Trung ương


Cỡ chữ: +A | -A Từ viết tắt
Ban hành khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư số 17/2015/TT-BGDĐT quy định khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài.


Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài được dùng để làm căn cứ thống nhất đánh giá năng lực tiếng Việt của người nước ngoài; làm căn cứ xây dựng chương trình, kế hoạch giảng dạy, biên soạn hoặc lựa chọn học liệu; xây dựng tiêu chí kiểm tra, đánh giá ở từng cấp học và trình độ đào tạo.

Đồng thời, làm căn cứ cho giáo viên, giảng viên lựa chọn và triển khai nội dung, cách thức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá nhằm hỗ trợ người học đạt được các yêu cầu của chương trình đào tạo; giúp người học hiểu được nội dung, yêu cầu đối với từng trình độ năng lực tiếng Việt và tự đánh giá năng lực của mình; tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác, trao đổi giáo dục, công nhận văn bằng, chứng chỉ với các quốc gia sử dụng Khung tham chiếu chung Châu Âu về ngôn ngữ.

Khung năng lực tiếng Việt được phát triển trên cơ sở tham chiếu, ứng dụng Khung tham chiếu chung Châu Âu về ngôn ngữ (CEFR), kết hợp với tình hình, điều kiện thực tế dạy, học và sử dụng tiếng Việt cho người nước ngoài. Khung năng lực tiếng Việt được chia làm 3 cấp (Sơ cấp, Trung cấp và Cao cấp) và 6 bậc (từ bậc 1 đến bậc 6, tương thích với các bậc từ A1 đến C2 trong CEFR).

Đối với bậc Sơ cấp, yêu cầu đối với học viên là hiểu các câu và cấu trúc ngôn ngữ được sử dụng thường xuyên, liên quan đến nhu cầu giao tiếp cơ bản như thông tin về gia đình, bản thân… có khả năng trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hàng ngày, mô tả đơn giản về bản thân, môi trường xung quanh và những vấn đề thuộc nhu cầu thiết yếu.

Đối với bậc Trung cấp, học viên có khả năng hiểu được ý chính của một văn bản tương đối phức tạp về các chủ đề khác nhau, có khả năng giao tiếp trôi chảy, tự nhiên với người Việt; viết được những văn bản rõ ràng, chi tiết với nhiều chủ đề khác nhau và nêu được quan điểm của mình về một vấn đề, chỉ ra được những ưu điểm, nhược điểm của các phương án lựa chọn khác nhau.

Đối với trình độ Cao cấp, học viên sẽ dễ dàng hiểu hầu hết các văn bản nói và viết. Có khả năng tóm tắt được các nguồn thông tin nói hoặc viết, sắp xếp lại và trình bày một cách logic; diễn đạt rất trôi chảy và chính xác, phân biệt được những khác biệt tinh tế về ý nghĩa trong các tình huống phức tạp.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/10/2015.

(Kèm file)


Kim Xuyến


Các tin khác:
Phương tiện thủy nội địa đưa vào hoạt động phải đăng ký  (13/01/2015)
Bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh dầu thực vật  (13/01/2015)
Đánh giá, khen thưởng học sinh tiểu học không dùng điểm số  (09/01/2015)
Thay đổi mã vùng điện thoại cố định  (07/01/2015)
Quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người tham gia bảo hiểm thất nghiệp  (07/01/2015)
<<    ...  54  55  56  57  58  ...    >>