SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ - 15 NĂM CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN

 Sở Tài nguyên và Môi trường đi lên cùng sự phát triển của TP.Cần Thơ

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thành phố quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường gồm: Đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý và tổ chức thực hiện các dịch vụ công về các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng của Sở.

Sở TN&MT ngày nay được thành lập từ Chi cục Quản lý ruộng đất, rồi đến Chi cục Quản lý đất đai vào những năm 1980; sau đó được đổi tên thành Sở Địa chính. Qua nhiều lần đổi tên, từ năm 2010 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ được thành lập theo Quyết định số 2605/QĐ-UBND ngày 22/9/2010 của UBND thành phố Cần Thơ

Cùng với sự phát triển của đất nước nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng trong 15 năm qua, Sở TN&MT đã và đang không ngừng kiện toàn tổ chức bộ máy tại địa phương; đội ngũ công chức, viên chức đã có sự trưởng thành về năng lực, kiến thức, kỹ năng, tính chuyên nghiệp, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; cơ sợ̉t chất, trang thiết bị phục vụ công tác ngày càng hiện đại, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn TP.Cần Thơ đã từng bước đi vào nề nếp, ổn định hơn so với những năm trước đây, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương. Đặc biệt trong năm 2013, Sở TN&MT Cần Thơ vinh dự được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, phối hợp tổ chức thành công các sự kiện với tầm ảnh hưởng lớn như sự kiện Ngày Nước Thế giới, lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, tổ chức triển khai Luật Đất đai năm 2013; Hội thao Ngành tài nguyên và môi trường khu vực phía Nam; đồng thời với sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Cần Thơ cùng với sự phối hợp chặt chẽ của UBND các quận, huyện, công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu theo Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc Hội và Chỉ thị số 1474/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành (đạt 99,81%), vượt chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ đề ra.

1. Những thành tựu nổi bật đã đạt được trong 15 năm qua:

Thứ nhất, Công tác thể chế hóa các chính sách, pháp luật của nhà nước luôn được quan tâm thực hiện, tạo thành hành lang pháp lý để tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, góp phần ổn định kinh tế - xã hội tại địa phương. Từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, Sở đã kịp thời tham mưu UBND thành phố ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai thuộc thẩm quyền của thành phố (Bảng giá đất 5 năm (2015-2019); Quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Quy định hạn mức đất ở; Quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở và đất nông nghiệp; Quy chế quản lý đất công…), đã góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn TP.Cần Thơ. Chủ động tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các chính sách, pháp luật về đất đai theo quy định mới; tích cực triển khai chương trình hành động của địa phương nhằm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Thứ hai, Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016 - 2020) của TP. Cần Thơ đã được Chính Phủ phê duyệt. Trên cơ sở quy định của Luật Đất đai năm 2013, từ năm 2015 đến nay thành phố đã phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của 09/09 quận, huyện theo đúng tiến độ quy định, làm cơ sở kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất và giải quyết các thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn thành phố theo đúng quy hoạch, kế hoạch được duyệt. Nhìn chung, công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cải tiến, có sự gắn kết với quy hoạch xây dựng, quy hoạch các ngành và lồng ghép với công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, tạo sự hợp lý trong quản lý và sử dụng đất trên địa bàn thành phố. Thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc quản lý, sử dụng đất bước đầu đã được đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ được môi trường sinh thái; phát huy được nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng nông thôn mới; quỹ đất sản xuất nông nghiệp đã được khoanh định một cách hợp lý theo nguyên tắc bảo vệ nghiêm ngặt quỹ đất chuyên trồng lúa nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực; đóng góp tích cực và hiệu quả trong việc khai thác và đưa vào sử dụng diện tích đất chưa sử dụng một cách hợp lý.

  Thứ ba, Đẩy mạnh thực hiện các dự án quy hoạch ngành để làm cơ sở quản lý, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, khoáng sản, nước, môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn địa bàn thành phố. Trong đó dự án quy hoạch tài nguyên khoáng sản; các dự án về ứng phó biến đổi khí hậu, dự án đa dạng sinh học đã được phê duyệt. Đặc biệt Dự án Tăng cường năng lực quan trắc và phân tích chất lượng môi trường được đầu tư kinh phí và trang thiết bị hiện đại đứng đầu khu vực ĐBSCL. Hiện nay thành phố đã lắp đặt 05 trạm quan trắc môi trường, trong đó có 01 trạm quan trắc khí đặt tại Trạm cảnh sát Hưng Phú và 04 trạm quan trắc nước tự động đặt tại thượng, hạ nguồn sông Hậu và các điểm khu công nghiệp, họng cấp nước của thành phố để kịp thời dự báo, đánh giá chất lượng môi trường, diễn biến xâm nhập mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ tư, Công tác thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được quan tâm chỉ đạo thực hiện đúng quy định pháp luật, kịp thời đề xuất các chủ trương, chính sách góp phần tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ giải phóng giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của Trung ương (các dự án công trình giao thông) và của địa phương (các dự án của Tập đoàn Vingroup, tập đoàn Lotte, Khách sạn Mường Thanh, FPT, Kinderworld, Trung tâm Văn hóa Tây Đô, Trung tâm Hội nghị quốc tế, Kè Sông Cần Thơ…). Tổ chức thu hồi đạt 100% đối với diện tích 5% - 10% quỹ đất đủ điều kiện thu hồi tại các dự án khu dân cư, là nguồn bố trí tái định cư cho các hộ dân. Tham mưu Thành ủy, UBND thành phố triển khai Đề án khai thác quỹ đất giai đoạn 2017-2021 nhằm thu hút đầu tư vào Thành phố; tổng các nguồn thu ngân sách từ lĩnh vực tài nguyên và môi trường hàng năm đạt trên 1.000 tỷ đồng. Đây là một sự nỗ lực rất lớn của ngành tài nguyên và môi trường để góp phần vào sự phát triển chung của thành phố.

