Bản tin dân tộc

Các lễ trong năm của người Khmer

Người Khmer Nam Bộ có nền văn hóa hết sức đa dạng và phong phú được lưu giữ qua nhiều thế hệ và lễ hội là một trong những nét văn hóa đặc sắc tạo nên văn hóa đặc trưng của người Khmer Nam bộ.

TP Cần Thơ họp mặt mừng Tết, Chôl Chnăm Thmây cho đồng bào dân tộc Khmer năm 2017

Theo phong tục, tập quán của người Khmer, trong năm họ có hơn 30 lễ lớn nhỏ và được chia ra làm 2 loại, thứ nhất là những lễ định kỳ hàng năm (có 08 lễ lớn) và thứ hai là những lễ được tổ chức không định kỳ. Những lễ định kỳ được sắp xếp theo thứ tự thời gian trong năm gồm:

Thứ nhất, là Lễ Meka bâu chia, còn gọi là Lễ Đức Phật cho biết 3 tháng nữa sẽ nhập niết bàn (tính theo dương lịch thì khoảng đầu tháng 2).

Thứ hai, Chôl Chnăm Thmây, còn gọi là Lễ Vào năm mới, được tổ chức 3 ngày (dao động khoảng từ ngày 12 đến 17 tháng 4 dương lịch). Đây là 1 trong 3 lễ lớn nhất trong năm của người Khmer Nam bộ (Chôl Chnăm Thmây, Sene Đônta, Ok Om Bok).

Thứ ba, Visak bâu chia, Lễ Phật đản, lễ này được diễn ra trong một ngày một đêm 15/5 âm lịch tại chùa.

Thứ tư, Chôl Vôsa, Lễ Nhập hạ, lễ này được diễn ra trong một ngày 15/6 âm lịch. Lễ nhằm mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình yên vui hạnh phúc, đồng thời Lễ Nhập hạ có ý nghĩa quan trọng đối với sư sãi và đồng bào Khmer, vừa tạo thời gian để sư sãi chuyên tâm học đạo, trau dồi giáo lý và tự vấn bản thân trong quá trình tu hành.

Thứ năm, Phchum Bunl hay Pithi Sene Đônta, Lễ Cúng ông bà. Lễ được diễn ra trong ba ngày chính từ 29 tháng 8 đến mùng 01 tháng 9 âm lịch với nhiều nghi lễ tại các chùa. Nội dung bao trùm trong Lễ Sene Đônta là nhằm tưởng nhớ công ơn cha mẹ, họ hàng và cầu phước cho linh hồn những người đã khuất.

Thứ sáu, Chanh Vôsa, Lễ Ra hạ, lễ diễn ra từ chiều ngày 14 đến trưa ngày 15/9 âm lịch. Đây là lễ chấm dứt 3 tháng nhập hạ của các vị sư sãi.

Thứ bảy, Kathina, Lễ Dâng y cà sa cho sư sãi, không nhất định ngày. Theo quy định của Phật giáo Nam tông, các chùa chỉ được tổ chức lễ Dâng Y mỗi năm một lần và tổ chức lần lượt trong khoảng 1 tháng (từ 16/9 đến 15 tháng 10 âm lịch). Đây là mùa Dâng Cà sa của Phật tử đến các vị sư sãi, Cà sa Kathina là chiếc y màu vàng dành cho các vị sư sãi, là y phục mà họ sử dụng trong quá trình tu hành của mình.


Đút cốm dẹp trong lễ Ok Om Bok

Thứ tám, Ok Om Bok (Ok có nghĩa là đút vào miệng, đút thật nhiều, đầy miệng đến nhai không được, Om Bok là cốm dẹp, một loại cốm làm từ nếp hay gạo của người Khmer Nam Bộ, Ok Om Bok có nghĩa là ăn cốm dẹp hay đút cốm dẹp), đây còn gọi là Lễ Cúng trăng. Lễ diễn ra vào ngày 15/10 âm lịch. Lễ có ý nghĩa khích lệ nông dân hăng sai cày cấy, trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất ra những vật phẩm đạt năng suất cao để cúng Mặt Trăng nhằm tạ ơn Mặt Trăng vốn được coi là vị thần bảo hộ cho mùa màng tốt tươi. Trong dịp Lễ Ok Om Bok, người Khmer thường tổ chức đua ghe Ngo, ghe Ngo là loại làm bằng gỗ, dài khoảng 10 mét hoặc dài hơn, thường thì được làm từ gỗ Sao. Đây là một loại ghe thiêng dành cho nghi lễ đua ghe trong lễ hội Ok Om Bok, đầu ghe gắn hai phù điêu hình mắt rắn, hai bên mạng và đầu ghe trạm trỗ đầu rồng, đầu lân, hay đầu phụng hoặc vẽ hoa văn truyền thống, mỗi chiếc có thể chứa được từ 20 đến 60 người bơi đứng hai bên. Đua ghe Ngo thường diễn ra ở các khu vực có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống như Sóc Trăng, Trà Vinh…

