Văn hóa ẩm thực
Thức uống và cách uống của Người Cần Thơ

Trà và rượu là hai thức uống truyền thống căn bản. Ngày xưa, trong điều kiện sinh hoạt giản đơn, người nông dân chỉ uống nước lã để giải khát. Trà là món hiếm hoi, chỉ dành cho người già và tiếp khách. Mỗi khi khách đến nhà, ba món tối thiểu phải có là trầu cau, thuốc và trà. Sau đó, để giải quyết lễ nghĩa thân tình người ta mời dùng rượu.


Đất Cần Thơ không trồng được trà nên dân ở đây không uống “chè xanh”, “chè mộc” như ở miền Trung miền Bắc mà dùng phổ biến trà Tàu có ướp hương lài hoặc sen. Khác với dân cư vùng nước mặn thích uống trà pha bằng nước mưa nấu sôi, người Cần Thơ thuộc vùng nước ngọt quanh năm, chỉ chịu pha trà bằng nước sông múc lên lóng cặn rồi nấu. Pha bằng nước sông, trà mau ra nước và ra rất đậm cho mùi vị nhiều hơn.


Rượu ở Cần Thơ được nấu chủ yếu bằng gạo, cả gạo tẻ và gạo nếp, gọi chung là rượu trắng hay rượu đế. Với kinh nghiệm dân gian lâu đời, dù với phương tiện thô sơ người Cần Thơ đã có cách nấu rượu có nồng độ cao, chất lượng không thua kém các loại rượu mạnh của Âu - Mỹ, gọi là rượu gốc. Nước rượu đế gốc không màu, trong suốt. Đưa lên hớp một ngụm, rượu mới chạm vào môi đã bốc hương thơm ngào ngạt của lúa, của men đồng quê. Rượu uống vào ấm nóng từng đoạn ruột, lan tỏa từng thớ thịt, đường gân tạo nên cảm giác lâng lâng, rạo rực trong trái tim người. Vì vậy mà người Cần Thơ đã thi vị hóa tên gọi rượu đế là nước mắt quê hương”.


Rượu - Trà là thức uống đồng thời là vật thể hiện sự tôn trọng lễ nghi. Trong bất cứ lễ tiệc cúng bái, chiêu đãi nào cũng đều có trà và rượu, mà có lẽ quan trọng nhất là rượu nên được đặt lên vị trí hàng đầu. “Vô tửu bất thành lễ”, “ly rượu lễ”, “rượu mừng”, “tiệc rượu chung vui”, “ly rượu chia buồn”... chứng tỏ rượu có mặt khắp nơi.


Người Cần Thơ có thói quen khi mời đám tiệc, giỗ quảy thường dùng tiếng rượu để tượng trưng. Người ta nói “kính mời ông bà (cô bác, anh chị) đến dùng với chúng tôi ly rượu hoặc “miếng rượu”, chớ không ai mời đến để ăn mâm lễ, mâm tiệc, dù biết rằng uống rượu. thì phải có ăn. Cho nên việc uống cũng là nếp văn hóa với đặc điểm phong cách của người Cần Thơ.


Ngoài rượu đế, ở Cần Thơ còn có các loại rượu chế biến từ những nguyên liệu tại chỗ như rượu nếp than, rượu chuối, rượu khóm, nước cơm rượu, các thứ nước giải khát lên men và các thứ nước trái cây nguyên chất như nước dừa, nước khóm, nước mía, nước bưởi...

Viết về việc ăn của người Nam bộ, sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức có ghi: “Người Gia Định thích ăn mắm, ngày ăn ba bữa cơm và ít khi ăn cháo”. Như vậy, cho đến ngày nay người Cần Thơ vẫn còn giữ nguyên cơ cấu 3 bữa cơm trong ngày, tuy rằng ở từng nơi, từng người có cách ăn riêng trong mỗi bữa, với liều lượng lương thực, thực phẩm nhiều ít khác nhau, chia làm bữa chính và bữa phụ.


Ở thành thị, từ thời Pháp thuộc, người ta đã chia bữa ăn sáng làm bữa phụ, ăn nhẹ điểm tâm rồi đi làm việc, trưa và chiều mới là hai bữa chính. Ở nông thôn, cách vài chục năm về trước, người dân vẫn chưa có thói dùng điểm tâm mà ăn ngay bữa cơm chính vào lúc chưa rạng sáng để kịp ra đồng vào sáng sớm tinh mơ. Bữa trưa thường ăn tại nơi làm việc ở ruộng vườn, gọi là cơm ruộng hay cơm vườn. Đến chiều về mới ăn cơm trong gia đình.


Ngày nay, với đà kinh tế phát triển và hướng đô thị hóa nông thôn, cơ cấu giờ giấc ăn uống của nông dân đã đổi khác. Buổi sáng, nông dân cũng ra quán ăn hủ tiếu, uống cà phê điểm tâm, hút thuốc thơm đầu lọc như người thành thị.



“Ăn to, nói lớn”, “ăn mặn, uống đậm” là phong cách cá tính của dân Nam bộ nói chung và dân Cần Thơ nói riêng. Ăn to, ăn mặn là ăn miếng to, gấp nguyên con, nguyên khúc, chứ không rỉa, giẻ từng miếng nhỏ và khi nêm, chấm phải thật đậm đà. Nó còn thể hiện ở chỗ ăn phải đủ liều lượng, ít quá thì không muốn ăn. Cá nướng một lúc phải nhiều con, thịt vịt luộc phải chặt đầy dĩa... Món ăn nào lạt thì thiệt lạt mà mặn thì thiệt mặn chớ không chịu lớ ngớ. Uống đậm thể hiện ở chỗ, thà không uống thì thôi, nếu đã uống thì uống cho thật đậm. Trà đậm hay “trà quạu” được châm bằng nước sôi đúng 100 độ C, trà bỏ vô bình thật nhiều để có nước đậm đặc, màu óng ánh, bốc hương thơm ngào ngạt và vị đắng chát đến tê đầu lười, sau đó thấm ngọt nơi cổ họng. Rượu đậm là rượu nguyên chất (rượu gốc) thật cao độ, vừa cay nồng vừa thơm ngọt. “Rượu trên be, trà dưới ấm” là thành ngữ chỉ cách dùng thức uống đúng điệu. Ly rượu đầu trong chai là ly rượu ngon nhứt, tách trà cuối trong bình là tách trà đậm nhứt, dành cho người đáng quí trọng, thân thương.


Riêng về rượu, người Cần Thơ và một số nơi ở miền Tây Nam bộ có phong cách uống khác hơn các miền là chỉ dùng một ly hoặc một chén chung cho cả mâm tiệc chứ không trảt riêng từng ly, từng chén cho mỗi người. Khi đã vào mâm tiệc thì mọi người bình đẳng với nhau, tự nguyện chấp nhận điều lệ của cộng đồng dưới sự điều hành của người trải rượu, gọi là “chủ xị”. Tùy theo qui định mà mỗi người trong tiệc mỗi lần phải uống lượng rượu bao nhiêu. Cứ thế mà xoay vòng từ người này sang người khác.

Nguồn: sưu tầm


Các tin khác:
Ẩm thực Việt 2012 khiến thế giới xôn xao  (20/12/2012)
Bánh xèo xóm Cái Sơn – Hàng Bàng  (26/10/2012)
Người làm nên hương vị "Bánh Bèo Lê Lai"  (11/09/2012)
Về Thốt Nốt ăn cơm mẻ thịt trâu  (11/09/2012)
Dây mỏ quạ - món ngon nơi miền Tây  (10/09/2012)
<<  <  1  2  3  4  5  ...    >>