Bản tin dân tộc

Vai trò của đồng bào Khmer trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của thành phố

Người Khmer là một trong 28 dân tộc sinh sống trên địa bàn thành phố với tổng số 5.740 hộ, 22.705 người, chiếm 1,8% trên tổng dân số toàn thành phố và chiếm 58,3% trên tổng dân số DTTS. Cũng như người Kinh và một số dân tộc khác, người Khmer Cần Thơ có một số là cán bộ, công chức (toàn thành phố có 289 người là cán bộ, công chức dân tộc Khmer), làm thuê, một ít hộ làm dịch vụ hoặc mua bán nhỏ… nhưng đại đa số là làm nghề nông, đây được xem là nghề chính của đồng bào dân tộc Khmer. Nhiều năm qua, đồng bào dân tộc Khmer cùng với các dân tộc khác có vai trò quan trọng trong việc phát triển chung của thành phố.

Nghề đan lục bình đã và đang mang lại nguồn thu nhập cho nhiều phụ nữ dân tộc Khmer ở huyện Cờ Đỏ

Trong phát triển kinh tế người Khmer Nam bộ có rất nhiều ngành nghề truyền thống vẫn còn được lưu truyền và phát triển tới ngày nay như: nghề nông, nghề đánh cá, nghề đan đát, dệt chiếu, chăn nuôi gia súc, thợ hồ, thợ mộc, nghề vẽ, chạm khắc, đúc tượng, xây cất chùa, nghề làm nồi đất, cà ràng, nghề làm đường Thốt Nốt, nghề lấy phân dơi… Tuy nhiên, tại Cần Thơ, đồng bào Khmer có những ảnh hưởng nhất định đến việc phát triển kinh tế của thành phố chủ yếu bằng các ngành, nghề như:

Nghề nông: các sản phảm chủ yếu từ nghề này là lúa, hoa màu, trâu, bò, heo, gà, vịt… tuy nhiên các sản phẩm hiện nay sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, bà con thường gặp phải tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa.


Mô hình chăn nuôi bò của hộ chị Thạch Thị Sà Lan (hộ nghèo Khmer), ấpThới Trường 1, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ được vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội, đã thoát nghèo năm 2018

Nghề đan đát: người Khmer rất khéo tay trong việc đan các đồ dùng bằng tre, trúc, lục bình như: thúng, rổ, giỏ xách tay và các đồ nghề đánh bắt cá như nôm, lờ, lợp… những sản phảm xài bền, giá cả phải chăng. Hiện nay Ban Dân tộc thành phố đã  thực hiện xong Dự án khoa học và công nghệ cấp thành phố “Dạy nghề và chữ viết Khmer cho người dân tộc Khmer tại huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ” trong đó có tổ chức 02 lớp dạy nghề đan lục bình cho 60 người là đồng bào dân tộc Khmer huyện Cờ Đỏ nhằm bảo tồn, phát huy ngành nghề truyền thống vừa tạo thu nhập cho bà con. Hiện ngành nghề này còn sản xuất nhiều ở huyện Cờ Đỏ, quận Ô Môn, Thốt Nốt.

Ngoài ra, người Khmer có lực lượng lao động khá dồi dào, đây cũng là một nguồn lực lượng đóng góp cho sự phát triển chung của thành phố.

Trong xây dựng, phát triển đời sống văn hóa – xã hội, người Khmer có bản sắc văn hóa đặc trưng, độc đáo và lâu đời, điều đó đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc, những năm qua thành phố hỗ trợ trên 600 triệu đồng để xây dựng mới 02 lò hỏa táng và sửa chữa 02 lò, đáp ứng nhu cầu về tang chế của  đồng bào dân tộc Khmer; Hỗ trợ trên 500 triệu đồng đóng 02 chiếc ghe Ngo; trang bị 07 dàn nhạc Ngũ âm, trị giá 350 triệu đồng; tổ chức lớp đào tạo nhạc công ngũ âm cho con em đồng bào dân tộc Khmer. Bảo tàng thành phố Cần Thơ đã sưu tầm và trưng bày hơn 309 hiện vật và 206 hình ảnh dân gian dân tộc Khmer Nam Bộ; thực hiện 02 dự án văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một: Truyền dạy kỹ thuật cắt, may trang phục tu sĩ truyền thống, dân tộc Khmer; khôi phục và truyền dạy nghi thức dẫn dắt linh hồn của Achar Yuki trong lễ tang truyền thống dân tộc Khmer; khôi phục Lễ hạ thủy ghe Ngo; nghệ thuật múa hát Dù Kê của đồng bào Khmer thành phố Cần Thơ; … đưa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Khmer và các dân tộc khác vào Chương trình “Sắc Xuân miệt vườn” được tổ chức hàng năm tại Bảo tàng thành phố. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của nhà nước không thể đóng vai trò quyết định đối với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, mà yếu tố quyết định đó là bản thân đồng bào dân tộc Khmer, họ chính là những người có vai trò rất quan trọng trong việc khôi phục và duy trì các loại hình văn hóa truyền thống của các dân tộc mình.


