Địa danh - Di tích - Thắng cảnh | ||
Vòng Cung Cần Thơ: lửa và hoa (lộ Vòng Cung)
Vòng cung lửa Phía Bắc thành phố là con sông Hậu rộng
mênh mông. Phía Nam, vượt qua sông Cái Răng là chạm chân đến lộ Vòng cung.
Tuyến lộ Vòng cung chạy dài gần 30km, bắt đầu từ bờ Bắc cầu Cái Răng đến Ba Se
thuộc phường Phước Thới - quận Ô Môn, gồm các xã, phường An Bình, Mỹ Khánh,
Nhơn Ái, Tân Thới, Trường Lạc, Giai Xuân, Long Tuyền, Thới An Đông, một phần
phường Phước Thới. Bàng cảnh báo trên lộ Vòng Cung thời chiến tranh (ảnh tư liệu) Từ đây ta có thể thọc thẳng vào nội ô,
đâm thẳng vào yết hầu “Bộ Tư lệnh vùng IV chiến thuật” và tiểu khu Phong Dinh
của Mỹ - nguỵ. Chính vì vậy, “Vành đai Anpha”, như kẻ địch đặt tên có đủ sắc
lính nguỵ và cả lữ đoàn B Sư đoàn 9 bộ binh Mỹ nhảy vào tham chiến. Là một
trong những chiến trường chính của miền Tây Nam bộ, hầu hết lực lượng chủ lực
Khu 9 và tỉnh Cần Thơ đã có mặt trên tuyến lửa này. Địa danh nào trên tuyến lộ cũng gắn liền,
vang danh chiến công Tiểu đoàn Tây Đô, Tiểu đoàn 307, Biệt động, chủ lực Quân
khu 9, dân quân du kích… Đồng chí Vũ Đình Liệu, nguyên Bí thư Khu uỷ Tây Nam bộ
từng kết luận: “Sau Tết Mậu Thân, Vòng cung đã đi vào lịch sử của Cần Thơ, của
Tây Nam bộ, của đồng bằng sông Cửu Long, của Nam bộ và cả nước như một địa danh
huyền thoại. Vì Vòng cung là biểu tượng của ác liệt, gian khổ, là biểu tượng
của kiên cường, dũng cảm…”. Để đến chiến thắng, nhiều người đã nằm xuống. Nghĩa
trang lộ Vòng cung có mặt anh em quê quán suốt từ Việt Bắc đến Cà Mau! Từng thước đất lộ Vòng cung đều trộn máu
của bao đồng chí, đồng bào. “Xóm tôi vẻn vẹn mười sáu ngôi nhà/ Có mười sáu
người đàn bà/ Sau chiến tranh chồng không về nữa/ Có mười sáu ngọn gió ngọn mưa
đêm đêm đi gõ cửa” (thơ của Nguyễn Trọng Tín). Nhưng chỉ riêng xã An Bình (khi
chưa tách), hai lần Anh hùng, khởi đầu tuyến lộ Vòng cung đã có 125 gia đình
liệt sĩ. Xã Long Tuyền có đến 409 gia đình liệt sĩ, 16 Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
ấp Lợi Nguyên có 394 nóc gia thì có 402 lượt người bị cầm tù, 75 gia đình liệt
sĩ... Má Lê Thị Huyền lần lượt giao 13 đứa con cho cách mạng; ông Lê Văn Huấn
có 5 con kế tiếp nhau ra đi mãi mãi. Rạch Ông Hào (Trường Long - Ô Môn), mỗi
năm, tháng 6, từ 1965, khói nhang lại cuộn trong bao nóc nhà bởi hơn 200 nhân
mạng, hầu hết là người già và trẻ em bị bom thù vùi dập một chỗ… Khuôn viên gia đình ông bà Lê Văn Tiểu –
Tạ Thị Phi, “Căn cứ lõm vườn mận” ở ấp Bình Thường B, phường Long Tuyền đã trở
thành khu di tích. Trong đợt Tổng tấn công Mậu Thân 1968 nơi đây là chỉ huy sở
của Khu 9. Hết lòng vì cách mạng, khi cần sẵn sàng hy sinh tất cả. Ông Hai Tiểu
(được tặng “Huy hiệu Bác Hồ” đầu tiên của Cần Thơ) hy sinh năm 1969. Năm năm
sau, giặc xả súng bắn chết bác gái ngay trước cửa nhà. Khu vườn của ông Lê Văn
Triệu (xã Mỹ Khánh) vẫn ấp ôm những ngôi mộ đá chưa được khắc tên của những
chiến sĩ Mậu Thân. Cháu con vẫn nhớ lời ông dặn: “Đừng để anh em xa mình. Đất
Mẹ, nơi đâu cũng vậy”… Trải qua cuộc chiến, tất cả các xã, phường dọc Vòng cung
đều được Nhà nước vinh danh “Anh hùng LLVTND”. Vành đai xanh, sinh thái Sáng sớm, gió từ sông thổi lên lồng lộng.