 Thứ năm, Công tác thanh tra, kiểm tra đất đai, các hoạt động khai thác khoáng sản, nước và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố được tăng cường vì vậy việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường của người dân và doanh nghiệp dần đi vào nề nếp. Công tác cấp phép tài nguyên nước được Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao. Giải quyết khiếu nại đạt trên 90%, đáp ứng mục tiêu đề ra là không để vụ việc kéo dài, tình hình khiếu nại của người dân xung quanh lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản qua các năm đã giảm dần, không còn điểm nóng.

 Thứ sáu, Công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức cộng đồng bảo vệ tài nguyên và môi trường trên địa bàn thành phố được đẩy mạnh và duy trì thực hiện thông qua nhiều hình thức như tổ chức mittinh hưởng ứng Ngày Nước Thế giới, Giờ Trái đất, Ngày Môi trường Thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn… nhằm thay đổi dần và nâng cao ý thức của doanh nghiệp, người dân trong việc chấp hành pháp luật và tích cực bảo vệ môi trường. Đặc biệt, đổi mới công tác tuyên truyền bằng các mô hình điểm bảo vệ môi trường như “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông, bảo vệ môi trường”, “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” đã thu hút sự tham gia hưởng ứng đông đảo trong cộng đồng. Đặc biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND thành phố phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị quốc tế “Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu” tổ chức tại thành phố Cần Thơ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, với sự tham gia của 800 đại biểu trong và ngoài nước nhằm xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn để phát triển bền vững vùng ĐBSCL tầm nhìn đến năm 2100. Với những nỗ lực của các ngành, các cấp và nhân dân thành phố, tại Lễ trao Giải thưởng thành phố bền vững về môi trường ASEAN lần thứ 4 tại Brunei năm 2017, thành phố Cần Thơ đã vinh dự được trao Chứng chỉ thành phố không khí sạch ASEAN năm 2017, tiềm năng trở thành thành phố bền vững về môi trường ASEAN lần thứ 3.

Thứ bảy, Công tác cải cách hành chính được ngân hàng thế giới đánh giá cao về minh bạch thông tin đất đai trên Cổng thông tin điện tử; chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông ngày càng được nâng cao; tinh thần thái độ phục vụ nhân dân của công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, chỉ đạo sâu sát trong việc công khai minh bạch các chỉ tiêu tiếp cận đất đai từ cấp Sở cho tới quận, huyện để tổ chức thực hiện thống nhất nhằm góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) của thành phố. Bên cạnh đó, Sở tập trung nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố các giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về lĩnh vực đất đai cho doanh nghiệp trong công tác giao đất, cho thuê đất; giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư.

Nhờ làm tốt công khai minh bạch thông tin, chỉ số PCI về tiếp cận đất đai của TP.Cần Thơ tăng dần qua các năm 2015, 2016 và 2017, góp phần tăng hạng chỉ số PCI của TP.Cần Thơ. Từ những thành tựu đạt được, Sở TN&MT vinh dự được UBND TP. Cần Thợng Cờ Thi đua xuất sắc trong 3 năm liên tiếp 2013, 2014, 2015 và Cờ Thi đua xuất sắc năm 2009 và năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ghi nhận những đóng góp tích cực của ngành đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, ổn định dân sinh và đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của Thành phố.

2. Sẵn sàng đảm đương nhiệm vụ trong tình hình mới và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân

Tiếp tục kế thừa và phát huy những thành quả đạt được trong 15 năm qua cùng sự phát triển chung của thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ đề ra những nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường tại địa phương.

2.1. Lĩnh vực đất đai

- Tập trung hoàn thành dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tại các quận, huyện: Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ, Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Phong Điền. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, bảo đảm phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp khi tiếp cận đất đai thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh; trong đó cần xây dựng hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai để phục vụ việc quản lý, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai cho thống nhất ở các cấp theo quy định, đồng thời bảo đảm liên thông, tích hợp và chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin của các Sở, ngành.

