Liên kết website 
Kỹ thuật
Một số mô hình canh tác định hướng tới NNCNC

Bên cạnh các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, một số mô hình canh tác tiên tiến theo định hướng nông nghiệp công nghệ cao cũng đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và thân thiện với môi trường. Các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn cho máy móc, thiết bị, công nghệ và yêu cầu trình độ khoa học kỹ thuật cao và đội ngũ cán bộ có kỹ năng tốt. Do đó, người nông dân hạn chế về vốn, khoa học kỹ thuật và trình độ quản lý, tổ chức sản xuất sẽ khó tiếp cận. Vì thế, các mô hình canh tác tiên tiến theo định hướng tới công nghệ cao sẽ phù hợp với điều kiện sản xuất của người nông dân.

4.1. Nông nghiệp không chất thải
4.1.1 Định nghĩa
    Nông nghiệp không chất thải là một dạng của nông nghiệp bền vững, bằng cách tối ưu hóa vai trò của 5 giới trong tự nhiên: thực vật, động vật, vi khuẩn, nấm và tảo để sản xuất thực phẩm đa dạng sinh học, năng lượng và dưỡng chất theo 1 chu kỳ được tổng hợp từ các quá trình kết hợp mà chất thải từ một quá trình này sẽ là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho các quá trình khác.
    Nông nghiệp không chất thải kết hợp các biện pháp canh tác thân thiện với sinh thái để tạo ra sự cân bằng giữa sự tạo việc làm, giảm nghèo, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, bảo tồn nước, giảm tác hại của việc biến đổi khí hậu, bảo tồn đất đai.
4.1.2 Ưu điểm của Nông nghiệp không chất thải
- Tối ưu hóa việc sản xuất lương thực theo hướng sinh thái.
- Giảm lượng nước tiêu thụ bằng việc tái sử dụng và giảm sự bốc hơi.
- Cung cấp năng lượng từ biogas và nhiên liệu sinh học chiết xuất từ vi tảo.
- Hạn chế sự gây ra biến đổi khí hậu qua việc làm giảm khí gây hiệu ứng nhà kính.
- Giảm ô nhiễm môi trường do hạn chế sử dụng hóa chất nông dược.

4.2. Nông nghiệp đô thị (Urban Agriculture)
4.2.1 Khái niệm
    Theo định nghĩa của FAO (1996), Nông nghiệp đô thị là một ngành công nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh lương thực và năng lượng được tạo dựng ngay trong lòng các thị trấn, thành phố hay đô thị lớn ở khu vực thành thị và ven đô, áp dụng các biện pháp sản xuất chuyên môn hóa, sử dụng và tái sử dụng tài nguyên thiên nhiên và chất thải đô thị để sản xuất nhiều loại nông sản.
    Tiến sĩ Lê Văn Trưởng trích dẫn từ Mougeot (2000) cho rằng: nông nghiệp đô thị là một ngành sản xuất ở trung tâm, ngoại ô và vùng lân cận đô thị, có chức năng trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và phân phối các loại thực phẩm, lương thực và các sản phẩm khác, sử dụng các nguồn lực tự nhiên và nhân văn, các sản phẩm cùng các dịch vụ ở đô thị và vùng lân cận đô thị để cung cấp trở lại cho đô thị các sản phẩm và dịch vụ cao cấp. Nông nghiệp đô thị bao gồm nông nghiệp nội thị và nông nghiệp ngoại thị với các hoạt động chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản.

4.2.2. Nguyên lý cơ bản
    Hình thức sản xuất phổ biến và hiệu quả nhất của Nông nghiệp đô thị là thâm canh theo hướng sinh học, do đó giúp tiết kiệm năng lượng và an toàn với môi trường nên Nông nghiệp đô thị có thể được xem như canh tác bền vững. Nhìn chung, Nông nghiệp đô thị được hình thành để tăng thu nhập và sản xuất lương thực trong cộng đồng thành thị với động lực chính là để thư giãn và giải trí. Tuy nhiên, Nông nghiệp đô thị tạo ra sự an ninh lương thực và an toàn thực phẩm nhờ 2 tiêu chí:
- Cung cấp lương thực cho dân thành thị.
- Cung cấp rau, quả, thịt tươi sống cho dân thành thị.

