Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020
Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015- 2020, Nghị quyết số 08/2015/NQ-HĐND ngày 04/12/2015 của Hội đồng nhân dân thành phố về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; Kế hoạch của UBND thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 440/QĐ-UBND ngày 24/02/2016 và Quyết định số 2722/QĐ-UBND ngày 26/8/2016 của Ủy ban nhân thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ đã kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch chỉ đạo thực hiện sát với tình hình đơn vị; tăng cường đổi mới lề lối làm việc; xây dựng quy chế, phân công công việc, trách nhiệm rõ ràng theo tinh thần “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Bên cạnh đó, thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện các mặt lãnh đạo, chỉ đạo điều hành để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế. Qua đó, kết quả nổi bật đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020 như sau:
Hình: Trụ sở làm việc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ

Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong thời gian qua đã từng bước đi vào nề nếp, ổn định hơn so với những năm trước đây, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương. Đội ngũ công chức, viên chức đã có sự trưởng thành về năng lực, kiến thức, kỹ năng, tính chuyên nghiệp, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác ngày càng hiện đại, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

I. Kết quả thực hiện

1. Quy hoạch, quản lý, khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên đất, nước và khoáng sản. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường

a. Công tác thể chế hóa các chính sách, pháp luật của nhà nước luôn được quan tâm thực hiện, tạo thành hành lang pháp lý để tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, góp phần ổn định kinh tế - xã hội tại địa phương. Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các văn bản  hướng dẫn thi hành Luật Đất đai thuộc thẩm quyền của thành phố. Cụ thể như: Quyết định sửa đổi, bổ sung bảng giá đất 5 năm (2015-2019); Quyết định ban hành quy định về hạn mức đất ở; quy định về hạn mức tách thửa đất nông nghiệp; Quy chế phối hợp trong công tác cấp giấy; sửa đổi quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; xây dựng quy chế phối hợp trong công tác bổi thường, hỗ trợ tái định cư; Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 20/3/2018 triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03 tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Đây là hành lang pháp lý đưa công tác quản lý đất đai đi vào nề nếp, đảm bảo tính khả thi, thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo sự ổn định về chính trị, xã hội tại địa phương. Trong đó, quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã góp phần đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư, đây là một bộ phận quan trọng trong công tác giải phóng mặt bằng, góp phần quyết định việc đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố.

Thành phố đã hoàn thành Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016 - 2020) thành phố Cần Thơ, đã được Chính Phủ phê duyệt. Trên cơ sở quy định của Luật Đất đai năm 2013, từ năm 2015 đến nay thành phố đã phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của 09/09 quận, huyện theo đúng quy định, làm cơ sở kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất và giải quyết các thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố theo đúng quy hoạch, kế hoạch được duyệt. Thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc quản lý, sử dụng đất bước đầu đã được đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ được môi trường sinh thái; phát huy được nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng nông thôn mới; quỹ đất sản xuất nông nghiệp đã được khoanh định một cách hợp lý theo nguyên tắc bảo vệ nghiêm ngặt quỹ đất chuyên trồng lúa nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực; đóng góp tích cực và hiệu quả trong việc khai thác và đưa vào sử dụng diện tích đất chưa sử dụng một cách hợp lý.

Hoàn thành Dự án đo đạc, lập bản đồ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quận Ô Môn và huyện Vĩnh Thạnh. Triển khai dự án xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai huyện Thới Lai và quận Thốt Nốt, dự án điều tra, đánh giá thoái hóa đất, để đưa công tác chỉnh lý biến động và cập nhật hồ sơ địa chính được chặt chẽ, đồng bộ.

Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; xây dựng bảng giá đất ngày càng được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý để địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân chấp hành chủ trương quy hoạch của Nhà nước, từ đó tạo sự đồng thuận của người bị thu hồi đất, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu theo Chỉ thị 1474/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ toàn thành phố đã cấp diện tích 137.745,49 ha/138.014,27 ha diện tích phải cấp, đạt tỷ lệ 99,81%, vượt chỉ tiêu của Quốc hội, Chính phủ đề ra.

