Bản tin dân tộc

Người cựu chiến binh đam mê truyền thụ tình yêu âm nhạc dân tộc

Cựu chiến binh Lương Xuân Dán, sinh năm 1947, dân tộc Tày, ở thôn Đức Uy, xã Trung Sơn (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) là một người lính có niềm đam mê âm nhạc bất tận.

Cựu chiến binh Lương Xuân Dán.

Ở tuổi 73, ông không những thuộc nhiều bài Then cổ như Tàng Bốc, Tàng Nặm của người Tày, mà còn am hiểu và chơi tốt 15 loại nhạc cụ khác nhau.

Ông Dán từng tham gia lái xe phục vụ chiến đấu, chi viện cho chiến trường Lào ở Binh trạm 12, Đoàn 559. Sau 3 lần bị thương khi làm nhiệm vụ, do sức khỏe không đảm bảo nên ông được rút về hậu phương. Năm 1974, ông Dán được điều động làm lái xe cho Công ty Thực phẩm Tuyên Quang.

 

Ông Dán đàn, hát bài Then cổ. 

Là một thương binh hạng 2/4, sống trong ngôi nhà cấp 4 bình dị, vợ chồng ông Dán vẫn cố gắng duy trì cuộc sống, cải thiện thu nhập trên hơn 1,5 ha đất canh tác với nhiều loại cây như bưởi da xanh, vải thiều; nuôi gà, ngan... Với tinh thần của người lính “bộ đội Cụ Hồ”, ông Dán luôn chủ động, nghiêm túc đón nhận mọi nhiệm vụ công tác tại địa phương. Ông từng tham gia nhiều vị trí, công việc như công an viên, Phó Trưởng thôn. Hiện ông vẫn làm Chi hội trưởng Chi Hội Cựu chiến binh ATK truyền thống Trường Sơn; Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người cao tuổi xã Trung Sơn; hội viên Câu lạc bộ thơ Việt Nam. Ông cũng vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng 3, Huân chương Kháng chiến hạng 2.

Trở về sau chiến tranh, dù đã trải qua 5 lần phẫu thuật, nhưng trong cơ thể người lính già vẫn còn hơn 30 mảnh đạn rocket. Những ngày trái gió trở trời, cơ thể ông thường đau nhức, mệt mỏi… Tuy nhiên, tình yêu của ông Dán với âm nhạc chưa bao giờ vơi cạn.

Ông Dán cho biết, khi bắt đầu tham gia phục vụ tại chiến trường, ông luôn mang lời ca tiếng hát đến với đồng đội. Ông luôn nhiệt tình, chủ động biểu diễn góp vui với tinh thần “tiếng hát át tiếng bom” trên mọi nẻo đường.

Không chỉ hát hay, ông Dán luôn học hỏi, theo dõi các đoàn văn công chiến trường, nhờ đó ông có thể học và chơi được nhiều loại nhạc cụ như đàn Nhị, đàn Tam, đàn Tứ, đàn Bầu, đàn Nguyệt, sáo, Măng đô lin… Nhận thấy năng khiếu của ông, nhiều lần đơn vị đã phân công ông đi học các lớp tập huấn âm nhạc do các nghệ sĩ chuyên nghiệp giảng dạy tại Hà Nội.     


Ông Dán dạy nhạc cho thế hệ trẻ. 

Không chỉ chơi được nhiều loại nhạc cụ, ông Dán còn sáng tác nhiều ca khúc và bài thơ ấn tượng. Ông đã có những tác phẩm như: “Chào thành phố Tuyên Quang”; “Uống nước nhớ nguồn”; “Quê em ơn Đảng, Bác Hồ”… Tác phẩm “Khúc hát người chiến sĩ thu mua” do ông cải biên và biểu diễn đã giành Huy chương Bạc Hội diễn Bộ Nội thương toàn quốc tại Nghệ An năm 1985. Những lần ông cùng đoàn văn nghệ của xã Trung Sơn đi tham gia biểu diễn, giao lưu văn nghệ ở tỉnh đều giành được nhiều giải thưởng cao.

Nhiều năm qua, ông Dán luôn mong mỏi được truyền thụ tình yêu âm nhạc của mình cho thế hệ trẻ ở xã. Ông đã tổ chức những lớp học nhỏ tại nhà, dạy miễn phí cho những ai đam mê âm nhạc. Đến nay, khoảng trên 20 học sinh đã và đang theo học. Ông Dán chia sẻ, nếu mình còn sức khỏe, thì mong muốn lớn nhất chính là truyền lại hết kiến thức, tình yêu với âm nhạc cho con cháu.


Ông Dán truyền thụ tình yêu âm nhạc lại cho thế hệ tương lai. 

Ông Triệu Văn Xiên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Trung Sơn (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) cho biết, ông Lương Xuân Dán là một tấm gương cựu chiến binh của xã Trung Sơn. Ông Dán luôn nhiệt tình, trách nhiệm trong triển khai các công tác Hội. Đặc biệt, khả năng văn hóa, văn nghệ của ông Dán đóng góp rất nhiều trong việc thúc đẩy, phát triển mọi mặt đời sống tinh thần của các hội viên. Hội Cựu chiến binh xã đã ghi nhận, đồng thời khuyến khích gia đình các hội viên là đồng bào dân tộc Tày ở xã cho con cháu đến tham gia lớp văn nghệ tại nhà ông Dán, qua đó phần nào gìn giữ, lưu truyền nét văn hóa bản sắc dân tộc thông qua các làn điệu Then, cây đàn Tính và nhiều nhạc cụ khác.

Mong ước về một thế hệ trẻ được đào tạo, truyền thụ niềm đam mê, kiến thức về âm nhạc luôn thôi thúc người cựu chiến binh Lương Xuân Dán như một trọng trách. Ông luôn muốn được nhìn thấy các bạn trẻ sẽ như ông, mỗi khi cầm cây đàn, cất lên tiếng hát là bao lo toan, mỏi mệt đều tan biến, để tâm hồn được hòa cùng những thanh âm truyền thống của dân tộc, của quê hương, đất nước.

HĐ (theo TTXVN)


Các tin khác:
Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây và việc bảo tồn giá trị văn hóa Khmer trên địa bàn thành phố Cần Thơ  (22/03/2024)
Thành Phố Cần Thơ: diện mạo mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số  (20/03/2024)
Nhìn lại chặng đường 20 năm công tác dân tộc  (26/02/2024)
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số ở thành phố Cần Thơ  (05/02/2024)
Sắc xuân ở vùng cực Bắc Tây Nguyên  (02/02/2024)
12345678910