Bản tin dân tộc

Chuyện kể về anh hùng “ba ngay”

“Có. Ba Ngay có mặt”. Đó là khẩu lệnh trả lời đã trở thành nề nếp quân đội khi ông nghe chúng tôi gọi rất to từ phía cổng rào ngôi nhà của một vị thiếu tướng đã từng vào sinh ra tử viết nên nhiều câu chuyện bi hùng ở ĐBSCL; một người lính đã được phong tặng danh hiệu AHLLVTND; một người thương binh 2/4 nhưng không đầu hàng với thương tật.

Ông “ 3 Ngay” hiện nay.

Chúng tôi rất bất ngờ và ngạc nhiên trước phong cách quá gần gủi, giản dị có phần “ hai lúa” và rất “ lính” từ khâu đi lại, trò chuyện, ăn nói và ấn tượng nhất là nụ cười độ lượng pha lẫn nét cương nghị, quyết đoán của ông.

Ông “ 3 Ngay” (tên thường gọi của thiếu tướng Sơn) mở đầu câu chuyện bằng mấy lời dặn dò và cũng là “ hợp đồng miệng” rất khác thường: “ Kể chuyện đồng đội thôi nghe bây. Chuyện đánh giặc của tao “ lu xu bu” lắm kể biết chừng nào cho xong. Điều quan trọng là có sao nói “ y chang” vậy, không được thêm bớt. Mình nói không thiệt, không “ trúng” là có tội với lịch sử, với đồng chí, đồng đội, đồng bào. Tính tôi ăn ngay nói thẳng nên mới chết danh “ 3 Ngay” là vậy đó”.

Hứa với ông là vậy nhưng chúng tôi cũng tranh thủ tìm hiểu về cuộc đời của một vị tướng rất lừng lẫy chốn bưng biền đã làm cho Mỹ - Ngụy nghe tên đã hồn xiêu, phách lạc.

Tham gia cách mạng từ lúc nhỏ, ông Sơn rất nổi danh về biệt tài xuất quỷ nhập thần vào ra đồn bót địch dễ như trở bàn tay. Đặc biệt ông rất nổi danh về tài mưu lược nghiên cứu địa hình và đánh địch rất bất ngờ và đạt hiệu quả rất cao. Tuy quê quán tại tỉnh Kiên Giang nhưng cả cuôc đời tham gia quân đội, ông gắn bó rất nhiều tại các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ.


Thiếu tướng thương binh 2/4, AHLLVTND Lê Thanh Sơn

Năm Đồng khởi 1960, ông Sơn tham gia lục lượng du kích xã Trường Long (nay thuộc huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) đánh trận đầu tiên lấy đồn Vàm Bi. Năm 1962, ông gia nhập Tiểu đoàn Tây Đô (TĐTĐ) và là Tiểu đoàn trưởng đơn vị nầy năm 1968. Ngày 7/2/1964 trong đánh trận quyết tử tại xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ, TĐTĐ đã tiêu diệt một tiểu đoàn Bảo An đang đánh phá đại hội đảng bộ huyện, nhưng ông bị thương rất nặng vào đầu và trở thành thương binh 2/4. Sau đó ông tham gia hàng trăm trận đánh rất nổi tiếng như : Ông Hào, Chày Đạp, Ông Cửu, Đập Đá…Ông cũng là người chỉ huy lực lượng vũ trang TPCT tiến quân vào bắt sống nhiều tướng lĩnh Ngụy đang đóng quân trên Vùng 4 chiến thuật ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975. Năm 1976, ông là một trong những người lính đầu tiên ở miền Tây nam bộ được nhà nước phong tặng danh hiệu AHLLVTND. Lúc đó ông 37 tuổi. Năm 2001, ông được thăng quân hàm từ đại tá lên thiếu tướng trong khi đang đảm nhiệm chức vụ: Chỉ huy trưởng BCHQS TP Cần Thơ. Năm 2002 ông nghĩ hưu về sống cuộc đời thanh thản tại phường Ba Láng, quận Cái Răng, TPCT.

Thiếu tướng Lê Thanh Sơn nhớ lại: “ mình theo Đảng, theo Bác Hồ đi làm cách mạng giải phóng đất nước chớ có muốn làm quan, làm tướng gì đâu. Hồi đơn vị mời tôi đi nhận danh hiệu anh hùng, quân hàm thiếu tướng tôi thấy lo hơn mừng bởi cứ suy nghĩ mình phải làm sao để xứng đáng với sự quan tâm của Đảng và nhà nước, sống sao xứng đáng với sự hy sinh của hàng ngàn đồng đội cùng đơn vị TĐTĐ cho đất nước hòa bình”.

