“VÀI DƯỠNG CHẤT” CHO HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

Gia đình là tế bào của xã hội, vì vậy, xã hội muốn phát triển thì tế bào ấy phải khỏe mạnh. Cuộc sống gia đình được bắt đầu từ hôn nhân, nếu chúng ta chưa xây dựng được một tình yêu hôn nhân bền vững thì gia đình có lẽ rất khó hạnh phúc. Làm thế nào để xây dựng gia đình hạnh phúc?
Lưu niệm gia đình – đường bích học Trần Quốc Toản. Ảnh: Triệu Vinh

Hôn nhân là một trong những thiết chế quan trọng nhất ảnh hưởng đến cuộc sống và hạnh phúc của con người. Trong đó đòi hỏi người nam và người nữ tự chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình sẽ cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc bằng những lời hứa sẽ yêu nhau, chung thủy với nhau, chịu trách nhiệm với nhau đến trọn đời. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn là 77,5%. Trong đó, dân số đang có vợ/chồng chiếm 69,2%, dân số đã ly hôn hoặc ly thân chiếm 2,1%. Tại sao các đôi tình nhân kết hôn rồi lại ly hôn?

Tình cảm con người theo quy luật thích ứng sẽ bị “chai sạn” theo thời gian vì những lý do khác nhau. Một trong những lý do hôn nhân đổ vỡ là cả hai vợ chồng không nhận ra dấu hiệu của cuộc hôn nhân đang xuống dốc để có thể “hâm nóng” lại tình yêu. Làm thế nào để nhận ra dấu hiệu hôn nhân đang xuống dốc. Có nhiều dấu hiệu để nhận biết, trong đó có ba thói quen cơ bản nên tránh: Thói quen chỉ trích, thói quen đổ lỗi, thói quen cằn nhằn. Nếu để ý quan sát thì trong cuộc hôn nhân đang có biểu hiện xuống dốc chúng ta dễ lắng nghe lời nói của hai vợ chồng đầy những lời chỉ trích. Nói một cách khôi hài thì đây là một bản hòa âm chỉ trích như cô ấy là kẻ lắm lời”, “anh ấy là kẻ thiếu quan tâm”. Từ chỉ trích đến đổ lỗi và những cuộc đối thoại trong hôn nhân giữa những cặp vợ chồng không hạnh phúc tràn ngập sự đổ lỗi như “tại anh ấy mà tôi phải khổ”, “tại cô ấy mà con hư”Bất cứ khi nào chúng ta tin rằng thói xấu của đối phương làm cho bản thân mình đau khổ thì thái độ chỉ trích dần dần leo thang sẽ biến thành một cuộc tranh cãi. Sau đó, nếu tranh luận tiếp tục, một trong hai vợ chồng sẽ bắt đầu cằn nhằn, trách móc. Nhà tâm lý học William Glasser đã chỉ ra rằng kiểm soát bên ngoài là dấu hiệu của hôn nhân không hạnh phúc là do thói quen muốn kiểm soát đối phương. Chúng ta không thể thay đổi người khác bởi vì thực chất không ai muốn mình bị điều khiển. Điều quan trọng nhất trong cuộc sống hôn nhân là mỗi người tự thay đổi chính mình.

 

Tình yêu là dưỡng chất tuyệt vời tạo nên hạnh phúc gia đình. Trong tâm lý học tình yêu, tiến sĩ tâm lý học Robert Sternberg đã chỉ rõ có ba dưỡng chất quan trọng để tạo nên hạnh phúc trong tình yêu hôn nhân: Thân mật, đam mê và cam kết ràng buộc với nhau trọn đời.

Thân mật (intimacy) là những cảm xúc gần gũi, kết nối và gắn bó trong các mối quan hệ yêu thương. Đây là thành phần quan trọng giúp duy trì hôn nhân bền vững, dài lâu. Khi các cặp vợ chồng thân mật nhau nghĩa là thấu cảm và chấp nhận nhau về mọi mặt. Chính sự thấu cảm và chấp nhận nhau trong mối quan hệ hôn nhân giúp cho hai bên dễ dàng chấp nhận, không phán xét nhau. Tình yêu biết chấp nhận mới có thể kết nối hai tâm hồn bền chặt và dễ dàng chữa lành những tổn thương cho nhau khi có những mâu thuẫn xảy ra. Sống chung với nhau lâu ngày, vợ chồng không tránh khỏi những va chạm hoặc bộc lộ những thiếu sót và chính tình yêu biết chấp nhận là một trong những dưỡng chất giúp cho vợ chồng biết tha thứ cho nhau. Tình yêu biết chấp nhận nuôi dưỡng hạnh phúc hôn nhân gia đình.

