Bản tin dân tộc

Dâng đèn hạ - nét đẹp truyền thống của đồng bào Khmer

Trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào Phật giáo Nam tông Khmer có nghi thức dâng đèn hạ trong mùa Lễ Nhập hạ của các vị sư. Lễ Nhập hạ diễn ra từ rằm tháng 6 đến rằm tháng 9 âm lịch hằng năm. Năm nay, là năm nhuận (2 tháng 4 âm lịch) nên lễ nhập hạ của đồng bào Khmer diễn ra vào rằm tháng 5 âm lịch (ngày 5/7 dương lịch).

Thượng tọa Lý Hùng, Trụ trì chùa PiTu Khô Sa RăngSây thực hiện nghi thức dâng đèn

Ông Đào Loan, Người có uy tín ở khu vực 12, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn (TP. Cần Thơ) chia sẻ: Đồng bào Khmer quan niệm, đèn cầy là biểu tượng ánh sáng giúp cho tinh thần được minh mẫn, sáng suốt; chuyện làm ăn cũng được suôn sẻ hơn và “đời người là một ngọn nến đang cháy”, vì thế ý nghĩa của nghi thức dâng đèn hạ là hướng cho con người nhận thức về những cái đẹp trong tương lai và có nhiều niềm tin trong cuộc sống.

Những ngày này, đồng bào Khmer đến các chùa đều mang theo đèn cầy và các lễ vật khác như lương thực, vật dụng cần thiết cho chư tăng dùng trong 3 tháng nhập hạ. Trong suốt 3 tháng này, các ngọn nến được thắp sáng lung linh trong các ngôi chùa của đồng bào Khmer bất kể ngày hay đêm, những ngọn đèn giúp soi rõ cho chư tăng chuyên tâm học phật pháp tại chùa suốt trong mùa nhập hạ.

Cụ bà Lý Sết, phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ cho biết: Năm nay, tôi hơn 70 tuổi rồi, năm nào cũng vậy, cứ sắp đến mùa nhập hạ, tôi và con cháu cùng mang đèn và các lễ vật khác đến chùa để làm lễ, nghi thức dâng đèn hạ là không thể thiếu trong nghi Lễ Nhập hạ của các vị sư. Bà con Khmer rất quan tâm đến việc này, vì không phải đóng góp cúng dường để các sư có đèn đốt mà việc dâng đèn hạ thể hiện sự soi sáng tâm hồn của mỗi con người trên thế gian đầy cạm bẫy.

Các cây đèn cầy được phật tử dâng đến chùa thường rất to. Gia đình khá giả thường dâng loại có trọng lượng nặng từ 6kg/cây đến vài chục kg. Đối với các gia đình có mức sống trung bình hoặc còn khó khăn thì vài gia đình cùng chung nhau dâng một ngọn nến, hoặc cúng dường bằng tiền để các nhà chùa đóng tiền điện, nước trong những tháng nhập hạ.

Theo Thượng tọa Lý Hùng, Trụ trì chùa PiTu Khô Sa RăngSây (phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ), phật tử dâng đèn hạ là để chùa thắp sáng trong 3 tháng nhập hạ. Trước đây, theo truyền thống, phật tử dâng đèn bằng sáp, mù u, đèn dầu… còn ngày nay chủ yếu là dâng đèn cầy vì thuận tiện và đèn tượng trưng cho ánh sáng trí tuệ, tượng trưng cho mùa tu học.

“Đèn cầy phật tử dâng đến chùa thắp trong lúc làm lễ, sau đó thì tắt bớt chớ không thắp hết một lượt. Các sư còn phải thay phiên thức canh đèn để đề phòng hỏa hoạn”, Thượng tọa Lý Hùng chia sẻ.

Cũng theo Thượng tọa Lý Hùng, vì đèn cầy tượng trưng cho ánh sáng trí tuệ nên phật tử dùng đèn cầy dâng lên Phật cũng là để soi tỏ chân tâm thiện ý. Dâng đèn là dâng cúng ánh sáng đến phật pháp để qua đó nhờ ánh sáng của Phật soi đường tu học cho các sư, cầu bình an, hạnh phúc cho chúng sinh và sự thanh thản cho cả người đã khuất.

Đến mùa nhập hạ, dù đi đến bất kỳ ngôi chùa nào thì, khi ở các chánh điện, phật tử đồng bào Khmer đều được soi sáng bởi những ánh nến lung linh. Dâng đèn hạ không chỉ đơn thuần là một nghi thức mở đầu trong lễ nhập hạ, mà còn là một biểu tượng tinh thần thể hiện niềm tin vững chắc vào những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong cuộc sống.

HĐ (theo baodantoc.vn)


Các tin khác:
Đồng bào Khmer rộn ràng chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024  (17/04/2024)
Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây và việc bảo tồn giá trị văn hóa Khmer trên địa bàn thành phố Cần Thơ  (22/03/2024)
Thành Phố Cần Thơ: diện mạo mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số  (20/03/2024)
Nhìn lại chặng đường 20 năm công tác dân tộc  (26/02/2024)
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số ở thành phố Cần Thơ  (05/02/2024)
12345678910