Cách mạng tháng Tám là
một trong những trang sử vẻ vang nhất, chói lọi nhất của lịch sử dựng nước và
giữ nước của dân tộc Việt Nam. Thành quả Cách mạng tháng 8 có đóng góp to lớn
của đồng bào các DTTS, cả về sức người, sức của cũng như sự chuẩn bị về căn cứ
địa, điểm tựa để Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi.
Lật lại những trang sử
vàng của dân tộc, từ khi Đảng Cộng sản thành lập, đồng bào các DTTS đã một lòng
đi theo Đảng. Từ những “hạt giống đỏ” đầu tiên như: Hoàng Đình Dong, Hoàng Văn
Thụ, Hoàng Như… đã tập hợp tinh thần đoàn kết yêu nước, thổi bùng ngọn lửa cách
mạng, đứng lên giành độc lập tự do.
Và rồi, ngày 27/9/1940,
dưới sự lãnh đạo của Đảng, khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ, đồng bào các DTTS đã nổi
dậy, xóa bỏ chính quyền tay sai, thành lập đội du kích hơn 200 người. Về sau,
du kích Bắc Sơn mà nòng cốt là con, em đồng bào DTTS ở các vùng khác nhau đã
phát triển thành Cứu quốc quân, một trong những đội quân tiền thân của Quân đội
Nhân dân Việt Nam. Trong 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân
ngày thành lập, có 29 người là DTTS.
Đồng bào DTTS cũng đã
tích cực chuẩn bị căn cứ địa, “điểm tựa” để tiến hành Tổng Khởi nghĩa. Đó là
căn cứ địa Việt Bắc, bao gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên,
Tuyên Quang, Hà Giang và một phần các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang, Yên Bái, Vĩnh
Yên. Tại khu căn cứ địa cách mạng này, ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội thành
lập Chính phủ lâm thời ra lệnh Tổng Khởi nghĩa.
Vùng
DTTS và miền núi đang đứng trước cơ hội lịch sử khi Chương trình mục tiêu quốc
gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã được phê
duyệt
Cuộc Cách mạng tháng Tám
năm 1945 đã giành được thắng lợi vang dội. Ðánh giá ý nghĩa lịch sử của Cách
mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chẳng những giai cấp lao động và
Nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp
bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử
cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Ðảng mới 15 tuổi đã
lãnh đạo Cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.
75 năm kể từ ngày Cách
mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn, bước
ngoặt, vượt qua nhiều thử thách và từng bước phát triển, hội nhập sâu, rộng với
thế giới. Đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, sau 75 năm, với sự quan tâm
đặc biệt của Đảng, Nhà nước đã có sự chuyển mình mạnh mẽ.
Sau 75 năm, nước ta đang
bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) và Chiến lược phát triển kinh
tế - xã hội (KT-XH) 10 năm (2021 - 2030). Đối với vùng DTTS và miền núi đang
đứng trước cơ hội lịch sử khi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH
vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã được phê duyệt.
Ôn lại những năm tháng
lịch sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc, chúng ta lại càng nhận thức đầy đủ trách
nhiệm trong việc vận dụng và phát triển những bài học kinh nghiệm quý giá của
Cách mạng tháng Tám, của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 75 năm qua. Chặng
đường phát triển trước mắt có cả thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen. Nhưng
trên hết cả, ý nghĩa lịch sử, giá trị thời đại, sức sống mãnh liệt của Cách
mạng tháng Tám suốt 75 năm vẫn được giữ gìn và ngày càng lan tỏa, tiếp thêm sức
mạnh cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta trên hành trình với những thời cơ,
thách thức và vận hội mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh.