Hội nghị sơ kết 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2021 ngành Tài nguyên và môi trường TP. Cần Thơ.
Nhằm sơ kết, đánh giá những kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế, vướng mắc khó khăn của ngành trong 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ kế hoạch và đề ra các giải pháp thực hiện những tháng cuối năm 2021; Sáng ngày 9/10/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Cần Thơ đã tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác quản lý tài nguyên và môi trường 9 tháng đầu năm 2021.

Về dự Hội nghị tại điểm đầu cầu Sở Tài nguyên & Môi trường có Ban Giám đốc Sở; Trưởng, phó các đơn vị thuộc Sở; Chủ tịch Công đoàn và Bí thư Đoàn cơ sở Sở Tài nguyên & Môi trường; tại đầu cầu các quận huyện gồm lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường; Lãnh đạo Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận, huyện. Đ/c Đỗ Thanh Thảo - Thành ủy viên – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc sở chủ trì Hội nghị.


Theo Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, trong 9 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến hết sức phức tạp, tuy nhiên, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố cùng với sự hỗ trợ của sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện đã giúp cho Sở Tài nguyên và Môi trường từng bước tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác chuyên môn; công tác cải cách hành chính có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn giảm rất nhiều so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý và xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến chất thải y tế tại các khu cách ly y tế tập trung, bệnh viện dã chiến; xử lý các vướng mắc về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt hiện đạt 98,42%, vượt chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao, Cụ thể:

Về công tác quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường đã Hoàn thành thẩm định và trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của 9/9 quận, huyện; Hoàn thành công tác kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 và Thống kê đất đai năm 2020 trên địa bàn thành phố, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.Tham mưu tổng hợp trình Danh mục bổ sung các dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa (dưới10ha) và danh mục dự án thực hiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa (trên 10ha) năm 2021 và đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua tại Nghị quyết 04/NQ-HĐND ngày 05/3/2021. Tham mưu trình Hội đồng nhân dân thành phố ban hành danh mục bổ sung các dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa (dưới 10ha) năm 2021 và điều chỉnh, bổ sung danh mục công trình, dự án vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016-2020 (đã được HĐND thành phố thông qua tại Nghị quyết số 50/NQ-HĐND, Nghị quyết số 51/NQ-HĐND ngày 27/8/2021). Đồng thời, phối hợp quận, huyện tổng hợp kết quả thực hiện Nghị quyết 41/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 và Nghị quyết 04/NQ-HĐND ngày 05/3/2021 của Hội đồng nhân dân thành phố. Thực hiện thu hồi đất 06 trường hợp với diện tích 21,32 ha; giao đất 12 tổ chức với diện tích 12,62 ha; cho thuê đất 22 tổ chức với diện tích 66,4 ha; chuyển mục đích sử dụng đất 01 tổ chức với diện tích 0,95 ha. Thực hiện đo đạc và chuyển hồ sơ kỹ thuật cho 1101 trường hợp với tổng diện tích 257,83 ha. Thẩm định 58 hồ sơ trích đo địa chính với tổng diện tích 294,8 ha để phục vụ công tác khai thác quỹ đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, xin chủ trương chuyển nhượng và chuyển mục đích sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… cho các đơn vị, tổ chức trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Tập trung triển khai Đề án khai thác quỹ đất giai đoạn 2017-2021 Khu đô thị mới Võ Văn Kiệt (Giai đoạn 1, diện tích 35ha): Phối hợp với UBND quận Bình Thủy rà soát nguồn nền tái định cư do quận đang quản lý với số lượng khoảng 40 nền để bố trí cho các hộ dân đủ điều kiện tái định cư tại phường Long Tuyền.

Công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường được tiếp tục thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Trong 9 tháng đầu năm, Sở đã thực hiện 10 cuộc thanh tra (05 cuộc theo kế hoạch, 05 cuộc đột xuất)  về đất đai, môi trường, khoáng sản và tài nguyên nước, đối với 38 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố. Hiện đã ban hành kết luận thanh tra 07 cuộc; đang hoàn thiện kết luận thanh tra 02 cuộc; tạm dừng 01 cuộc (do thực hiện việc giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn địa bàn thành phố Cần Thơ). Tiếp nhận và xử lý 06 trường hợp phản ánh ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Cần Thơ qua đường dây nóng của Tổng cục Môi trường. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo: tiếp dân 07 lượt. Tiếp nhận và xử lý 23 đơn thư qua đường bưu điện. Thẩm tra xác minh, tham mưu giải quyết 15/23 vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền của UBND thành phố giao. Bên cạnh đó, tham dự các phiên Tòa Sơ – Phúc thẩm (đại diện theo ủy quyền của UBND thành phố và dự với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Chủ tịch UBND thành phố).

Công tác quản lý môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu: Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thành công Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, diễn ra từ ngày 12-13/3/2021 tại thành phố Cần Thơ. Phối hợp tuyên truyền, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Giờ Trái Đất, Ngày Nước thế giới năm 2021 trên địa bàn thành phố. Triển khai xây dựng kế hoạch tổ chức Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày môi trường thế giới năm 2021 với chủ đề “phục hồi hệ sinh thái”. Tiếp tục triển khai tốt công tác thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt khoảng 98,42%. Tham mưu xử lý kịp thời công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và y tế phát sinh do dịch bệnh Covid-19 ở các bệnh viện dã chiến, các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu cách ly, phong tỏa và các điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 góp phần thực hiện mục tiêu phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố. Tham mưu ban hành Quyết định phê duyệt Bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án xử lý chôn lấp chất thải tro bay của Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Cần Thơ; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xét hồ sơ thầu kêu gọi dự án đầu tư Khu chôn lấp tro bay và Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường. Tham mưu giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quận Ô Môn và Thốt Nốt. Phối hợp với Tổ chức JICA triển khai dự án Thí điểm mô hình phân loại rác quy mô nhỏ tại thành phố Cần Thơ. Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố tiếp tục giam gia giai đoạn 3 của Chương trình Đô thị biển. Công tác quan trắc môi trường được thực hiện định kỳ theo kế hoạch. Dự án Xây dựng mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường thành phố Cần Thơ giai đoạn 2019 - 2025, tầm nhìn đến 2030 đã được UBND thành phố thống nhất chủ trương thực hiện nhiệm vụ, được giao kinh phí thực hiện là 1.109.521.000 đồng, hiện đang tiếp tục triển khai các bước tiếp theo của dự án. Tiếp tục phối hợp Tổ chức Làm sạch biển triển khai vận hành thử nghiệm phi dự án “Thu gom tự động rác nổi trên sông tại thành phố Cần Thơ”. Triển khai Hợp phần biến đổi khí hậu thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020; trình UBND phê duyệt “Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu” theo khung hướng dẫn của GCom (Thỏa thuận toàn cầu của các Thị trưởng về Khí hậu và Năng lượng). Tăng cường hợp tác các tổ chức quốc tế về quản lý chất lượng không khí, kiểm kê khí thải, ứng dụng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, thành phố Cần Thơ được vinh dự nhận Giải thưởng các thành phố ASEAN bền vững về môi trường năm 2021.

Công tác cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản, khai thác sử dụng tài nguyên nước mặt, nước dưới đất và xả nước thải vào nguồn nước được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Áp dụng chủ trương hạn chế khai thác nước dưới đất, hạn chế tối đa việc khai thác, sử dụng nước dưới đất, tăng cường khai thác nước mặt, nơi có nước máy đủ cung cấp (đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng) thì không cấp phép (mới) khai thác nước dưới đất. Báo cáo, đánh giá nguồn lực tài nguyên thiên nhiên giai đoạn 2016-2020, trong đó nêu rõ chính sách, cải cách của Chính phủ trong việc quản lý khai thác, sử dụng và phát huy nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, kết quả đạt được, những hạn chế tồn tại trong công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường và có kiến nghị giải pháp nâng cao công tác quản lý hiệu quả. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Báo cáo tài nguyên nước quốc gia năm 2020 theo quy định tại Thông tư số 31/2018/TT-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định biểu mẫu, báo cáo tài nguyên nước. Tường xuyên phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố, Đài Khí tượng thủy văn thành phố theo dõi diễn biến thời tiết, thủy văn trên địa bàn thành phố Cần Thơ; cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn kịp thời, đầy đủ, nâng cao độ chính xác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống thiên tai trên địa bàn thành phố.

 

Tuy nhiên, Bên cạnh những kết quả đạt được theo yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc: Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ kéo dài nên một số hoạt động ngoại nghiệp phải tạm ngưng như: đo đạc, kiểm đếm, một số cuộc thanh tra chuyên ngành bị hoãn lại; công tác xác minh các vụ việc khiếu nại phải tạm dừng do không thể tổ chức làm việc và đối thoại trực tiếp với người khiếu nại; Kế hoạch kiểm soát ô nhiễm ở các doanh nghiệp và thẩm định tờ khai nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp; tổ chức tập huấn, phổ biến văn bản pháp luật; Kế hoạch hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn (vào tháng 9 hằng năm) bị chậm tiến độ so với kế hoạch được giao…Trong công tác tham mưu thực hiện các dự án: do tình hình dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp, các đơn vị nhà thầu thi công thực hiện 03 dự án (Thới Lai, Thốt Nốt, VILG) đều ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trong quý 2 và quý 3/2021 các địa phương trên và thành phố Cần Thơ đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nên các nhà thầu thi công đã gửi văn bản xin tạm dừng thực hiện các phần việc theo kế hoạch năm 2021 đề ra. Việc  này đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, cũng như việc giải ngân vốn thực hiện dự án. Việc thẩm định, trình phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2021; tổng hợp danh mục dự án cần thu hồi còn chậm. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản (trong đó có vốn giải phóng mặt bằng) bố trí cho quận, huyện còn thấp nên việc bố trí vốn để xây dựng các công trình, dự án còn hạn chế, dẫn đến tiến độ thu hồi đất  của một số quận, huyện còn chậm.  Trách nhiệm của người sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất chưa cao dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất đai; sử dụng đất không đúng mục đích; vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố; không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi sử dụng các quyền của người sử dụng đất; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng đất… dẫn đến sử dụng đất không hiệu quả. Việc tham mưu xử lý triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường tại bãi rác phường Phước Thới, Ô Môn, bãi rác xã Đông Thắng, Cờ Đỏ, bãi rác phường Trung Kiên, Thốt Nốt cần nguồn kinh phí lớn để xử lý triệt để. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu phương án đóng cửa, tuy nhiên thành phố chưa bố trí được nguồn kinh phí thực hiện. Tại một số dự án, hộ dân do không đồng tình với chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và đơn giá bồi thường về đất, nhà, vật kiến trúc nên chưa hợp tác trong việc đo đạc, kiểm đếm cũng như nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo Quyết định phê duyệt của cấp thẩm quyền và bàn giao mặt bằng cho dự án. Trụ sở làm việc Sở Tài nguyên và Môi trường hiện rất chật hẹp, qua thời gian dài chưa được nâng cấp, sửa chữa nên đến nay đã xuống cấp trầm trọng. Nhất là Văn phòng Đăng ký đất đai và các Chi nhánh quận, huyện hiện đang quá tải, chưa đảm bảo không gian làm việc; Kho lưu trữ diện tích nhỏ, trong khi lượng hồ sơ ngày càng tăng, hồ sơ lưu những năm trước đây chỉ được chỉnh lý sơ bộ, các sơ mi lưu hiện đã cũ, rách chưa có kinh phí làm lại. Bản đồ giấy hiện nay đã cũ, rách không còn đáp ứng được công tác cập nhật dữ liệu. Chức năng, nhiệm vụ của Sở đa ngành, đa lĩnh vực, mỗi lĩnh vực có nhiều văn bản quy định, nhiều vụ việc phức tạp xảy ra ở các giai đoạn trước cần phải nghiên cứu, vận dụng các văn bản qua các thời kỳ, vì vậy, tiến độ tham mưu các nhiệm vụ do Ủy ban nhân dân thành phố giao đôi khi còn chậm so với thời gian quy định.

