Thông tin - Tuyên truyền

Nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị

Trong các quyền được Công ước công nhận, quyền tự quyết, quyền không phân biệt đối xử, quyền của người thiểu số, là 3 quyền có vị trí đặc biệt trong ICCPR.

Ảnh minh họa

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (International Convenant on Civil and Political Rights - viết tắt là Công ước hoặc ICCPR) là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua cùng với Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. ICCPR có hiệu lực từ ngày 23-3-1976. Tầm quan trọng và ý nghĩa của ICCPR được thể hiện ở chỗ có 168 nước đã phê chuẩn Công ước này (tính đến tháng 7-2015). Kể từ khi Việt Nam gia nhập ICCPR năm 1982, Bộ ngoại giao là cơ quan được giao làm đầu mối thực hiện Công ước này. Hiện Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng báo cáo quốc gia lần thứ ba về thực thi Công ước. ICCPR điều chỉnh những quyền cơ bản của con người thuộc phạm trù các quyền dân sự, chính trị. Các bên tham gia ký kết sẽ phải tôn trọng các quyền dân sự và chính trị của từng cá nhân, bao gồm quyền sống, quyền tự do tôn giáo, tự do phát biểu, tự do hội họp, quyền bầu cử và quyền được xét xử bình đẳng và theo đúng trình tự pháp luật…ICCPR gồm 6 phần, 53 điều. Trong các quyền được Công ước công nhận, có ba quyền có vị trí đặc biệt trong ICCPR.

Quyền tự quyết: Đây là một quyền tập thể thuộc về các dân tộc, có ý nghĩa đối với việc bảo đảm tất cả các quyền con người khác. Theo đó, Công ước công nhận quyền tự quyết của mọi dân tộc, bao gồm quyền được “tự do định đoạt thể chế chính trị và theo đổi đường hướng phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa” trong điều kiện thực tế của mình. Công nhận rằng quyền sinh kế của một dân tộc không bao giờ bị tước bỏ. Để đạt được mục tiêu này, các dân tộc có quyền tự do sử dụng các nguồn lợi thiên nhiên của mình, miễn là không vi phạm những nghĩa vụ phát sinh từ sự hợp tác quốc tế về kinh tế, đặt căn bản trên quyền lợi hỗ tương và luật pháp quốc tế. Các quốc gia thành viên ký kết Công ước này, kể cả những quốc gia có trách nhiệm bảo hộ hay giám hộ các lãnh thổ khác, phải tôn trọng và xúc tiến việc thực thi quyền dân tộc tự quyết chiếu theo các điều khoản của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Quyền không phân biệt đối xử: Đây là một nguyên tắc bao trùm, đòi hỏi bảo đảm khi thực hiện các quyền con người. Theo đó, Công ước yêu cầu các bên tham gia ký kết thực hiện các bước cần thiết để hiện thực hóa các quyền được công nhận trong Công ước, đồng thời trừng phạt và sửa chữa bất kỳ vi phạm nào trong quá khứ và hiện tại. Các bên tham gia phải cam kết tôn trọng và bảo đảm thực thi những quyền được thừa nhận trong Công ước cho “tất cả mọi người sống trong lãnh thổ và thuộc thẩm quyền quốc gia, không phân biệt chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác”, đồng thời ghi nhận nam, nữ được hưởng các quyền về dân sự và chính trị nêu trong Công ước một cách bình đẳng. Những quyền này “chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp khẩn cấp đe dọa đến sự tồn vong của một quốc gia” và ngay cả trong trường hợp đó cũng không tha thứ bất kỳ hành vi nào xâm phạm các quyền được sống, quyền không bị tra tấn và bị bắt làm nô lệ, quyền miễn trừ hồi tố, quyền được giữ nguyên chính kiến, quyền tự do tư tưởng - lương tâm và tôn giáo.

Quyền của người thiểu số: Công ước quy định về quyền của người thiểu số thuộc các nhóm thiểu số về sắc tộc, ngôn ngữ hay tôn giáo. Quy định nêu rõ: “Ở những nước có nhiều nhóm dân tộc thiểu số, tôn giáo và ngôn ngữ, thì những cá nhân thuộc các dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ thiểu số đó, cùng với những thành viên khác của cộng đồng mình, không thể bị tước bỏ quyền có đời sống văn hóa riêng, hoặc quyền sử dụng tiếng nói riêng”.

Mộng Châu (Nguồn: Báo Cần Thơ)


Các tin khác:
Một số thông tin về tác hại của việc sử dụng “thuốc lá điện tử”, “thuốc lá nung nóng”  (01/06/2023)
Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ X năm 2023  (18/04/2023)
Khung chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho cộng đồng và cán bộ các cấp triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi  (04/01/2023)
Cần Thơ: Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc sử dụng Internet, mạng xã hội  (21/11/2022)
Cần Thơ: Tăng cường kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm tốc độ, nồng đô cồn  (04/10/2022)
12345678910