Chính trị


Cỡ chữ: +A | -A Từ viết tắt
Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai việc tổ chức lấy ý kiếm nhân dân về dự thảo sửa đổi hiến pháp. (08/01/2013)

Sáng ngày 8/1, Quốc hội tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Các đồng chí PCT và Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban bí thư; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng Ban tuyên giáo trung ương; Uông Chu Lưu, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội. Về phía đầu cầu truyền hình trực tuyến của TP Cần Thơ đến dự có đồng chí Lê Hùng Dũng, Thành ủy viên – PCT thường trực UBND TP Cần Thơ cùng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị TP. Cần Thơ, HĐND TP và đại diện các sở ban ngành đoàn thể.


Phát biểu khai mạc hội nghị đ/c Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhấn mạnh: “…từ khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời đến nay, chúng ta đã có 4 bản Hiến pháp, Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992….Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992 với những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, đến nay, chúng ta cần tiếp tục sửa đổi Hiến pháp cho phù hợp với tình hình mới của đất nước trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi sâu sắc; phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững, xây dựng nước cộng hòa Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…”. Trên cơ sở các yêu cầu và quan điểm sửa đổi, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã xác định 9 nội dung cơ bản. Dự thảo Hiến pháp sau khi sửa đổi, bổ sung có 11 chương, 124 điều. So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo Hiến pháp giảm 1 chương, 23 điều, giữ nguyên 14 điều, sửa đổi, bổ sung 99 điều  và bổ sung 11 điều mới. Trong đó tại chương II của dự thảo có nhiều bổ sung mới, đặc biệt là về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, để khẳng định giá trị, vai trò quan trọng của quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp. Dự thảo của chương này cũng thể chế hóa các quan điểm của Đảng được xác định trong Cương lĩnh về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường. Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 38/2012 của Quốc hội, Chỉ thị số 22 của Bộ Chính trị, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã ban hành kế hoạch số 216  về tổ chức lấy ý kiến dự thảo. Trong kế hoạch nêu rõ việc tổ chức thực hiện, báo cáo tổng hợp ý kiến, tiến độ thực hiện bắt đầu từ ngày 02/1/2013 đến hết ngày 31/3/2013. Các thông tin về dự thảo sẽ được đăng tải trên Báo nhân dân và trang thông tin điện tử http://duthaoonline.quochoi.vn.

Các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể gởi ý kiến về cơ quan, đơn vị hay đóng góp trực tiếp bằng văn bản đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, địa chỉ số : 37 Hùng Vương, Ba Đình thủ đô Hà Nội. Hoặc gởi qua email : ubdtsdhp@qh.gov.vn.

Hội nghị được nghe các tham luận của  đại diện các tỉnh trong cả nước như : Bạc Liêu, TP Hồ Chí Minh, Bắc Cạn, Quảng Nam, Hải Dương. Đa số các địa phương báo cáo với Bộ Chính trị và Quốc hội đã chuẩn bị sẳn sàng cho cuộc  lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này. Phát biểu tại hội nghị đ/c Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng Ban tuyên giáo trung ương chỉ đạo 6 điểm quan trọng cần tập trung thời gian tới . Trong đó nhấn mạnh : …đối với công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền về việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hướng tới các mục tiêu quan trọng là: Vận động mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo, để khi Hiến pháp chính thức ban hành thực sự là một văn bản kết tinh ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; làm cho nhân dân thấm nhuần đường lối của Đảng thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020, các văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng và vận dụng vào việc góp ý những nội dung trong Dự thảo; giáo dục, nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức “tự đề kháng”, năng lực phản bác của nhân dân trong cuộc đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch… Đối với các ý kiến góp ý được chọn đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần bảo đảm khách quan, mang tính tiêu biểu và tính xây dựng. Cần tránh khuynh hướng thông tin phiến diện, thiên lệch, không chuẩn xác, chân thực. Các cơ quan thông tin, tuyên truyền cần bám sát định hướng thảo luận của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp và chủ động đề xuất nội dung thảo luận, hướng dẫn nhân dân tập trung thảo luận vào những vấn đề thiết thực, phục vụ trực tiếp cho việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp...

Kết luận hội nghị đ/c Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban bí thư, Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đánh giá cao sự thành công của lần đầu tổ chức triển khai dự thảo. Qua hội nghị cho thấy, sửa đổi Hiến pháp là công việc rất hệ trọng của đất nước, cần phát huy tinh thần yêu nước, quyền làm chủ của nhân dân, sự tham gia đóng góp trí tuệ, tâm huyết của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, các nhà khoa học, các ngành, các cấp để Hiến pháp sửa đổi lần này thực sự là một bước tiến mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

Kết thúc hội nghị TP. Cần Thơ cũng lên kế hoạch tuyên truyền, vận động và triển khai tinh thần Nghị quyết số 38/2012 của Quốc hội, Chỉ thị số 22 của Bộ Chính trị và kế hoạch số 216 của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trước mắt sẽ triển khai trong lực lượng cán bộ chốt của TP vào chiều ngày 11/1/2013. Đồng thời tiến hành xây dựng kế hoạch chi tiết của địa phương về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Kiều Nhi


Các tin khác:
Thành ủy Cần Thơ tổ chức quán triệt, triển khai Chỉ thị 46-CT/TW của Bộ Chính trị  (13/08/2015)
Tăng cường công tác phòng, chống bạo lực học đường trên địa bàn TPCT  (12/08/2015)
Hướng dẫn về hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam  (12/08/2015)
Cần Thơ hoàn thành Đại hội đại biểu các Đảng bộ trực thuộc Thành ủy, nhiệm kỳ 2015 - 2020  (12/08/2015)