Bản tin dân tộc

Làm gì để bảo tồn nền văn hóa âm nhạc dân tộc Khmer ở thành phố Cần Thơ?

Từ rất lâu, những người quan tâm đến sự phát triển của nền văn hóa âm nhạc dân tộc Khmer tại TP Cần Thơ đều đau đáu nỗi lo về sự quên lãng dẫn đến mất đi một bộ môn nghệ thuật truyền thống lâu đời, biểu hiện cho một nền văn hóa đa dạng, độc đáo.

Cần Thơ đang có khá nhiều đồng bào dân tộc Khmer đang sinh hoạt tín ngưỡng ở rất nhiều ngôi chùa theo hệ phái Nam tông, nhiều nhất là huyện Cờ Đỏ, Ô Môn, Thới Lai, Ninh Kiều. Tuy nhiên rất hiếm khi các ngôi chùa nầy có được một dàn nhạc ngũ âm đúng chuẩn. Điều nầy đồng nghĩa với một số cơ quan, cơ sở thờ tự, trường học có đông người Khmer vẫn đang bỏ ngỏ.

Đi sâu tìm hiểu vấn đề nầy chúng tôi được biết nguyên nhân chính không do thiếu kinh phí mà do không có nhạc công sử dụng các loại nhạc cụ.

Nghệ nhân ưu tú Danh Som, ngụ tỉnh Sóc Trăng (đã mất vào đầu tháng 10/2019) trong một lần truyền dạy nhạc ngũ âm tại TP Cần Thơ tự hào nói: “Nhạc ngũ âm là một loại hình nghệ thuật đặc sắc của người Khmer. Theo phong tục tập quán, nhạc ngũ âm chỉ được phép vang lên vào các ngày lễ lớn nên bà con rất quý loại nhạc này. Đây được xem là hồn cốt của người Khmer chúng tôi. Vì vậy tôi và nhiều người khác vẫn đang cố gắng truyền dạy bộ môn nầy”.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, nền văn hóa nghệ thuật Khmer Nam bộ đã trải qua quá trình phát triển lâu dài và tạo nên bản sắc đặc trưng riêng với nhiều loại hình khác nhau luôn gắn bó với nhịp sống đời thường, sinh hoạt cộng đồng và các lễ hội. Đơn cử như nhạc Ngũ âm, nhạc Mhôry  múa trống Sa dam, hát À day, Chầm riêng Chà pây, đồng dao, hát ru, đám cưới, đám tang…

Năm 2013, Bộ Văn Hóa – Thể Thao và Du Lich đã đưa nghệ thuật hát Chầm riêng Chà pây vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là loại hình mang tính kể chuyện, tích cũ, hài hước, châm biếm rất phổ biến thông qua các  câu chuyện cổ tích, thần thoại, dân gian, các mẩu chuyện tốt xấu để răn dạy con người sống trung thực thẳng ngay, có ích. Người biểu diễn loại hình nầy phải vừa hát vừa đàn nên đòi hỏi sự điêu luyện cao.


Một loại hình nghệ thuật cũng rất thịnh hành khác trong cộng đồng người Khmer Nam bộ là dòng nhạc À day với hình thức hát đối đáp giữa nam và nữ, đôi khi có tam ca, tứ ca phục vụ cuộc vui, dịp lễ, tết… Hát À day có tính hài hước và mang tính thời sự với những câu chuyện hiện thực trong cuộc sống được người hát đối đáp theo lối ứng khẩu thành thơ, rất nhạy bén để thu hút người nghe…

Nhiều và rất nhiều loại hình nghê thuật độc đáo khác của người Khmer đang được gìn giữ, lưu truyền qua dòng thời gian. Đã có rất nhiều nhà chuyên môn cùng nhận định: Dân tộc Khmer Nam bộ hiện nay đã và đang kế thừa một di sản văn hóa vô giá do tổ tiên để lại, đó là kho tàng nhạc khí dân gian đa dạng và độc đáo; có vai trò quan trọng và giá trị to lớn trong đời sống của người Khmer Nam bộ, thể hiện trên các phương diện nhận thức, xã hội, đạo đức, thẩm mỹ… do đó rất cần được nghiên cứu để giữ gìn và phát huy. 

Độc đáo là vậy, quý giá là vậy nhưng trên thực tế việc bảo tồn và phát huy nên âm nhạc Khmer đang đứng trước muôn vàn khó khăn. Cụ thể như sự tràn ngập xu thế hội nhập và giao lưu ngày càng sâu rộng; sự tác động mạnh của làn sóng văn minh phương Tây; sự ảnh hưởng của các loại hình âm nhạc hiện đại. Cạnh đó là sự hụt hẫng những nhạc công trẻ nhiều tâm huyết luôn ra sức học tập giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; sự thiếu vắng của đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp đa phần là người cao tuổi, nhiều tài năng, kiến thức sâu rộng, tay nghề cao. Tất cả dẫn đến tình trạng “ măng non không thay kịp tre già”.

Để duy trì, phát triển, gìn giữ kho tàng âm nhạc Khmer quý báu thì nên chăng cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về sự cấp thiết bảo tồn trong các trường đại học, trường nghệ thuật, trường dân tộc nội trú, các chùa Nam tông, các khu dân cư có nhiều người Khmer sinh sống. Nhà nước cần có chính sách đầu tư, phục dựng một số loại hình có nguy cơ mai gắn với việc phát triển du lịch ở địa phương nhằm nâng cao đời sống cho người dân.  Có chính sách ưu đãi, khuyến khích người day lẫn người học các loại nhạc cụ, các hình thức biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian; tổ chức nhiều hơn các cuộc thi biểu diễn nghệ thuật, các công trình nghiên cứu văn hóa dân gian về người Khmer để mở rộng tầm quảng bá.

Trương Thanh Liêm    


Các tin khác:
Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây và việc bảo tồn giá trị văn hóa Khmer trên địa bàn thành phố Cần Thơ  (22/03/2024)
Thành Phố Cần Thơ: diện mạo mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số  (20/03/2024)
Nhìn lại chặng đường 20 năm công tác dân tộc  (26/02/2024)
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số ở thành phố Cần Thơ  (05/02/2024)
Sắc xuân ở vùng cực Bắc Tây Nguyên  (02/02/2024)
12345678910