Dàn nhạc ngũ âm của đồng bào dân tộc Khmer

Về tôn giáo, tín ngưỡng, thành phố có 12 chùa phật giáo Nam tông Khmer (trong đó Chùa Pô thi Som rôn, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp thành phố). Với đồng bào dân tộc Khmer, ngôi chùa không chỉ là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, mà còn được xem là “trung tâm văn hóa – xã hội” là “ngôi nhà chung” của đồng bào dân tộc Khmer vì thế, người Khmer xem chùa của họ là nơi thiêng liêng, nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng trong tương lai, đồng thời ngôi chùa đối với họ là niềm tự hào của phum, sóc, họ không tiếc công sức để đóng góp cho ngôi chùa của cộng đồng dân tộc mình ngày một khang trang, và họ tin rằng việc làm ấy sẽ mang lại nhiều công đức, may mắn, gặp được nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Qua đó, góp phần rất lớn vào việc bảo vệ và lưu giữ các di sản văn hóa đặc trưng của chính dân tộc mình, đồng thời làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của thành phố. 


Một góc Chùa Pôthisômrôn quận Ô Môn - Di tích lịch sử, văn hóa cấp thành phố

Người Khmer có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn phát triển ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc. Tại thành phố Cần Thơ tiếng Khmer và tiếng Hoa là 2 ngôn ngữ dân tộc thiểu số được sử dụng khá phổ biến và được sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng, cụ thể: thành phố có Chương trình phát thanh, truyền hình tiếng Khmer phát sóng 60 phút/ngày; Trung tâm THVN tại thành phố Cần Thơ phát sóng tiếng Khmer 5 giờ/ngày; thành phố có Báo Cần Thơ Khmer ngữ; thực hiện các Tài liệu song ngữ Việt – Khmer để tuyên truyền; Ban Dân tộc thành phố có Cổng thông tin điện tử tiếng Khmer phục vụ hiệu quả công tác tuyên truyền bằng tiếng Khmer trong cộng đồng dân tộc. Hiện nay, Dự án khoa học cấp thành phố “Dạy nghề và chữ viết Khmer cho người dân tộc Khmer tại huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ”, trong đó có tổ chức Lớp Dạy chữ viết Khmer cho bà con, đây cũng là một trong những nỗ lực nhằm bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn thành phố.

Những năm qua, đồng bào dân tộc Khmer chấp hành tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động như: “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; Phong trào đoàn kết giúp nhau giảm nghèo; Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và Phong trào “xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nếp sống văn hóa – văn minh đô thị”... qua đó có những đóng góp thiết thực cho việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững quốc phòng  - an ninh trên địa bàn thành phố. Hầu hết các hộ gia đình dân tộc Khmer đều đăng ký phấn đấu xây dựng gia đình văn hóa, góp phần nâng tỷ lệ các xã, phường, thị trấn được công nhận danh hiệu “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đạt 88% và có 36/36 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, toàn thành phố có 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy đồng bào Khmer có vai trò quan trọng trên các lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa – xã hội của thành phố nhưng mức độ ảnh hưởng còn khá khiêm tốn, nhất là trên lĩnh vực kinh tế; người Khmer tuy có lực lượng lao động khá dồi dào, nhưng phần lớn là lao động phổ thông, chưa có hoặc có trình độ tay nghề chưa cao; công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer gặp rất nhiều khó khăn, rất nhiều bà con chỉ biết tiếng nói nhưng không biết viết, một bộ phận không biết cả nói lẫn chữ viết. Đây cũng là một trong những vấn đề mà các cấp ủy Đảng, chính quyền và đồng bào dân tộc Khmer cần đặc biệt quan tâm, có những giải pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Hoàng phong


Các tin khác:
Đồng bào Khmer rộn ràng chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024  (17/04/2024)
Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây và việc bảo tồn giá trị văn hóa Khmer trên địa bàn thành phố Cần Thơ  (22/03/2024)
Thành Phố Cần Thơ: diện mạo mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số  (20/03/2024)
Nhìn lại chặng đường 20 năm công tác dân tộc  (26/02/2024)
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số ở thành phố Cần Thơ  (05/02/2024)
12345678910