Triển lãm ảnh: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Tranh dân gian truyền thống Việt Nam”, trưng bày chuyên đề “Dấu ấn Văn hóa cổ” và công bố Quyết định, của Thủ tướng Chính phủ, về việc công nhận Bảo vật quốc gia

Sáng ngày 02/4/2019, tại Bảo tàng thành phố, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Triển lãm ảnh: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Tranh dân gian truyền thống Việt Nam”, trưng bày chuyên đề “Dấu ấn Văn hóa cổ” và công bố Quyết định, của Thủ tướng Chính phủ, về việc công nhận Bảo vật quốc gia.
Lễ cắt băng Khai mạc triển lãm. Ảnh: Quốc Huy

Triển lãm ảnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, do Bảo tàng thành phố Cần Thơ phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh thực hiện, với gần 200 hình ảnh, tài liệu; trong đó, có nhiều bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những di sản mà Người đã để lại cho dân tộc Việt Nam.
Triển lãm “Tranh dân gian truyền thống Việt Nam” giới thiệu cho người xem về loại hình tranh dân gian đặc sắc và độc đáo, với các dòng tranh dân gian nổi tiếng như: Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống, Kim Hoàng (Hà Nội), Vũ Di (Vĩnh Phúc), Độc Lôi (Nghệ An),…
Bên cạnh đó, triển lãm còn giới thiệu đến khách tham quan hơn 300 tư liệu, hình ảnh và hiện vật của 03 nền văn hóa cổ là: Đông Sơn, Sa Huỳnh và Óc Eo, với nhiều loại hình và chất liệu khác nhau, giúp cho du khách hiểu hơn về đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc Việt Nam, từ buổi đầu dựng nước đến nay, thông qua trưng bày chuyên đề: “Dấu ấn Văn hóa cổ”.
Nhân triển lãm ảnh và trưng bày chuyên đề lần này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Cục Di sản – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, về việc công nhận 02 Bảo vật quốc gia, của thành phố Cần Thơ, đó là Tượng phật Nhơn Thành và Bình Gốm Nhơn Thành.

Bình gốm Nhơn Thành và tượng Phật Nhơn Thành được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Quốc Huy


Bình gốm Nhơn Thành được phát hiện năm 1994, tại khu vực Đá Nổi-Lung Cột Cầu  nơi được xác định là trung tâm của khu di tích khảo cổ học Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Hiện vật được phát hiện ở di chỉ Nhơn Thành còn trong tình trạng nguyên vẹn, hoàn hảo là tiêu bản duy nhất, độc bản ở các khu vực khảo cổ đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 2016, Tượng Phật Nhơn Thành đã được phát hiện, tại khu vực Đá Nổi-Lung Cột Cầu, thuộc vùng lõi địa tầng di tích khảo cổ học Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, ở độ sâu khoảng 0,6m so với mặt đất. Hiện vật là một minh chứng phản ánh diện mạo đời sống văn hóa xã hội của cư dân Óc Eo trong thời kỳ này.
Triển lãm ảnh sẽ diễn ra từ nay đến hết ngày 25/5/2019; Riêng trưng bày chuyên đề, sẽ phục vụ nhân dân trong và ngoài thành phố Cần Thơ, từ nay đến hết ngày 15/8/2019.

Ngọc Hân (VP)
Các bài viết khác:
Hội nghị Tổng kết Đảng bộ Sở VHTTDL năm 2021   (14/01/2022)
Hội nghị tổng kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2021   (08/01/2022)
Thành phố Cần Thơ tổ chức Chương trình nghệ thuật chào năm mới 2022   (01/01/2022)
Hội thảo khoa học đóng góp ý kiến về thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển kinh tế ban đêm thành phố Cần Thơ   (29/12/2021)
Thành phố Cần Thơ đưa Đường đèn nghệ thuật vào hoạt động   (29/12/2021)
<<  <  1  2  3  4  5  ...    >>