Ông “ 3 Ngay” kể thêm: trong một lần họp mặt các CCBTĐTĐ, ông quá xúc động và trăn trở khi nghe kể đồng đội kể những câu chuyện buồn như: không có nhà ở, kinh tế đói nghèo, tha phương cầu thực. Xót nhất là một số địa phương thiếu quan tâm đến CCB đã ra quân về với đời thường,  từ đó dẫn đến tình trạng CCB không mặn mà tham gia các phong trào tại địa phương.

Năm 2002 khi được nghĩ hưu, thiếu tướng Sơn bắt đầu xây dựng mô hình Ban Liên Lạc (BLL) TĐTĐ do ông làm trưởng ban để tập hợp lực lượng CCB sinh hoạt định kỳ, tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn có thật đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của họ, trong đó khó khăn nhất vẫn là nhà ở vì vượt quá khả năng của nhiều CCB, gia đình thương binh đang gặp khó. Ông “ 3 Ngay” đã cùng BLL đã giành thời gian đi thâm nhập thực tế từng trường hợp và mô hình “ Nhà Đồng Đội (NĐĐ) của TĐTĐ” ra đời năm 2002.

Ông Nguyễn Văn Nhâm, CCBTĐTĐ, người đầu tiên được nhận NĐĐ năm 2002 xúc động nói: “ Nhà quá nghèo, không đất sản xuất, không nhà ở, không vốn mưu sinh. May nhờ anh 3 Ngay tới tìm hiểu rồi vận động anh em CCB lẫn chính quyền cất cho căn nhà ngon lành lại còn hỗ trợ vốn để tui đánh cá, giăng câu. Giờ thì sống khỏe lắm rồi. Gia đình tôi nhớ ơn anh 3 suốt đời”.

Không chỉ có mỗi ông Nhâm có được niềm vui ấy mà tình đến thời điểm hiện tại ( tháng 7/2019) Ông 2 Ngay cùng BLL đã vận động từ nhiều cơ quan, ban ngành, đoàn thể khắp mọi miền đất nước và xây dựng được 1035 căn NĐĐ (mỗi căn có giá trị từ 15 đến 50 triệu đồng tùy thời điểm). Chỉ làm một phép tính đơn giản thì còn số nầy đã vượt trên 50 tỷ đồng.



Ông “3 Ngay” trong lễ khởi công đền tưởng niệm 48 liệt sỹ TĐTĐ tại Kiên Giang.

Chưa dừng lại ở đó, Thiếu tướng thương binh 2/4 Lê Thanh Sơn còn thường xuyên phân công BLL rà soát giúp đỡ các gia đình thương binh, gia đình có công với nước đang gặp khó thông qua hỗ trợ vốn vay từ sự đóng góp của các CCB; hỗ trợ kinh phí học nghề; tặng quà, viếng thăm các mẹ VNAH, gia đình TBLS.

Mô hình NĐĐ của TĐTĐ đã được báo cáo điển hình toàn quốc gây sự ngạc nhiên và  xúc động cho rất nhiều lãnh đạo Đảng, nhà nước, lãnh đạo các địa phương.

Qua rất nhiều đồng đội của ông, chúng tôi được biết thiếu tướng Lê Thanh Sơn đã được nhận nhiều huân, huy chương cao quý của Đảng và nhà nước như: Huân chương Độc lập hạng nhất, nhì, ba; huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, nhì, ba...và năm 2020 tới đây ông sẽ nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

Âm thầm, lặng lẽ, nghĩa tình, trách nhiệm, thương yêu giúp đỡ nhau trên tình đồng chí, đồng đội để tất cả CCB có được cuộc sống đủ đầy, ấm no, hạnh phúc; góp phần mình xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời bình; giữ mãi hình ảnh và truyền thống cao đẹp của người lính Cụ Hồ, đó là điều tốt đẹp nhân văn từ tấm lòng rất lính của người thương binh 2/4, của thiếu tướng AHLLVTND Lê Thanh Sơn mà người dân và đồng đội mãi quen gọi bằng cái tên “ 3 Ngay”.

Trương Thanh Liêm


Các tin khác:
Đồng bào Khmer rộn ràng chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024  (17/04/2024)
Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây và việc bảo tồn giá trị văn hóa Khmer trên địa bàn thành phố Cần Thơ  (22/03/2024)
Thành Phố Cần Thơ: diện mạo mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số  (20/03/2024)
Nhìn lại chặng đường 20 năm công tác dân tộc  (26/02/2024)
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số ở thành phố Cần Thơ  (05/02/2024)
12345678910