Trong đó,
những cuộc tụ tập ở tỉnh Bình Thuận còn gây mất an ninh trật tự và thậm chí,
một số đối tượng quá khích còn đập phá trụ sở UBND, đốt ô tô, phá hủy tài sản
của tổ chức, cá nhân. Ngày 12-6, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương
Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Bùi Thị Thanh (ảnh) đã trao đổi về vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: Từ góc nhìn của MTTQ Việt Nam, bà nhìn nhận thế nào
về những sự việc vừa qua?
Bà BÙI THỊ THANH: Chúng tôi đã có đánh giá sơ bộ sự việc trong những ngày
qua. Nguyên nhân chính là do các lực lượng chống đối, một số phần tử xấu lợi
dụng khi Quốc hội bàn dự thảo Luật Đặc khu, lợi dụng lòng yêu nước của người
dân để kích động, lôi kéo; người dân chưa có đầy đủ thông tin nên đã tham gia
các hoạt động nói trên. Đây là điều rất đau xót, đáng tiếc, làm ảnh hưởng
nghiêm trọng tới an ninh trật tự, an toàn xã hội, làm xấu hình ảnh của Việt Nam
trong mắt bạn bè quốc tế.
Nguyên nhân được đưa ra cho các cuộc
biểu tình tự phát này là nhằm phản đối dự thảo Luật Đặc khu quy định cho thuê
đất lên tới 99 năm. Lắng nghe ý kiến của nhân dân, Chính phủ đã trình Quốc hội
lùi thời hạn xem xét thông qua luật này, khẳng định không đề xuất thời hạn cho
thuê đất 99 năm. Thế nhưng sau đó, những cuộc tụ tập tự phát với biểu ngữ “phản
đối đặc khu” vẫn cứ diễn ra. Bà nghĩ sao về diễn biến của một sự việc được mang
danh là “yêu nước” như vậy?
Lòng yêu nước chân chính không bao
giờ song hành cùng chủ nghĩa cực đoan, không đồng nghĩa với hành động quá khích.
Lòng yêu nước được thể hiện một cách đúng đắn, tỉnh táo và sáng suốt mới là
nguồn lực quan trọng để củng cố, tăng cường thêm sức mạnh cho khối đại
đoàn kết toàn dân tộc. Người dân Việt Nam với tình cảm yêu nước đừng để lòng
yêu nước đó bị kẻ xấu lợi dụng.
Quốc hội và Chính phủ luôn cầu thị,
lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân. MTTQ Việt Nam cũng đã tham gia phản
biện dự thảo luật thông qua các ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân theo hệ
thống MTTQ, qua các hội nghị góp ý phản biện của MTTQ Việt Nam với nhiều ý kiến
trách nhiệm của các nhà khoa học, những trí thức và các tầng lớp nhân dân ở địa
phương.
Được bày tỏ chính kiến, kiến nghị đề
xuất về một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước là nhu cầu chính đáng của người
dân. Hiện người dân có thể đóng góp ý kiến tâm huyết, bày tỏ thái độ, chính
kiến của mình trước những vấn đề quan trọng của đất nước qua các kênh nào?
Người dân có thể góp ý xây dựng Nhà nước qua các kênh thông tin chính thống
thông qua hệ thống MTTQ các cấp, qua kênh báo chí chính thống.
Các trang mạng xã hội cũng là một
kênh tham khảo, tuy nhiên cách nghe, cách tiếp cận thông tin phải có định hướng
để hướng cho người dân hiểu biết sâu hơn về lĩnh vực đó, để không bị lợi dụng,
kéo theo các trang mạng xã hội để tin theo những suy diễn lệch lạc.
MTTQ Việt Nam với vai trò là trung
tâm đại đoàn kết toàn dân tộc, đại diện cho ý chí và nguyện vọng chính đáng của
các tầng lớp nhân dân, có trách nhiệm tiếp nhận ý kiến của nhân dân tham gia
đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền. Người dân có thể thông qua các tổ
chức thành viên, qua hệ thống MTTQ các cấp để lắng nghe ý kiến của đoàn viên,
hội viên và các tầng lớp nhân dân trên cơ sở đó tổng hợp báo cáo với Ủy ban
Thường vụ Quốc hội, các cơ quan soạn thảo các dự thảo về dự án, kế hoạch chính
sách, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp
chính đáng của người dân.
Người dân thể hiện sự quan tâm, lo
lắng cho công việc quốc gia là điều đáng quý, đáng trân trọng, là điều nên
thường trực ở mỗi công dân. Nhưng nếu thiếu bình tĩnh, sáng suốt, chính những
sự quan tâm ấy lại trở thành sự cản trở đối với sự phát triển của đất nước.
Qua vụ việc liên quan dự thảo luật
về đặc khu, theo bà, làm sao để giải quyết tận gốc vấn đề này để tránh những
trường hợp tái diễn trong tương lai?
Trước diễn biến trong những ngày
qua, chúng ta cần nhớ lại lời dạy và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải
dựa vào dân, thấu hiểu lòng dân, lắng nghe ý kiến của dân, phải nói cho dân
hiểu và làm cho dân tin. Trước mắt phải tăng cường phối hợp để thực hiện tốt
công tác tuyên truyền, vận động giải thích để người dân hiểu đúng sự cần thiết
phải ban hành các dự thảo luật mà Quốc hội đang chuẩn bị. Đồng thời, vận động
để người dân thấy được ảnh hưởng từ việc bị lôi kéo kích động, tác động, ảnh hưởng
trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của chính họ. Ủy ban Trung ương
MTTQ Việt Nam cũng đã có đoàn công tác đến với nhân dân Bình Thuận để lắng nghe
tâm tư, nguyện vọng của bà con.
Chúng ta cần tổ chức các cuộc đối
thoại, tọa đàm để người dân trao đổi thông tin, phản ánh tâm tư nguyện vọng, từ
đó lắng nghe, tiếp thu ý kiến, có sự phối hợp với các cơ quan liên quan đưa ra
các giải pháp phù hợp, sát thực tế. Mỗi người dân cần tin tưởng tuyệt đối vào
sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, để thể hiện lòng yêu nước của mình cho đúng,
tránh tình trạng bị lợi dụng, kích động.
Đối với những hành vi gây rối, quá
khích đập phá, vi phạm pháp luật gây thiệt hại về kinh tế và trật tự an toàn xã
hội cần xử lý nghiêm theo quy định để người dân không bị lôi kéo bởi những đối
tượng đó. Đặc biệt, MTTQ các cấp cần phối hợp với khối dân vận tăng cường công
tác tuyên truyền, vận động “nghe dân nói, nói cho dân hiểu và làm cho dân tin”
để góp phần cùng Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương sớm ổn định trở lại
cuộc sống bình thường.
Xin cảm ơn bà!