b. Đẩy mạnh thực hiện các dự án quy hoạch ngành để làm cơ sở quản lý, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, khoáng sản, nước, môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn địa bàn thành phố. Trong đó dự án quy hoạch tài nguyên khoáng sản; các dự án về ứng phó biến đổi khí hậu, dự án đa dạng sinh học đã được phê duyệt. Đặc biệt Dự án Tăng cường năng lực quan trắc và phân tích chất lượng môi trường được đầu tư kinh phí và trang thiết bị hiện đại đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay thành phố đã lắp đặt 05 trạm quan trắc môi trường, trong đó có 01 trạm quan trắc khí đặt tại Trạm cảnh sát Hưng Phú và 04 trạm quan trắc nước tự động đặt tại thượng, hạ nguồn sông Hậu và các điểm khu công nghiệp, họng cấp nước của thành phố để kịp thời dự báo, đánh giá chất lượng môi trường, diễn biến xâm nhập mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thành phố đã chỉ đạo các sở ngành và địa phương thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước mặt phù hợp. Việc cấp phép khai thác tài nguyên nước thực hiện đúng quy định pháp luật tài nguyên nước, không cấp phép khai thác nước dưới đất đối với những khu vực có sẵn nguồn nước cấp để bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, hạn chế tình trạng sụt lún. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức điều tra, đánh giá tài nguyên nước; nâng cấp mạng lưới quan trắc và theo dõi đánh giá diễn biến tài nguyên nước, xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng khai thác và sử dụng; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý. Qua đó, nguồn tài nguyên nước trên địa bàn thành phố Cần Thơ được quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, ý thức tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên nước của nhân dân, doanh nghiệp ngày càng nâng cao.

Thành phố đã hoàn thành Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng, khoáng sản thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó, đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các quận huyện triển khai quán triệt, tổ chức thực hiện Quy hoạch đảm bảo theo đúng quy định pháp luật hiện hành; đồng thời, phải phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố từng thời kỳ, bảo vệ môi trường, khai thác tiết kiệm, bảo vệ nguồn tài nguyên cát, chống sạt lở, ổn định bờ sông; đảm bảo nguồn cát dự trữ, phát triển bền vững.

c. Chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá môi trường tác động môi trường ngày càng được nâng cao thông qua sự tham gia phản biện của các chuyên gia, các nhà khoa học của Trường Đại học Cần Thơ; Viện  lúa Đồng bằng sông Cửu Long… đồng thời, có sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan đến loại hình của dự án. Thông qua đánh giá tác động môi trường, đã giúp doanh nghiệp phân tích, dự báo tác động đến môi trường của dự án để đưa ra biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó. Trong giai đoạn 2016-2019, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định và trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt 142 dự án, ước thực hiện đến năm 2020 là 187 dự án.

Bên cạnh đó, thường xuyên thực hiện rà soát các quy hoạch, kế hoạch, các chương trình, dự án hiện chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường để đề xuất các biện pháp khắc phục; không đưa vào xây dựng, vận hành các dự án chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường; không phê duyệt quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Kiểm soát ô nhiễm tại nguồn được thực hiện nghiêm túc, quản lý các nguồn thải, phát thải khí nhà kính ngày càng được quan tâm; Áp dụng nhiều biện pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu các loại khí thải độc hại ra môi trường như: hạn chế hợp lý sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân, bước đầu tổ chức tốt hệ thống giao thông công cộng, các tuyến xe buýt công cộng đô thị và ngoại thành đã góp phần làm giảm áp lực xe máy, giảm ùn tắc giao thông và giảm khí thải phát sinh trong đô thị. Đối với các công trình đang thi công, đặc biệt chú ý biện pháp giảm thiểu khói bụi phát sinh trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và có biện pháp giám sát việc thực hiện giảm thiểu ô nhiễm khói bụi trong quá trình thi công.

2. Xây dựng hoàn thiện kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu dài hạn 2015-2030, tầm nhìn 2050. Nghiên cứu thực hiện các biện pháp chống ngập ở nội ô thành phố và bảo vệ vùng sản xuất nông nghiệp

Thành phố Cần Thơ luôn xác định công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 06 tháng 02 năm 2012; Kế hoạch thực hiện Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. nhằm chỉ đạo một cách triệt để công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo mục tiêu kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp phát triển bền vững thành phố Cần Thơ trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Thành phố đã ban hành Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2030 đề ra một số định hướng ứng phó để thành phố Cần Thơ mạnh mẽ và thích ứng hơn trong chủ động ứng phó biến đổi khí hậu. Đồng thời, ban hành các Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Quyết định số 2053/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu; Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020. Điều này cho thấy sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo thành phố trong việc thực hiện các giải pháp ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chú trọng tăng trưởng xanh để hướng đến phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, định hướng phát triển của thành phố trong điều kiện biến đổi khí hậu thời gian qua cũng được triển khai bằng các Kế hoạch thực hiện về Tăng trưởng xanh, Phát triển bền vững, cùng các nhiệm vụ về Chương trình mục tiêu Ứng phó với biến đổi khí hậu và nhiều nội dung khác… đều hướng đến sự tích hợp trong quản lý, trong quy hoạch và trong đầu tư phát triển đô thị. Các ngành, lĩnh vực đã bước đầu lồng ghép và xây dựng các giải pháp về phát triển ngành theo hướng bền vững, kết hợp với bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố trong từng giai đoạn phát triển.

