Bản tin dân tộc

Tết Nguyên Tiêu của đồng bào người Hoa

Tiết Nguyên tiêu (hay Tết), còn gọi là Tiết Thượng Nguyên, được diễn ra vào đêm Trăng tròn đầu tiên của năm, là một trong những ngày tết quan trọng trong phong tục của Việt Nam và một số nước Châu Á. Tết vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc, được xem là ngày lễ rất quan trọng sau tết Nguyên đán. Nếu Tết Nguyên đán là dịp để tất cả các gia đình đoàn tụ, cúng Gia tiên, quây quần bên mâm cơm gia đình sau một thời gian dài đi làm ăn xa, thì Tiết Nguyên tiêu là dịp để mọi người đến viếng chùa lễ Phật cầu cho một năm mới bình an, giải cúng sao hạn, mua mai bán đắc, mọi điều tốt lành….

Hiệp Thiên Cung Cái Răng – Thành phố Cần Thơ

Lý giải nguồn gốc Tết Nguyên tiêu, người dân lưu truyền rằng: Thuở xưa, Ngọc Hoàng có một con thiên nga quý. Trong một lần dạo chơi ở trần gian không may bị người phàm bắn chết. Tức giận, Ngọc Hoàng sai Thiên lôi vào ngày Rằm tháng Giêng thiêu rụi trần gian. Vài vị tiên do thương cảm dân chúng đã chỉ dạy rằng, vào đêm trăng rằm tháng Giêng, hãy treo lồng đèn đỏ trước cửa nhà để trần gian sáng rực như hỏa hoạn, nhằm che mắt Ngọc Hoàng. Từ đó về sau, cứ đến Rằm tháng Giêng, khắp nơi dưới trần gian đều rực sáng ánh đèn đỏ.


Lại có thuyết kể rằng, vào thời Hán Vũ Đế bên Trung Quốc, có nàng cung nữ tên Nguyên Tiêu do quá lâu không được về thăm nhà mà buồn bã muốn gieo mình bên giếng tự vẫn. May gặp vị quan tên Đông Phương Sóc kịp thời cứu giúp, bày kế cho nàng được về thăm nhà. Ông tâu lên vua rằng ông bói được quẻ “Rằm tháng Giêng lửa bén đến thân”, mong vua cho đốt đèn lồng treo khắp kinh thành, và lệnh người dân vào thành xem hoa đăng tiêu tai giải hạn. Vào đêm ấy, nàng Nguyên Tiêu nhân lúc đông đúc nhộn nhịp mà lén về gặp được người thân, đoàn viên gia đình. Ngoài ra còn rất nhiều truyền thuyết nói về tiết Nguyên tiêu.

Trải qua quá trình giao thoa văn hóa, ý nghĩa Tết Nguyên tiêu và các hoạt động diễn ra ở từng địa phương có ít nhiều thay đổi. Trong những ngày này khắp nơi diễn ra nhiều hoạt động lễ hội, vui chơi giải trí rất đa dạng, phong phú. Như thắp nhang vòng cầu an, cầu phúc, trình diễn ca kịch cổ truyền, âm nhạc Đại la cổ, múa lân sư rồng, diển hành đường phố được hóa trang với các nhân vật có trong truyền thuyết hay lịch sử rất náo nhiệt.

Từ năm 2020, Tập quán xã hội và và Tín ngưỡng lễ hội Tết Nguyên tiêu của người Hoa quận 5 thành phố Hồ Chí Minh đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Điều này khằng định Tết Nguyên tiêu là một lễ hội truyền thống đặc sắc; đáng được phát huy, lưu giữ khắp cộng đồng người Hoa trên cả nước.


Trong không khí vui tươi của những ngày đầu năm mới. Tết Nguyên tiêu, tại di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia Hiệp Thiên Cung Cái Răng – Thành phố Cần Thơ thường diễn ra các hoạt động như đấu thỉnh thánh đăng, chương trình giao lưu văn nghệ, bốc thăm trúng thưởng,… và đặc biệt là mọi người đến “vay phú” – một hình thức cầu xin sự phù hộ của Đức Quan Thánh Đế Quân cho một năm làm ăn phát đạt, một cổ lệ được lưu giữ đến ngày nay. Năm nay do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid – 19, Tết Nguyên tiêu được tổ chức với quy mô nhỏ gọn hơn, chỉ đón khách đến dâng hương và “vay phú” trong ánh đèn lồng trang hoàng khắp sân. Người dân đến chiêm bái đều tuân thủ nguyên tắc 5K theo quy định phòng chống dịch với hy vọng một năm mới đến dịch bệnh được đẩy lùi, người dân lại an cư lạc nghiệp, gia đình đoàn viên.


Đỗ Khén - BQT Hiệp Thiên Cung Cái Răng


Các tin khác:
Ông Liêu Ngọc Lượm người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số  (07/05/2024)
Đồng bào Khmer rộn ràng chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024  (17/04/2024)
Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây và việc bảo tồn giá trị văn hóa Khmer trên địa bàn thành phố Cần Thơ  (22/03/2024)
Thành Phố Cần Thơ: diện mạo mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số  (20/03/2024)
Nhìn lại chặng đường 20 năm công tác dân tộc  (26/02/2024)
12345678910