Về phương hướng, nhiệm vụ những tháng tới, Báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm trong 3 tháng cuối năm như sau: Tham mưu triển khai công tác lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) của thành phố Cần Thơ; thẩm định và trình UBND thành phố phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 của huyện Vĩnh Thạnh, huyện Thới Lai, huyện Cờ Đỏ, huyện Phong Điền và Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện.  Tiếp tục phối hợp với UBND quận, huyện, sở ban ngành rà soát, trình UBND thành phố ban hành Quyết định điều chỉnh bảng giá các loại đất kỳ 5 năm (2020-2024) đảm bảo phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội địa phương; Quyết định quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với các loại đất và Quy định về các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý để thực hiện việc giao đất, cho thuê đất; Quyết định quy định về mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đối với từng loại vi phạm quy định tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Tham mưu Danh mục các dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất năm 2022 để trình Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp cuối năm 2021. Đồng thời, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện thu hồi đất và chuyển mục đích đất trồng lúa tại các Nghị quyết: Nghị quyết số 41/NQ-HĐND ngày 04/12/2020, Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 05/3/2021 và Nghị quyết số 50/NQ-HĐND ngày 27/8/2021 của Hội đồng nhân dân thành phố. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị, tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên địa bàn thành phố để kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố xử lý đối với các trường hợp sử dụng đất sai mục đích và không đúng quy định pháp luật đất đai nhằm tạo quỹ đất sạch để thu hút các dự án đầu tư có sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.  Tích cực phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tăng cường trong công tác hướng dẫn, tổ chức thực hiện về bồi thường, hỗ trợ tái định cư; thanh tra, kiểm tra theo dõi, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.  Tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện tại các dự án trọng điểm như: Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (các hạng mục: Đường và cầu Trần Hoàng Na quận Ninh Kiều; Đường và cầu Trần Hoàng Na quận Cái Răng, Đường song hành Trần Hoàng Na - IC3; Đường nối Cách Mạng Tháng 8 (QL91) đến đường tỉnh 918); Khu đô thị mới Võ Văn Kiệt (35ha); Khu đô thị tái định cư Cửu Long;…  Rà soát, tham mưu giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các dự án khu dân cư, khu tái định cư trên địa bàn thành phố. Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt đạt hiệu quả, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm; thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến các đối tượng thanh tra để kịp thời điều chỉnh kế hoạch thanh tra phù hợp với tình hình thực tế. Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn. Tổ chức các kế hoạch phối hợp tuyên truyền bảo vệ môi trường với các tổ chức chính trị, xã hội. Đẩy mạnh thực hiện phong trào Chống chất thải nhựa năm 2021. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất thải rắn, nhất là các giải pháp thu gom, vận chuyển xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải y tế có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tiếp tục tham mưu các giải pháp xử lý tro xỉ, tro bay của Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt (Thới Lai); xử lý triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường của bãi rác Ô Môn, Thốt Nốt, Cờ Đỏ. Triển khai hiệu quả các dự án đã có chủ trương, tham mưu triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó lồng ghép lộ trình tham mưu ban hành các văn bản pháp quy quy định chi tiết Luật làm cơ sở pháp lý để tham mưu các Quy định đấu thầu thu gom vận chuyển rác, quy hoạch/xây dựng các trạm trung chuyển, các tuyến đường thu gom rác, phân loại chất thải rắn sinh hoạt, xử lý chất thải rắn không đốt được, chất thải rắn cồng kềnh. Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu tại thành phố Cần Thơ; Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Phối hợp, hỗ trợ các sở ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế thông tin về tình hình BĐKH trên địa bàn thành phố. Đẩy nhanh tiến độ các dự án: Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (Dự án VILG); Xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai quận Thốt Nốt, huyện Thới Lai, huyện Cờ Đỏ; dự án Điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai thành phố Cần Thơ; dự án sửa chữa, nâng cấp trụ sở cơ quan. Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy định về quản lý hoạt động khoáng sản thay thế Quyết định số 04/2014/QĐ-UBND ngày 01 tháng 4 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về quản lý hoạt động khoáng sản. Tiếp tục tuyên truyền phổ biến pháp luật, cập nhật thông tin kịp thời các phương tiện khai thác cát. Triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch khoáng sản, khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm khai thác khoáng sản. Cấp phép hoạt động khoáng sản theo đúng quy hoạch. Kiểm tra tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với doanh nghiệp khai thác khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước đối với các tổ chức, cá nhân đang hoạt động khai thác và xả thải nhằm quản lý, kiểm soát hiệu quả nguồn nước cấp sinh hoạt cho người dân. Tiếp tục rà soát, xắp xếp kiện toàn cơ cấu, tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 và sắp xếp, kiện toàn đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 120/2020/NĐ- CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ. Rà soát, tham mưu sửa đổi Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường phù hợp với các quy định mới. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tham gia xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Sở Tài nguyên và Môi trường, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, đảm bảo người dân có thể tiếp cận, sử dụng dịch vụ công ích mọi lúc, mọi nơi.

 

Thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc, đồng chí Đỗ Thanh Thảo - Thành ủy viên - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã kết luận Hội nghị; Đ/c đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong 9 tháng qua, đồng thời cũng nhấn mạnh một số hạn chế cần nhanh chóng khắc phục đó là còn hiện tượng đùn đẩy nhau do sợ trách nhiệm, dẫn đến hồ sơ chuyển tới, chuyển lui giữa các đơn vị với nhau. Đ/c cũng đánh giá cáo các ý kiến tâm huyết đã phát biểu tại Hội nghị. Về định hướng công tác trong những tháng tới, Đ/c nhấn mạnh tiếp tục quán triệt chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng phòng, đơn vị thuộc sở, đặc biệt là triển khai thực hiện Thông tư Liên tịch mới ban hành; Tập trung rà soát và có giải pháp thực hiện hòan thành các nhiệm vụ được giao, đặc biệt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt còn thấp; Hết sức chấp hành các quy định, khuyến cáo về phòng chống dịch covid; Tập trung khắc phục các hạn chế, tồn tại đã được nêu trong báo cáo, đặc biệt là tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, phối hợp tốt giải quyết các công việc giữa các đơn vị liên quan; Tổ chức thực hiện tốt quy chế làm việc, đồng thời tiếp tục sửa chữa hoàn thiện quy chế làm việc của Sở; Đối với Phòng Tài nguyên và Môi trường các quận, huyện phải lưu ý tham mưu thực hiện đúng thời gian quy định về kế hoạch sử dụng đất năm 2022, danh mục thu hồi đất năm 2022 của địa phương.


Minh Hà.