Nhiều chương trình, dự án nâng cấp đô thị tiếp tục được thực hiện nhằm nâng cao khả năng thích ứng đô thị, vừa hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đê kè cũng như các hạ tầng kỹ thuật về môi trường, góp phần nâng cao khả năng chống chịu của thành phố trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Điển hình là dự án “Phát triển TP. Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng đô thị” do Ngân hàng thế giới tài trợ, với mục tiêu tăng cường khả năng chống chịu của thành phố trước những nguy cơ về ngập lụt và các ảnh hưởng từ việc đô thị hóa nhanh, không kiểm soát, cũng như tăng cường năng lực quản lý đô thị của chính quyền thành phố trong việc quản lý rủi ro thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần đảm bảo vai trò thành phố Cần Thơ là trung tâm kinh tế-xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời, tham gia tích cực vào các tổ chức, mạng lưới quốc tế nhằm chia sẻ, học hỏi những sáng kiến, giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu như tham gia Thỏa thuận các Thị trưởng Toàn cầu về Khí hậu và Năng lượng (GCoM), tham gia Mạng lưới các thành phố BreatheLife. Phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức nhiều hội thảo tập huấn về các thông tin, kiến thức về môi trường, biến đổi khí hậu, phát thải thấp… cho công chức, viên chức thành phố (tổ chức UN-Habitat Việt Nam, Viện Chiến lược Môi trường Toàn Cầu Nhật Bản, Tổ chức Không khí sạch Châu Á…)

Cùng với sự nỗ lực của thành phố và sự hợp tác có hiệu quả với các tổ chức tài trợ nước ngoài, Cần Thơ chính thức trở thành thành viên trong mạng lưới 100 thành phố trên toàn cầu có khả năng chống chịu (100RC) do Quỹ Rockefeller khởi xướng, với mục tiêu hỗ trợ thành phố xây dựng khung chiến lược có khả năng thích nghi, chống chịu trong tương lai với các vấn đề, áp lực cũng như cú sốc bất thường lên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường để thành phố phát triển một cách bền vững. Và tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 14 ngày 12 tháng 9 năm 2017, thành phố Cần Thơ được vinh danh, trao nhận “Chứng chỉ ASEAN thành phố tiềm năng để trở thành thành phố bền vững về môi trường lần thứ 3 về không khí sạch”. Đây là những động lực, thúc đẩy thành phố cố gắng nhiều hơn nữa để trở thành các thành phố kiểu mẫu của ASEAN trong việc giữ môi trường xanh, sạch và tiếp tục phát triển thành trung tâm hoạt động kinh tế của Vùng.

3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường

Công tác thanh tra, kiểm tra đất đai, các hoạt động khai thác khoáng sản, nước và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố được tăng cường, vì vậy thời gian qua việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường của người dân và doanh nghiệp dần đi vào nề nếp. Giải quyết khiếu nại đạt trên 90%, đáp ứng mục tiêu đề ra là không để vụ việc kéo dài, tình hình khiếu nại của người dân xung quanh lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản qua các năm đã giảm dần, không còn điểm nóng.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đã được tăng cường, tạo được sự đồng thuận cao, được dư luận và xã hội đồng tình, ủng hộ. Kết quả thực hiện giai đoạn năm 2015 - 2019 phát hiện khoảng 750 lượt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện những bất cập trong công tác quản lý môi trường và đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi phù hợp; phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng, phức tạp, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, thành phố tập trung chỉ đạo các sở ban ngành, UBND các quận, huyện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm kêu gọi toàn thể nhân dân chung tay bảo vệ môi trường, thực hiện phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng túi ni lông và các loại vật dụng nhựa sử dụng một lần; tích cực tăng cường tái chế, tái sử dụng để giảm gánh nặng ô nhiễm chất thải nhựa và sức khỏe của cộng đồng. Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc đưa tin, phát sóng các phóng sự, phim, ảnh về bảo vệ tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu. Thường xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường. Thông tin công bố công khai các hành vi vi phạm pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tạo dư luận xã hội, lên án nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

II. Mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển thành phố Cần Thơ giai đoạn 2020 - 2025

Tiếp tục kế thừa và phát huy những thành quả đạt được trong giai đoạn 2015-2020 cùng sự phát triển chung của thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đề ra những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2020 – 2025 như sau:

1. Lĩnh vực đất đai

- Tập trung hoàn thành dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tại các quận, huyện: Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ, Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Phong Điền. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, bảo đảm phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp khi tiếp cận đất đai thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh; trong đó cần xây dựng hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai để phục vụ việc quản lý, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai cho thống nhất ở các cấp theo quy định, đồng thời bảo đảm liên thông, tích hợp và chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin của các Sở, ngành.