Ngoài những lễ hội định kỳ hàng năm, người Khmer Nam bộ còn tổ chức nhiều lễ không định kỳ, đây là những lễ không quy định về thời gian, chẳng hạn như Lễ kiết giới Sâyma, lễ cưới, lễ tang… một số lễ không được tổ chức định kỳ thường gặp:

Lễ An vị tượng Phật (Bon Putthea Phi Sek), Lễ an vị tượng Phật có nghĩa là tôn trí đức Phật vào một nơi cố định để hằng ngày các vị sư sãi, bà con đến để đốt nhang đọc kinh. Lễ được tổ chức trang trọng nhằm đem tượng Phật vào chùa thờ, nếu không làm lễ này thì tượng Phật không đủ quy cách và điều kiện để đặt tại chùa.

Lễ khánh thành Chính điện hay còn gọi là Lễ Kiết giới Sâyma (Bon Seyma). Lễ chỉ diễn ra khi ở ngôi chùa Khmer vừa xây xong hoặc đại trùng tu ngôi chính điện. Lễ thường diễn ra trong 3 ngày, bà con Khmer đến rất đông để chúc mừng cho chùa và cầu phúc cho bản thân cùng gia đình, và họ tin rằng trong đời ai tham dự được 9 lần lễ Kiết giới Sâyma thì kiếp sau sẽ được làm người giàu sang danh giá.

Lễ Ngàn núi (Bon Phnôm Pôn). Đây là nghi lễ làm phước với mục đích xin lỗi thú vật tha thứ cho con người, được tổ chức vào mùa hạ (khoảng tháng giêng đến tháng ba âm lịch kéo dài từ 2 đến 3 ngày dưới sự hướng dẫn của vị Achar hay sư sãi). Theo quan niệm trong dân gian, người Khmer cho rằng đối với mọi sinh vật họ đều có lỗi vì đã giết chúng để ăn thịt. Họ lo sợ khi con người qua đời sẽ bị các loài thú kéo nhau trả thù và linh hồn người chết phải xuống địa ngục, do đó, đồng bào trong phum sóc hàng năm thường tổ chức Bon Phnôm Pôn để tạ lỗi. Lễ này cũng tương tự như Lễ đắp núi cát trong dịp tết Chôl Chnăm Thmây nhưng về quy mô lớn hơn nhiều.

Lễ Chúc thọ (Bon Châm Rơn Preak Chôl). Đây là lễ nhằm báo ơn, đáp nghĩa những người có công lao nuôi dưỡng, dạy dộ mình như ông bà cha mẹ, thầy cô giáo.

Lễ Dâng bông (Bôn Phka). Đây có thể gọi là Lễ làm phước, vì khi người Khmer cần xây dựng các công trình như đường xá, trường học, chùa… thì họ tổ chức lễ này nhằm quyên góp tiền của để xây dựng, lễ thường tổ chức tại chùa do các vị sư sãi trong chùa chủ trì.

Lễ Cầu an (Bon Kâm San Srok). Đây là lễ được người Khmer tổ chức sau mùa vụ với mục đích mừng thành quả lao động vất vả sau mấy tháng và cầu cho xóm làng vui khỏe, trúng mùa vụ sau. Lễ này do từng gia đình tổ chức hoặc nhiều nhà cùng tổ chức và thỉnh vị sư đến tụng kinh cầu phước.


Lễ đắp núi cát trong dịp tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer

Ngoài những lễ thường thấy đã trình bày, người Khmer Nam bộ còn nhiều lễ hội khác nữa được tổ chức trong năm, có những lễ nằm trong lễ chẳng hạn trong Lễ tết Chôl Chnăm Thmây có Lễ tắm Phật, Lễ cầu siêu cho những người đã khuất hay lễ đắp núi cát... Có một số lễ vẫn còn giữ được giá trị nguyên bản và có một số lễ không còn phổ biến nữa chẳng hạn lễ “cắt tóc để trả ơn mụ” giờ được thay thế bằng việc tổ chức đầy tháng cho bé hay lễ cưới của người Khmer hiện nay thì các nghi lễ thuần túy cũng có nhiều thay đổi do quá trình cộng cư với người Kinh, Hoa và các dân tộc khác và chịu ảnh hưởng của sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc.

Tài liệu tham khảo:

Viện Văn Hóa – Văn Hóa Người Khmer ở Đồng Bằng Sông Cửu Long – NXB Dân Tộc – 1993.

Hoàng Phong


Các tin khác:
Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây và việc bảo tồn giá trị văn hóa Khmer trên địa bàn thành phố Cần Thơ  (22/03/2024)
Thành Phố Cần Thơ: diện mạo mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số  (20/03/2024)
Nhìn lại chặng đường 20 năm công tác dân tộc  (26/02/2024)
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số ở thành phố Cần Thơ  (05/02/2024)
Sắc xuân ở vùng cực Bắc Tây Nguyên  (02/02/2024)
12345678910