Bản tin dân tộc

Người góp phần bảo tồn văn hóa Khmer Nam Bộ

Với nghệ nhân Ưu tú Lâm Thị Hương, nghệ thuật Rô băm Khmer Nam Bộ không chỉ là niềm đam mê mà còn là trách nhiệm. Hàng chục năm qua, bà đã biểu diễn, truyền dạy cho các thế hệ trẻ nhằm bảo tồn loại hình văn hóa cổ này.

Từ nhỏ, nghệ nhân Lâm Thị Hương đã được sống trong không gian nghệ thuật sân khấu Rô băm của Đoàn Rô băm Bưng Chông mà cha bà là trưởng đoàn. Là con nhà nòi, nghệ nhân Lâm Thị Hương được truyền dạy múa từ khi còn nhỏ, đến năm 13 tuổi bà đã chính thức bước lên sân khấu biểu diễn Rô băm cùng gia đình. Hiện nay, với trọng trách là Trưởng đoàn Nghệ thuật Rô băm Ba Sak Bưng Chông, nghệ nhân Lâm Thị Hương đã cùng các thành viên trong gia đình say mê luyện tập nhiều tiết mục trình diễn đặc sắc, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Khmer Nam Bộ.

Nghệ thuật biểu diễn Rô băm đòi hỏi phải có tính chuyên nghiệp cao, người nghệ sĩ trình diễn phải đa năng, thể hiện được hầu hết các vai trong vở diễn từ vai thiện đến vai ác của các chuyện xưa tích cũ (thần thoại, truyền thuyết, lịch sử…). Đồng thời, mỗi diễn viên cũng là những nhạc công chơi thuần thục nhiều loại nhạc cụ và cũng là những nghệ nhân tài hoa tự chế tác các đạo cụ để trình diễn như mặt nạ, mũ mão, trang phục… Ngoài vũ đạo là ngôn ngữ biểu cảm chính, vũ kịch Rô băm còn có những quy chuẩn rất chặt chẽ về trang phục theo các tuyến nhân vật, đặc biệt là mặt nạ và mũ là trang phục không thể thiếu trong biểu diễn Rô băm. Đây cũng là loại hình nghệ thuật tổng hợp bao gồm múa, hát, âm nhạc, trang phục rất đặc trưng và tổ chức sân khấu rất quy chuẩn, phức tạp.


Ngày càng nhiều du khách thích thú nghệ thuật Rô băm

Không chỉ đam mê, tâm huyết với vũ kịch Rô băm, bà Hương thực sự là một nghệ nhân đa năng, đa tài. Bà vừa là diễn viên múa, vừa là nhạc công sử dụng thuần thục các loại nhạc cụ, đến nghệ nhân chế tác đạo cụ, truyền dạy nghề cho các thế hệ kế tục. Ngoài truyền dạy vũ kịch Rô băm cho lớp trẻ ở các phum, sóc địa phương, nghệ nhân Lâm Thị Hương còn tham gia truyền dạy đào tạo nhiều thế hệ diễn viên trẻ theo lời mời của các đoàn nghệ thuật Rô băm Khmer các tỉnh khu vực Tây Nam bộ.

Từ giữa năm 2016, vợ chồng bà đã được Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) mời ra phục dựng lại sân khấu cổ Rô băm. Những ngày mới ra Hà Nội, nhiều đêm bà trằn trọc không ngủ được. Nghệ thuật múa Rô băm còn rất mới lạ với người miền Bắc, ít người quan tâm hoặc xem giữa chừng thì họ bỏ về. Thế nhưng bà và các thành viên trong gia đình không nản chí, vẫn miệt mài đem tài năng, nhiệt huyết của mình biểu diễn nghệ thuật Rô băm đến với khán giả Thủ đô. Bà Hương không nhớ nghệ thuật Rô băm đã được gia đình bà biểu diễn giới thiệu, tái hiện tại không gian “Ngôi nhà chung” bao nhiêu lần nhưng du khách đã dần cảm nhận được loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Với những đóng góp của mình, tháng 3/2019, bà Lâm Thị Hương đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Và đến tháng 9/2019, sân khấu cổ Rô băm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thu Hiền (Nguồn: Thảo My, Báo Công thương)


Các tin khác:
Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây và việc bảo tồn giá trị văn hóa Khmer trên địa bàn thành phố Cần Thơ  (22/03/2024)
Thành Phố Cần Thơ: diện mạo mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số  (20/03/2024)
Nhìn lại chặng đường 20 năm công tác dân tộc  (26/02/2024)
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số ở thành phố Cần Thơ  (05/02/2024)
Sắc xuân ở vùng cực Bắc Tây Nguyên  (02/02/2024)
12345678910