- Hoàn thành dự án Điều tra, đánh giá thoái hóa đất trên địa bàn thành phố Cần Thơ nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện, chính xác, khoa học nguồn tài nguyên đất đai của thành phố, làm cơ sở đề xuất biện pháp tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai, khai thác sử dụng đất có hiệu quả cả về số lượng và chất lượng tài nguyên đất đai phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tích hợp vào cơ sở dữ liệu đất đai của thành phố nói riêng và của quốc gia nói chung, từ đó góp phần hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai hiện đại, tập trung và thống nhất.

- Nghiên cứu đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng tạo điều kiện thuận lợi trong việc tập trung, tích tụ đất đai, nhất là về hạn điền và thời gian thuê đất, nhằm khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, góp phần tạo động lực cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở địa phương phát triển nhanh và bền vững.

- Thường xuyên rà soát, tham mưu UBND thành phố sửa đổi, bổ sung bảng giá các loại đất kỳ 5 năm (2020-2024).

- Tiếp tục xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể triển khai Đề án khai thác quỹ đất thành phố giai đoạn 2017 - 2021. Đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp khẩn trương đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng tại dự án để bàn giao 5% - 10% quỹ đất theo quy định; kịp thời bố trí tái định cư cho các hộ dân có đất bị ảnh hưởng bởi các dự án. Lập thủ tục bán đấu giá đối với các khu đất đã có chủ trương của UBND thành phố. Đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào thành phố.

2. Lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Tăng cường thanh tra, kiểm tra đất đai, môi trường, khoáng sản, nước có trọng tâm, trọng điểm, tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân được giao đất, cho thuê đất, nhằm kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân sử dụng đất kém hiệu quả, không đúng mục đích, tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất đai; các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; việc chấp hành pháp luật trong quản lý, thăm dò, khai thác khoáng sản, trong các hoạt động xả thải vào nguồn nước...Giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu nại, tranh chấp đất đai của nhân dân theo đúng quy định của pháp luật, hạn chế không để vụ việc kéo dài, tạo điểm nóng.

3. Lĩnh vực môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

- Tiếp tục tham mưu các giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng, cập nhật, thống kê các thông số về chất lượng môi trường không khí, nước, chất thải, tiếng ồn các khu vực trên địa bàn thành phố phục vụ quản lý môi trường thông minh theo Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 11/4/1017 của Thành ủy. Tiếp tục tăng cường phối hợp với các sở, ban ngành và quận, huyện tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân trong việc chấp hành pháp luật; tích cực bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Tham mưu giải quyết triệt để các cơ sở, khu vực gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; giải quyết vấn đề rác thải và xử lý rác.

- Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục tham mưu UBND thành phố chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu tại thành phố Cần Thơ; Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

4. Lĩnh vực Khoáng sản và Tài nguyên nước

- Quản lý chặt chẽ các hoạt động cấp phép khai thác khoáng sản, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước; đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước; bảo vệ nước dưới đất...Tiếp tục tổ chức, triển khai thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng, khoáng sản thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đảm bảo theo đúng quy định pháp luật hiện hành; phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố từng thời kỳ, bảo vệ môi trường, khai thác tiết kiệm, bảo vệ nguồn tài nguyên cát, chống sạt lở, ổn định bờ sông; đảm bảo nguồn cát dự trữ, phát triển bền vững.

- Triển khai thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, đưa hoạt động cấp giấy phép khai thác tài nguyên khoáng sản, nước trên địa bàn đi vào nề nếp, tránh thất thoát lãng phí nguồn tài nguyên, góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, hạn chế việc khai thác, sử dụng trái phép các nguồn tài nguyên gây mất an ninh trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn.

5. Công tác cải cách hành chính

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả chất lượng, đổi mới phong cách làm việc tạo sự chuyển biến rõ nét trong cán bộ đảng viên, công chức, viên chức về nếp sống văn minh, văn hóa, cách ứng xử khi tiếp xúc với nhân dân, thực hiện tiêu chí con người Cần Thơ “Trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch” theo Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 17/02/2005 của Bộ Chính trị. Tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030; quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Tập trung cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đề xuất cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, mất nhiều thời gian và chi phí cho tổ chức, cá nhân; nâng cao chất lượng xây dựng văn bản; kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tình trạng hồ sơ trễ hẹn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính. Tiếp tục hướng về cơ sở, tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các quận, huyện trong công tác chuyên môn. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng giải quyết công việc chuyên môn, đổi mới lề lối làm việc và thái độ phục vụ nhân dân và doanh nghiệp của công chức, viên chức.

Với tinh thần “Đoàn kết, trí tuệ, năng động, phát triển bền vững”, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ quyết tâm hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi Đại hội Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.