Cả trăm ghe thuyền khẳm nặng nông sản trườn về chợ nổi Cái Răng. Dòng người xe
hối hả ngược vào nội ô cho một ngày mới. Ngồi bên quán cà phê ven lộ, ông Lê
Văn Khải, 56 tuổi chỉ vào chiếc xe buýt vui vẻ: con lộ này hồi trước hẹp lắm,
chỉ có đất và đá lổn nhổn đủ cho xe lam chạy chứ đâu rộng rãi, nhựa trải phẳng
lỳ như vầy; dân cư bám lộ thưa thớt, nhà toàn tre lá… Trường Tiểu học Mỹ Khánh
1 bề thế mới đưa vào hoạt động có vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng; có 30 phòng học,
phòng ăn, hội trường, phòng chức năng… đón nhận khoảng 450 học sinh quanh vùng
và chuẩn bị được công nhận chuẩn quốc gia. Ông khoe với 8.000m2 vườn trồng đủ
loại trái cây nên cuộc sống khá thoải mái, cả 4 người con đều vô Đại học Cần
Thơ.
Phong khí văn hoá của vùng đất từng sản
sinh ra Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (1807 - 1872); từng được cụ cử Phan Văn Trị chán
cảnh quan trường lui về ẩn dật (Nhơn Ái - Phong Điền)… được lớp cháu con tiếp
nối trong bối cảnh mới, hội nhập đầy thách thức. Trường Đại học Tây Đô, đại học
tư thục đầu tiên của vùng châu thổ có diện tích 31.000m2 toạ lạc tại phường Lê
Bình vừa được khởi công (tháng 3-2008). “Làng Đại học Quốc tế” đào tạo đa
ngành, đa chức năng nằm trên xã Nhơn Nghĩa - huyện Phong Điền (và Ba Láng -
quận Cái Răng) dự kiến sẽ thu hút khoảng 30 ngàn sinh viên Cần Thơ, ĐBSCL và cả
khối ASEAN… Dấu tích “bom kề hố bom” đã biến mất, chỉ
còn màu xanh ngút ngàn của ruộng vườn cây trái. Lộ Vòng cung sẽ trở thành vành
đai xanh – du lịch sinh thái. Nông nghiệp đô thị với những cánh đồng thu nhập
trên 50 triệu đồng/ha; một lớp nông dân mới năng động, biết ứng dụng
“chất xám”, KHCN xuất hiện ngày càng nhiều. HTX rau sạch an toàn Long Tuyền đưa
hàng trăm tấn rau sạch vào các siêu thị lớn rồi mô hình nuôi tôm càng xanh luân
canh trên ruộng lúa (xã Trường Long); trồng cam sành cho trái nghịch mùa (Mỹ
Khánh); nuôi cá trê vàng lai (Giai Xuân)… sông Hậu nhìn từ lộ Vòng Cung (ảnh: cổng thông tin điện tử Tp. Cần Thơ) Dự án tôn tạo “Làng cổ Long Tuyền” sẽ
giúp sống dậy nét đẹp văn hoá xưa. Chợ nổi Cái Răng, Phong Điền đang được quy
hoạch, nâng cấp nhằm lưu giữ, phát huy hơn nữa bản sắc sông nước miệt vườn Nam
bộ. “Làng du lịch Mỹ Khánh” đã trở thành công ty TNHH, mỗi năm thu hút hàng
chục ngàn du khách gần xa. Năm nào những cánh mai tứ quý, cúc vạn thọ, mâm xôi,
đồng tiền, dạ yến thảo... của làng hoa truyền thống Bà Bộ cũng khoe sắc rực rỡ
trên bến Ninh Kiều. Chiến tranh đã lùi xa 33 năm, lộ Vòng
cung đã sáng lắm rồi. Truyền thống anh hùng vẫn lưu chuyển mãnh liệt tạo nên
bản lĩnh, sự đi lên cho người Vòng cung.
SGGP |
|