉ định trong số các Phó Chủ tịch.

- Phó Chủ tịch thường trực được Chủ tịch uỷ quyền giải quyết một số công việc của Chủ tịch: điều phối hoạt động chung của Uỷ ban nhân dân theo các chương trình công tác và yêu cầu  chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân; chỉ đạo công việc của Uỷ ban nhân dân khi Chủ tịch vắng.

- Phó Chủ tịch thường trực chỉ đạo giải quyết các công việc có liên quan đến lĩnh vực văn hoá và xã hội như: công tác tôn giáo dân tộc; công tác xoá đói giảm nghèo; phòng chống các tệ nạn xã hội; văn hoá thông tin; thương binh và xã hội; y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường; dân số gia đình và trẻ em; Đài truyền thanh; những vấn đề liên quan đến hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội; phối hợp với Ban tuyên giáo Đảng uỷ phường chỉ đạo, quản lý hoạt động các câu lạc bộ gia đình văn hoá; thể dục thể thao; khu vực văn hoá; Hội khuyến học; công tác quản lý nhà nước về hoạt động báo chí, bản tin và một số lĩnh vực khác do Chủ tịch phân công.

b) Phó Chủ tịch:

- Chủ tịch uỷ quyền Phó Chủ tịch phụ trách quản lý đô thị chỉ đạo giải quyết những vấn đề liên quan đến các lĩnh vực: giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và tổ chức; trật tự đô thị; trật tự an toàn giao thông; Tư pháp và hộ tịch; Đội thuế; Văn phòng HĐND và UBND; công tác cải cách hành chính, công tác thi hành án dân sự; công tác tuyên truyền giáo dục phổ biến pháp luật.

5. Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Ủy viên Ủy ban nhân dân phường:

a) Ủy viên Ủy ban nhân dân phường chịu trách nhiệm về nhiệm vụ được phân công trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Ủy ban nhân dân phường; cùng Chủ tịch và Phó Chủ tịch chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Ủy ban nhân dân trước Hội đồng nhân dân phường và Ủy ban nhân dân quận; nắm tình hình, báo cáo kịp thời với Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường về lĩnh vực công tác của mình và các công việc khác có liên quan;

b) Trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công việc thuộc lĩnh vực được phân công trên địa bàn; chủ động đề ra các biện pháp để hoàn thành tốt công việc đó;

c) Phối hợp công tác với các thành viên của Ủy ban nhân dân, các cán bộ, công chức có liên quan và giữ mối liên hệ chặt chẽ với cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân quận để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình;

d) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân giao.

III. Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của công chức cấp phường

Ngoài việc thực hiện các quy định tại Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ, công chức cấp phường còn có trách nhiệm:

1. Giúp Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở cấp phường, bảo đảm sự thống nhất quản lý theo lĩnh vực chuyên môn; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường và cơ quan chuyên môn cấp quận về lĩnh vực được phân công.

2. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động giải quyết công việc được giao, sâu sát cơ sở, tận tụy phục vụ nhân dân, không gây khó khăn, phiền hà cho dân. Nếu vấn đề giải quyết vượt quá thẩm quyền, phải kịp thời báo cáo Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch phụ trách để xin ý kiến.

3. Tuân thủ Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân phường, chấp hành sự phân công công tác của Chủ tịch Ủy ban nhân dân; giải quyết kịp thời công việc theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, không để tồn đọng, ùn tắc; chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật và nội quy cơ quan.

4. Không chuyển công việc thuộc phạm vi trách nhiệm cá nhân lên Chủ tịch, Phó Chủ tịch hoặc tự ý chuyển cho cán bộ, công chức khác; không tự ý giải quyết các công việc thuộc trách nhiệm của cán bộ, công chức khác; trong trường hợp nội dung công việc có liên quan đến cán bộ, công chức khác thì phải chủ động phối hợp và kịp thời báo cáo Chủ tịch, Phó Chủ tịch xử lý.

