Bản tin dân tộc

Già A Blếch - Người giữ hồn của buôn làng

Dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hi” nhưng già A Blếch (làng Kon Ktủh, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) vẫn miệt mài truyền dạy nghệ thuật đánh cồng chiêng và những điệu múa xoang cho thế hệ trẻ. Người dân trong làng gọi ông là “người giữ hồn của buôn làng”.

Già làng A BLếch đang dạy cho các em học sinh đánh cồng chiêng tại sân nhà rông. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Khi những tia nắng cuối chiều dần khuất sau mái nhà rông cao vút của làng Kon Ktủh cũng là lúc các em nhỏ trong làng tập trung tại nhà già A Blếch để học đánh cồng chiêng, múa xoang. Từ xa, tiếng cồng chiêng đã vọng nhịp nhàng quyện vào không gian tĩnh mịch của làng Kon Ktủh. Càng đến gần, tiếng cồng chiêng càng ngân vang. Trong ngôi nhà sàn, dưới ánh lửa, 7- 8 em nhỏ với độ tuổi từ 8 - 12 tuổi chăm chỉ dõi theo những nhịp gõ, nắn chiêng của già Blếch. 

Theo già Blếch, trước đây, làng Kon Ktủh có nhiều bộ chiêng và người biết đánh cồng chiêng đi dự thi khắp nơi. Nhưng cái đói, cái ăn làm những bộ chiêng dần vắng bóng, vì thế người biết đánh cồng chiêng cũng ít dần. Sau khi dân làng góp tiền mua được bộ chiêng quý để duy trì nét văn hóa đặc sắc, già đứng ra nhận truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Già A Blếch đi khắp làng để phân tích cho người trong buôn hiểu về văn hóa cồng chiêng, đồng thời kêu gọi người trong buôn học đánh chiêng. Nghe già phân tích, nhiều người hiểu nên cũng tham gia học. 

Già A Blếch gom từng nhóm trai làng đưa về nhà rông dạy. Đến giờ, già A Blếch cũng không nhớ đã truyền dạy cho bao nhiêu người. Những người được dạy phần lớn là người đã có tuổi và thanh niên. Đầu năm 2016, già A Blếch bắt tay vào dạy đánh cồng chiêng cho các em thanh, thiếu niên trong làng. 

“Riêng các cháu thì mỗi tuần dạy 2 buổi vào lúc chiều tối. Dạy các cháu đánh cồng chiêng khó hơn. Nhiều lúc chúng lười học, tôi đến tận nhà động viên. Tuy vất vả nhưng cứ thấy thành quả là các cháu đánh thành thục tôi có thêm động lực để truyền dạy”, già A Blếch chia sẻ. 

Già A Blếch dẫn chúng tôi qua căn nhà rông của làng để xem thành quả cả năm trời già cất công truyền dạy cho đội cồng chiêng nhí của làng. Chỉ chờ già A Blếch ra hiệu, đội cùng chiêng nhí cầm chiêng và đánh thành thục hết bài chiêng này sang bài chiêng khác. 

Nhìn đội chiêng nhí do chính tay mình dạy dỗ đánh chiêng, già A Blếch gật gù đầu liên tục như hài lòng. “Thấy chúng đánh thành thạo, tôi rất mừng. Thế là sau này trong làng có người nối dõi điệu cồng chiêng rồi. Tới đây có dịp lễ, đội chiêng nhí này sẽ lĩnh xướng làng tham dự. Già vui lắm. Già sẽ tiếp tục truyền dạy cồng chiêng cho đến khi nào già chết thì thôi”, già A Blếch tâm sự.

Ông Trần Đình Trung, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Kon Rẫy cho biết: Với mong muốn gìn giữ và phát huy nét văn hóa cồng chiêng, trong thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với các xã tổ chức các lớp dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Đến nay, chúng tôi đã mở được 3 lớp tại xã Đăk Ruồng và xã Đăk Tơ Lung, các em tiếp thu rất tốt. Dù còn nhiều khó khăn nhưng chắc chắn với những cố gắng và sự nhiệt tâm của các nghệ nhân, chúng tôi tin chắc rằng sẽ càng ngày phát huy được nét văn hóa đặc thù này; qua đó góp phần vào sự phát triển văn hóa, xã hội, nhất là phát triển được ngành du lịch trên địa bàn huyện. 

Với những đóng góp của các nghệ nhân như già A Blếch, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhận loại sẽ trường tồn mãi với thời gian.

(Theo Quang Thái - TTXVN)


Các tin khác:
Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây và việc bảo tồn giá trị văn hóa Khmer trên địa bàn thành phố Cần Thơ  (22/03/2024)
Thành Phố Cần Thơ: diện mạo mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số  (20/03/2024)
Nhìn lại chặng đường 20 năm công tác dân tộc  (26/02/2024)
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số ở thành phố Cần Thơ  (05/02/2024)
Sắc xuân ở vùng cực Bắc Tây Nguyên  (02/02/2024)
12345678910