- Hoàn thành dự án Điều tra, đánh giá thoái hóa đất trên địa bàn thành phố Cần Thơ nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện, chính xác, khoa học nguồn tài nguyên đất đai của thành phố, làm cơ sở đề xuất biện pháp tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai, khai thác sử dụng đất có hiệu quả cả về số lượng và chất lượng tài nguyên đất đai phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tích hợp vào cơ sở dữ liệu đất đai của thành phố nói riêng và của quốc gia nói chung, từ đó góp phần hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai hiện đại, tập trung và thống nhất.

- Nghiên cứu đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng tạo điều kiện thuận lợi trong việc tập trung, tích tụ đất đai, nhất là về hạn điền và thời gian thuê đất, nhằm khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, góp phần tạo động lực cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở địa phương phát triển nhanh và bền vững.

- Trình UBND thành phố ban hành Quyết định quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với các loại đất trên địa bàn thành phố; Quy chế quản lý đất công; Quyết định sửa đổi, bổ sung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn thành phố; quy chế phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng; quy chế phân công quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố. Tham mưu UBND thành phố ban hành khung giá các loại đất kỳ 5 năm (2020-2024).

- Tiếp tục xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể triển khai Đề án khai thác quỹ đất thành phố giai đoạn 2017 - 2021. Đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp khẩn trương đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng tại dự án để bàn giao 5% - 10% quỹ đất theo quy định; kịp thời bố trí tái định cư cho các hộ dân có đất bị ảnh hưởng bởi các dự án. Lập thủ tục bán đấu giá đối với các khu đất đã có chủ trương của UBND thành phố. Đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào thành phố.

2.2. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả

- Tập trung quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII); Chương trình số 27-CTr/TU ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng (khóa XII) “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Chương trình số 28-CTr/TU ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Thành ủy về thực hiện thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của công chức, viên chức và người lao động của đơn vị về mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung đổi mới sắp xếp tổ chức, bộ máy của cả hệ thống chính trị.

- Lập thủ tục bàn giao Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất về UBND các quận, huyện quản lý theo chủ trương Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

- Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp thuộc Sở theo hướng tinh gọn về số lượng đơn vị lẫn cơ cấu tổ chức, đối với các đơn vị có chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị hoặc dàn trải, phân chia chức năng, nhiệm vụ làm phát sinh đơn vị, cơ cấu tổ chức.

- Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính. Tiếp tục thực hiện rà soát, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập được nhà nước đảm bảo một phần kinh phí chi thường xuyên sang loại hình đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên.

2.3. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính

- Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình hành động Nâng cao chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công của thành phố Cần Thơ giai đoạn 2018-2020; quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Tập trung cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đề xuất cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, mất nhiều thời gian và chi phí cho tổ chức, cá nhân; nâng cao chất lượng xây dựng văn bản; kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tình trạng hồ sơ trễ hẹn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính. Tiếp tục hướng về cơ sở, tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các quận, huyện trong công tác chuyên môn. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng giải quyết công việc chuyên môn, đổi mới lề lối làm việc và thái độ phục vụ nhân dân và doanh nghiệp của công chức, viên chức.

- Đẩy mạnh các hình thức công khai, minh bạch thông tin về đất đai để người dân và doanh nghiệp nắm được thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và khung giá đất; công bố Bảng giá đất hàng năm; công khai chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận và giải quyết phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên Cổng thông tin điện tử của Sở.

- Tăng cường công tác kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

2.4. Lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Tiếp tục tổ chức thực hiện Quyết định số 1675/QĐ-TTg ngày 29 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn 2020 và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Tham mưu tốt giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai của nhân dân, không để xảy ra vụ việc kéo dài hoặc tạo điểm nóng.

2.5. Lĩnh vực môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

- Tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu tại thành phố Cần Thơ. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ giai đoạn 2015-2030 theo Quyết định số 1334/QĐ-UBND ngày 08 tháng 5 năm 2015 của UBND thành phố Cần Thơ.

- Tiếp tục tham mưu các giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng, cập nhật, thống kê các thông số về chất lượng môi trường không khí, nước, chất thải, tiếng ồn các khu vực trên địa bàn thành phố phục vụ quản lý môi trường thông minh theo Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 11/4/1017 của Thành ủy. Tiếp tục tăng cường phối hợp với các sở, ban ngành và quận, huyện tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân trong việc chấp hành pháp luật; tích cực bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

2.6. Lĩnh vực Khoáng sản và Tài nguyên nước

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, triển khai thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng, khoáng sản thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đảm bảo theo đúng quy định pháp luật hiện hành; đồng thời, phải phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố từng thời kỳ, bảo vệ môi trường, khai thác tiết kiệm, bảo vệ nguồn tài nguyên cát, chống sạt lở, ổn định bờ sông; đảm bảo nguồn cát dự trữ, phát triển bền vững.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động khai thác cát trên sông Hậu, việc chấp hành quy định của pháp luật về tài nguyên nước trên địa bàn thành phố.