Thông
tư quy định rõ nội dung và mức chi đặc thù của Chương trình trợ giúp người khuyết
tật. Theo đó, chi tổ chức diễn đàn, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề tư vấn phát
hiện sớm những khiếm khuyết ở trẻ trước khi sinh và trẻ sơ sinh: Nội dung và mức
chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.
Đối với
chi phục hồi chức năng và phẫu thuật chỉnh hình, đối tượng nhận hỗ trợ gồm: Trẻ
em khuyết tật dưới 6 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu
số; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng thuộc hộ nghèo, hộ cận
nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Cụ thể,
chi hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình, hỗ trợ phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng
trong trường hợp bảo hiểm y tế không thanh toán: Mức chi theo giá dịch vụ y tế
do cơ quan có thẩm quyền quy định đối với cơ sở y tế công lập tại thời điểm thực
hiện.
Chi hỗ
trợ khám sau khi phẫu thuật chỉnh hình để xác định tình trạng sức khỏe và đưa
ra giải pháp điều trị tiếp: Nội dung khám theo chỉ định của bác sỹ; mức chi
theo giá dịch vụ y tế do cơ quan có thẩm quyền quy định đối với cơ sở y tế công
lập tại thời điểm thực hiện.
Hỗ trợ
chi phí đi lại cho đối tượng nhận hỗ trợ và 01 người đi cùng (nếu có) từ nơi cư
trú đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và ngược lại: Mức hỗ trợ theo giá phương tiện
công cộng phổ thông áp dụng tại địa phương. Trường hợp bố trí bằng phương tiện
của cơ quan, đơn vị, mức hỗ trợ bằng 0,2 lít xăng/km tính theo số km thực tế và
giá xăng tại thời điểm vận chuyển. Trường hợp thuê xe bên ngoài thì giá thuê xe
theo hợp đồng thỏa thuận, phù hợp với giá cả trên địa bàn tại thời điểm thuê.
Chi hỗ
trợ tiền ăn cho đối tượng nhận hỗ trợ và 01 người đi cùng (nếu có) trong thời
gian phẫu thuật chỉnh hình: Mức hỗ trợ 70.000 đồng/người/ngày.
Chi hỗ
trợ dụng cụ, phương tiện trợ giúp cho người khuyết tật: Tùy thuộc dạng khuyết tật,
mức độ khuyết tật, người khuyết tật được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người để mua dụng
cụ, phương tiện trợ giúp phù hợp.
Chi
nhân rộng mô hình hỗ trợ sinh kế đối với người khuyết tật; xây dựng mô hình hỗ
trợ người khuyết tật khởi nghiệp; mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc
làm đối với người khuyết tật; mô hình hợp tác xã có người khuyết tật tham gia
chuỗi giá trị sản phẩm; xây dựng mô hình phòng chống dịch bệnh và giảm nhẹ
thiên tai bảo đảm khả năng tiếp cận đối với người khuyết tật; xây dựng và nhân
rộng mô hình "cây gậy trắng" chỉ dẫn thông minh đối với người khiếm
thị; mô hình sống độc lập và hòa nhập cộng đồng; xây dựng mô hình truyền thông
lồng ghép vận động hỗ trợ phụ nữ yếu thế tại cộng đồng; xây dựng mô hình phụ nữ
khuyết tật tự lực: Tùy thuộc vào nội dung của từng mô hình được cấp có thẩm quyền
phê duyệt (theo phân cấp của địa phương), Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định
áp dụng mức chi tương ứng theo quy định.