4.2.3. Lợi ích của Nông nghiệp đô thị
- Nông nghiệp đô thị giúp hạn chế việc đưa chất thải từ đô thị ra bên ngoài.
- Nông nghiệp đô thị giúp hạn chế sự phụ thuộc vào việc nhập lương thực từ khu vực nông thôn, giúp giảm chi phí cho sự vận chuyển lương thực.
- Nông nghiệp đô thị giúp tận dụng tài nguyên: nước thải để tưới, chất thải hữu cơ làm phân bón.
- Những khu vực bỏ trống ở thành thị có thể tận dụng để sản xuất nông nghiệp.
- Nông nghiệp đô thị giúp bảo tồn hệ sinh thái và làm trong lành môi trường nhờ việc trồng cây xanh.
- Nông nghiệp đô thị giúp làm tăng thu nhập cho người dân nghèo ở đô thị, góp phần xóa đói giảm nghèo.
- Ngoài ra, Nông nghiệp đô thị còn có những lợi ích gián tiếp: tận dụng nước thải giúp tiết kiệm nước cho sinh hoạt, giảm việc vận chuyển lương thực từ nông thôn tới thành thị giúp làm giảm tiêu thụ nhiên liệu.
Nông nghiệp đô thị là nông nghiệp công nghệ cao
    Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải có chính sách phát triển nông nghiệp đô thị bền vững thì mới tận dụng được ưu điểm như: giảm đóng gói, lưu trữ, vận chuyển; cung cấp dịch vụ tươi sống; tạo việc làm và tăng thu nhập; … Để phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng công nghệ cao, vai trò của lực lượng khuyến nông là vô cùng quan trọng, là cầu nối giữa nhà khoa học, nhà quản lý và nhà nông, giúp nông dân tiếp cận tiến bộ kỹ thuật. Hiện nay, công tác khuyến nông tập trung đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới, xây dựng các mô hình khuyến nông tiêu biểu, đạt giá trị 100 – 200 triệu đồng/ha, điển hình như chương trình sinh vật cảnh rau an toàn đẩy mạnh chương trình cây, con chủ lực, từng bước hình thành trung tâm giống của khu vực như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Cần phải tập trung vào thông tin quảng bá và xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu loại hình sản xuất phù hợp để nông nghiệp đô thị trở thành nông nghiệp công nghệ cao. Khuyến nông phải là đầu tàu để từ đó có thể lan tỏa, kéo cả toa tàu nông nghiệp đô thị đi lên.
4.2.4. Khó khăn của Nông nghiệp đô thị
- Việc tái sử dụng nước thải không qua xử lý cẩn thận có thể dẫn đến sự phát tán mầm bệnh trong cộng đồng.
- Việc canh tác trên những khu vực bị ô nhiễm ở thành thị gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
- Nông sản được canh tác ở nơi gần đường giao thông sẽ dễ bị ô nhiễm bởi chất thải từ xe hơi.
4.2.5. Nông nghiệp đô thị ở Việt nam
    Theo khảo sát của tiến sĩ Lê Văn Trưởng, những năm trước đây nông nghiệp đô thị ở nước ta chủ yếu có 5 loại hình và hiện nay đã có 9 loại hình (Bảng 4.1). Điều này chứng tỏ quá trình đa dạng hoá nông nghiệp đô thị đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.
    Đáng chú ý các loại hình: nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp du lịch, nông nghiệp nghỉ dưỡng và nông nghiệp công nghệ cao đều là những loại hình nông nghiệp mà nhiều quốc gia trên thế giới đang khuyến khích phát triển.

 (Nguồn: Lê Văn Trưởng)


 



 (Nguồn: Lê Văn Trưởng)


Giá nông sản 
Cổng Điện Tử 
Lịch làm việc 
hộp thư điện tử 
Đài PT & THTPCT 
Thủ tục hành chính 
Văn bản pháp quy