Bản tin dân tộc

Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer

Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer, mang ý nghĩa đón mừng năm mới, chấm dứt mùa khô, nắng hạn để chuẩn bị cho vụ mùa mới, kéo dài trong 3 ngày. Theo lịch Khmer, Tết Chol Chnam Thmay diễn ra vào giữa tháng Tư Dương lịch và không có ngày cố định (năm nay diễn ra từ ngày 14/4 đến 16/4).

Chùa Putikhôsarăngsây, còn gọi là chùa Viễn Quang, phường An Cư, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

Trước Tết Chol Chnam Thmay khoảng nửa tháng, đồng bào Khmer tất bật chuẩn bị sửa sang nhà cửa, làm bánh trái, may quần áo mới. Anh chị em ở xa cũng trở về gia đình để thăm cha mẹ. Trước thì thăm cha mẹ, còn anh em tập trung nhau lại làm cơm để cùng nhau ngồi ăn rồi hỏi thăm chuyện trò. Ở nhà cũng làm một măm cơm để cúng ông bà, rước năm mới, dọn bàn thờ, trang trí nhà cửa để đón con cháu về đầy đủ xong đem vô chùa, trước thì dâng cho sư, sau mình cúng ông bà.

Ba ngày Tết của người Khmer, mỗi ngày lại có tên gọi khác nhau và hầu hết các hoạt động lễ hội đều được tổ chức tại chùa.

Ngày thứ nhất gọi là “Maha Songkran”, đây là ngày mọi người đến chùa dâng hương, cúng tế tổ tiên. Vào dịp này, người Khmer sẽ dùng nước thơm để rửa mặt buổi sáng, tắm rửa thân thể vào buổi chiều và rửa chân vào buổi tối.

Ngày thứ hai gọi là “Virak Wanabat”, đây là ngày mọi người sẽ làm từ thiện cho những người bất hạnh.

Ngày thứ ba gọi là “Tngay Leang Saka”, đây là ngày mọi người dung nước thơm để tắm Phật, trẻ nhỏ dùng nước thơm để rảy lên người các bậc trưởng bối, họ cho rằng làm như thế sẽ đem đến sự trường thọ và hạnh phúc. Và đây là ngày quan trọng nhất vì ngày này được xem như là ngày trả nợ, trả lễ, báo hiếu cho ông bà, tổ tiên, ơn Phật. Nếu ai vắng mặt vào ngày này sẽ bị coi như chưa đi chùa, chưa hành lễ báo hiếu cho tổ tiên, chưa xóa bỏ nợ nần.

Trước Tết khoảng 1 tuần, các ngôi chùa của người Khmer như bừng lên một sức sống mới. Tượng Phật, chính điện, cổng chào được sơn son thiếp vàng, khuôn viên chùa trang hoàng lộng lẫy.

Tục ''Đắp núi cát'' là một trong những nghi thức không thể thiếu trong Tết Chol Chnam Thmay của người Khmer. Cát sạch được đổ thành từng đống quanh đền thờ Phật, chung quanh sân chính điện. Đắp những núi cát nhỏ theo tám hướng, núi thứ chín ở giữa là trung tâm trái đất. Nghi lễ này gọi là Anisâng Pun Phnôm Khsách. ''Phúc duyên đắp cát'' là một phong tục nhằm tích phước, tích đức vào dịp Tết Chol Chnam Thmay của người Khmer Nam Bộ.

Tết Chol Chnam Thmay có vai trò quan trọng trong đời sống cũng như tín ngưỡng của người Khmer nói riêng và phật giáo Nam tông nói chung. Khác với giao thừa trong Tết cổ truyền của người Kinh, tùy vào từng năm mà thời khắc giao thừa của Tết Chol Chnam Thmay diễn ra không cố định có thể vào sáng, trưa, chiều hay tối để hoàn thành chu kỳ là 365 ngày. Trong đêm giao thừa, mọi nhà đốt đèn, thắp hương, làm lễ đưa Têvôđa năm cũ và rước Têvôđa năm mới. Theo quan niệm của người Khmer Nam Bộ, họ tin rằng, Têvôđa là một vị tiên được trời phái xuống trần gian chăm lo cho dân chúng trong một năm. Cũng như Tết cổ truyền của các dân tộc khác, Tết Chol Chnam Thmay có ý nghĩa quan trọng đối với người Khmer Nam Bộ vì đây là ngày mở đầu năm mới, mở đầu thời vụ mới, cũng là ngày hạnh phúc tươi vui nhất trong năm mới.

Trường Phục


Các tin khác:
Đồng bào Khmer rộn ràng chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024  (17/04/2024)
Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây và việc bảo tồn giá trị văn hóa Khmer trên địa bàn thành phố Cần Thơ  (22/03/2024)
Thành Phố Cần Thơ: diện mạo mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số  (20/03/2024)
Nhìn lại chặng đường 20 năm công tác dân tộc  (26/02/2024)
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số ở thành phố Cần Thơ  (05/02/2024)
12345678910