5. Chịu trách nhiệm bảo quản, giữ gìn hồ sơ tài liệu liên quan đến công tác chuyên môn; tổ chức sắp xếp, lưu trữ tài liệu có hệ thống phục vụ cho công tác lâu dài của Ủy ban nhân dân phường; thực hiện chế độ báo cáo bảo đảm kịp thời, chính xác tình hình về lĩnh vực công việc mình phụ trách theo quy định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường.

IV.Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Văn phòng Ủy ban nhân dân phường:

Văn phòng thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Giúp Chủ tịch, Phó chủ tịch nắm tình hình hoạt động của Ủy ban nhân dân và của các ngành chuyên môn về hoạt động kinh tế, xã hội, an ninh và quốc phòng tại địa phương; tổng hợp tình hình hoạt động của Ủy ban nhân dân và báo cáo tại các cuộc họp giao ban hàng tuần của Chủ tịch và các Phó chủ tịch; đề xuất với Chủ tịch, Phó chủ tịch việc phân công các phòng chuyên môn nghiên cứu, báo cáo những vấn đề về chủ trương, chính sách và cơ chế quản lý;

2. Tổ chức việc cung cấp thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch, các Phó chủ tịch. Thống nhất quản lý và sử dụng mạng tin học của Ủy ban nhân dân quận, ứng dụng công nghệ tin học để nâng cao hiệu quả công tác quản lý hành chính và trao đổi thông tin giữa các cơ quan hành chính nhà nước;

3. Tổ chức thẩm tra các văn bản do các ban ngành dự thảo hoặc văn phòng soạn thảo trước khi trình Ủy ban nhân dân, Chủ tịch xem xét, quyết định trên cơ sở bảo đảm yêu cầu về thẩm quyến, nội dung, thể thức, hình thức và đúng trình tự, thủ tục quy định;

Lập phiếu chuyển, phiếu báo hoặc phiếu giử trả lại hồ sơ khi các cơ quan, đơn vị và địa phương trình sau khi có ý kiến của Chủ tịch hoặc phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực chấp thuận, cụ thể:

a) Những vấn đề không thuộc thẩm quyền xử lý của Ủy ban nhân dân;

b) Những vấn đề theo quy định phải trình tại phiên họp của Ủy ban nhân dân hoặc đưa ra tổ chức liên ngành xem xét đề xuất;

c) Những hồ sơ không đầy đủ thủ tục theo quy định pháp luật hiện hành;

d) Những văn bản hành chính không đúng thể thức theo quy định.

4. Quản lý thống nhất việc ban hành công văn của Ủy ban  nhân dân; công tác giấy tờ, văn thư, hành chính, lưu trữ, tin học hóa quản lý hành chính của Ủy ban nhân dân;

5. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch, quyết định, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch; kiến nghị với Chủ tịch vế các biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện;

6. Xây dựng trình Ủy ban nhân dân phường thông qua Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân và giúp Ủy ban nhân dân theo dõi, kiểm điểm việc thực hiện quy chế làm việc. Giúp Chủ tịch phối hợp xây dựng Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban nhân dân với Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể phường;

7. Văn phòng Ủy ban nhân dân là thư ký quản lý chương trình ISO 9001-2000 đang thực hiện tại Ủy ban nhân dân.

8. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân, Chủ tịch và trước pháp luật về toàn bộ công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của văn phòng. 

V. Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của cán bộ không chuyên trách cấp phường, Trưởng khu vực và Tổ trưởng Tổ tự quản.

1. Cán bộ không chuyên trách cấp phường chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường về nhiệm vụ chuyên môn được Chủ tịch phân công, thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Điều 5 Quy chế này. 

2. Trưởng khu vực, Tổ trưởng Tổ tự quản chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường về mọi mặt hoạt động của khu vực, tổ tự quản; tổ chức thực hiện mọi nhiệm vụ công tác trên địa bàn; thường xuyên báo cáo tình hình công việc với Chủ tịch, Phó Chủ tịch phụ trách; đề xuất giải quyết kịp thời những kiến nghị của công dân, tổ chức và các khu vực, tổ tự quản./.


Nguồn : Quyết định số 238/QĐ-UBND ngày 08/09/2010 của UBND phường An Khánh