Đam mê (passion) là những cảm xúc say đắm nhau cả thể xác lẫn tinh thần. Đây là một trong những thành phần tạo động lực cả hai vợ chồng mong muốn ở bên nhau bởi những hấp dẫn về nhau. Sự hấp hẫn cả về thể xác lẫn tinh thần làm cho các cặp vợ chồng mong muốn ở bên nhau đến trọn đời. Rõ ràng tình yêu có cảm xúc say mê nhưng tình yêu đâu chỉ say mê nhau về thể xác (sex) mà trong tình yêu người ta còn say mê về tâm hồn của nhau. Phải chăng những cuộc hôn nhân đổ vỡ là do chưa thỏa mãn được nhu cầu thể xác của nhau? Tình yêu có cảm xúc say mê nhưng sự say mê đơn thuần về thể xác không phải là duy nhất của một tình yêu lâu dài. Say mê sẽ lắng xuống theo thời gian và thay vào đó là trách nhiệm, tha thứ những thiếu sót và lỗi lầm của nhau. Để có cuộc hôn nhân hạnh phúc đòi hỏi cả hai bên điều tiết những nhu cầu chính đáng của nhau. Nếu hôn nhân chưa hạnh phúc, hai bên tự điều chỉnh bản thân để điều tiết mối quan hệ hơn là sự chia ly.

Quyết định/cam kết (decision/commitment) ở bên nhau dài lâu. Mỗi người tự chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Ra quyết định có trách nhiệm giúp cho vợ chồng biết chịu trách nhiệm cùng nhau xây dựng một đời sống hôn nhân hạnh phúc. Mỗi quyết định duy trì hay chấm dứt cuộc hôn nhân đều dựa trên sự thấu hiểu chiều sâu hạnh phúc gia đình. Một gia đình hạnh phúc đâu phải chỉ có tiếng cười, sự thỏa mãn nhu cầu tuyệt đối, mà gia đình hạnh phúc ở đó có sự sẻ chia cùng nhau vượt qua khó khăn, nâng đỡ tâm hồn cho nhau. Quyết định ràng buộc với nhau có nghĩa là cùng nhau vượt khó. Khó khăn lớn nhất để xây dựng hôn nhân hạnh phúc có lẽ không phải là sự thiếu thốn về nhu cầu sinh học hay sự thiếu thốn tiện nghi trong gia đình. Khó khăn lớn nhất để xây dựng một tình yêu vững bền là vợ chồng có được một tình yêu vô điều kiện và biết chấp nhận nhau hay không

Tóm lại, để xây dựng một gia đình hạnh phúc trước hết phải xây dựng đời sống hôn nhân hạnh phúc. Trong hôn nhân hãy nhớ rằng không ai muốn mình bị kiểm soát, bị điều khiển. Mỗi người trong hôn nhân nên học cách đối xử với nhau không chỉ mối quan hệ với bạn đời mà còn học cách đối xử với những người xung quanh trong mối quan hệ đó. Đổ lỗi cho nhau và cảm thấy bản thân bất hạnh vì “lỗi lầm” của đối phương không phải là phương thuốc tốt để chữa lành nỗi đau trong hôn nhân. Bản giao ước hôn nhân được xây dựng không chỉ là cảm xúc say mê mà ở đó có sự thấu cảm, có sự khoan dung, có trách nhiệm, có sẻ chia, có tự nguyện chấp nhận nhau. Trong hôn nhân nếu có những mâu thuẫn xảy ra, đừng chịu đựng nỗi đau mà hãy đối diện với nỗi đau và tìm cách chữa lành trong yêu thương./.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Phượng Khoa Sư phạm, Đại học Cần Thơ

Các bài viết khác:
KHAI MẠC NGÀY HỘI GIA ĐÌNH TIÊU BIỂU CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TÂY NAM BỘ LẦN THỨ I, NĂM 2018   (01/12/2018)
Ngày hội Gia đình tiêu biểu các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ lần thứ I, năm 2018 – Những bước khởi động   (17/10/2018)