Bản tin dân tộc

Độc đáo chương trình 'Đấu chiêng đôi và Dân ca dân vũ của đồng bào Cor'

Ngày 5/7, tại Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức trình diễn “Đấu chiêng đôi và Dân ca dân vũ của đồng bào Cor”.

Đoàn nghệ nhân người Cor trình diễn các điệu chiêng, múa truyền thống.

Chương trình nhằm mang đến cho công chúng cơ hội được khám phá, trải nghiệm văn hóa truyền thống của đồng bào Cor đến từ thôn Bắc, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.

Ông Phan Công Hải, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, Chương trình là một trong những chuỗi hoạt động phục vụ người dân và du khách khi đến tham quan, du lịch tại thành phố Đà Nẵng dịp diễn ra Lễ hội pháo hoa quốc tế 2019; giúp du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ cùng nhân dân thành phố Đà Nẵng hiểu rõ hơn về văn hóa, phong tục, tập quán, lễ hội đặc sắc của các dân tộc Việt Nam. Từ đó, mọi người cùng chung tay góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Văn hóa cồng chiêng là một trong những thành tố văn hóa đặc sắc và tiêu biểu gắn liền với đời sống văn hóa - xã hội của các dân tộc nằm trong vùng văn hóa Trường Sơn - Tây Nguyên. Nghệ thuật đấu chiêng là nét văn hóa độc đáo của người Cor, trai tráng người Cor thường đấu chiêng trong các dịp hội làng. Thông qua đấu chiêng, họ thể hiện sức mạnh, tài tháo vát nhanh trí, cùng “đọ” tiếng chiêng, lúc dồn dập, lúc nhanh lúc chậm, lúc nhẹ nhàng khoan thai, nhưng cũng có lúc lại rất mạnh mẽ theo trạng thái của người đấu chiêng.

Với người Cor, tiếng chiêng đã gắn bó máu thịt từ khi họ sinh ra, đến khi trưởng thành và trở về với ông bà, tổ tiên. Tiếng chiêng luôn gắn kết chặt chẽ với vòng đời. Nhạc chiêng đã đi vào cuộc sống hiện hữu, trở thành hơi thở, máu thịt và cao hơn nữa là trở thành đời sống tâm linh của họ.

Tiếng chiêng phản ánh đời sống sinh hoạt nhưng cũng là tiếng lòng, biểu hiện của sự lãng mạn trong đời sống tinh thần của người Cor. Cùng hòa vào điệu chiêng đối đáp sôi động, hùng tráng là các làn điệu dân ca, điệu múa Cà đáu lả lơi, trữ tình của các sơn nữ người Cor với đôi chân nhịp nhàng và thân hình uyển chuyển, thể hiện ước muốn của người Cor về cuộc sống thanh bình, ấm no, hạnh phúc.


Đoàn nghệ nhân người Cor trình diễn các điệu chiêng truyền thống.

Tại chương trình, đoàn nghệ nhân người Cor đã trình diễn trích đoạn các điệu múa Cà đáu và cồng chiêng của đồng bào Cor trong các Lễ hội cúng đâm trâu, lễ hội ngã rạ mừng lúa mới, lễ mừng năm mới, trình diễn trang phục truyền thống, trình diễn đấu chiêng đôi, đàn hát dân ca, giới thiệu về nghề đan lát của đồng bào Cor.

Chương trình thu hút đông đảo học sinh, sinh viên, người dân và du khách đến xem, cùng hòa mình vào các điệu múa của đồng bào Cor.

HĐ (theo baotintuc.vn)


Các tin khác:
Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây và việc bảo tồn giá trị văn hóa Khmer trên địa bàn thành phố Cần Thơ  (22/03/2024)
Thành Phố Cần Thơ: diện mạo mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số  (20/03/2024)
Nhìn lại chặng đường 20 năm công tác dân tộc  (26/02/2024)
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số ở thành phố Cần Thơ  (05/02/2024)
Sắc xuân ở vùng cực Bắc Tây Nguyên  (02/02/2024)
12345678910