Trồng Trọt
Một số phương pháp xử lý bã thải sau khi trồng nấm (bào ngư, nấm linh chi, nấm rơm)





Ngành sản xuất nấm đã hình thành và phát triển từ lâu trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Nghề trồng nấm không những mang lại thu nhập mà còn góp phần giải quyết vấn đề môi trường do phế phụ liệu nông nghiệp tạo ra. Sản phẩm của nghề trồng nấm không chỉ bổ sung nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng mà còn có chức năng điều trị một số bệnh ở người.

Tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long, người dân trồng nấm ngày càng nhiều do hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, đảm bảo được thu nhập cũng như tận dụng thời gian nhàn rỗi để trồng nấm. Tuy nhiên, nghề trồng nấm cũng tạo ra một sản lượng bã thải không nhỏ. Thông thường, người dân chỉ để bã thải nấm hoai mục tự nhiên kéo dài vài tháng đến vài năm sau đó bón trực tiếp cho cây mà không qua xử lý nên hiệu quả thấp. Ở một số cơ sở sản xuất lớn, lượng bã thải để tồn đọng quá nhiều gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, thẩm mỹ, cảnh quan nông thôn và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Vì vậy, các phương pháp xử lý bã thải sau đây sẽ giúp bà con trồng nấm sử dụng hiệu quả nguồn phế phẩm này, đồng thời giảm thiểu được ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

 I. Phương pháp sử dụng bã thải trồng nấm rơm làm phân hữu cơ vi sinh sử dụng như phân bón cho cây trồng.

Nguyên liệu: Chủ yếu là rơm rạ, vỏ đậu hoặc lục bình, thành phần chính của nó là cellulose. Sau quá trình sử dụng để trồng nấm thì các nguyên liệu này đã bị phân hủy một phần, hàm lượng Cacbon tổng số khá cao (20 – 30%) so với hàm lượng Nitơ tổng số giảm đáng kể (0,3 – 0,5%), vì vậy cần bổ sung đạm vào trong quá trình ủ để cân bằng tỷ lệ C/N thích hợp cho cây trồng. Bên cạnh đó, độ ẩm của đống ủ phải đạt khoảng 60 – 70% để các vi sinh vật phân hủy được cơ chất này.

Nguyên vật liệu để xử lý bã thải sau trồng nấm bao gồm: Phân urê (50g/m3), xác bã thực vật đã được phơi héo (rơm rạ, vỏ đậu, lục bình,…), chế phẩm Trichoderma (30g/m3), dung dịch vi khuẩn cố định đạm – phân giải lân (1 lít/m3) và bạt nhựa (không dùng nylon trong).

Phương pháp thực hiện: Bã thải được làm ẩm trước một ngày, xếp thành lớp khoảng 20cm sau đó tưới nấm Trichoderma, dung dịch vi khuẩn cố định đạm – phân giải lân và phân urê; tiếp tục xếp lớp đến khi đống ủ đạt chiều cao 1,2 – 1,5m. Sau mỗi lớp nên dùng chân đạp để đống ủ được nén dẽ; tưới nước vừa đủ ẩm, dùng bạt nhựa phủ và chèn kỹ đống ủ để giữ ẩm; đặc biệt trong mùa mưa phải đánh rãnh xung quanh đống ủ để thoát nước; thường xuyên kiểm tra nhiệt độ và độ ẩm, nếu nhiệt độ trên 50oC và ẩm độ 40 – 60% (nhiệt độ cao và ẩm độ thấp) thì cần bổ sung thêm nước và urê. Thời gian ủ trung bình từ 1,5 – 2 tháng (rơm và lục bình chỉ cần 1 tháng) và mỗi mét khối phân đã ủ hoai mục bón cho 300 – 500m2 lúa, rau màu hoặc 10 – 20 gốc cây ăn trái trưởng thành.

Lợi ích: Sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ bã thải rơm rạ có thể chủ động được nguồn phân hữu cơ thường xuyên trong việc sản xuất lúa, rau màu, nâng cao độ phì nhiêu của đất; đồng thời hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, giảm một phần chi phí trong sản xuất và tăng thêm nguồn thu nhập cho bà con nông dân (Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ sinh học của Trường Đại học Cần Thơ).

II. Phương pháp sử dụng bã thải trồng nấm Bào ngư, Linh chi để trồng nấm rơm

Mùn cưa là nguyên liệu chính để trồng nấm Bào Ngư và Linh Chi. Sau khi dùng xong, bã thải trồng nấm Bào Ngư và Linh Chi được tái sử dụng trồng nấm rơm cho hiệu quả cao.

 

1. Phương pháp chất thành mô (phổ biến)

1.1. Chuẩn bị nguyên vật liệu:

Mùn cưa: Được lấy từ phôi nấm bào ngư hoặc phôi nấm linh chi đã qua thu hoạch (phôi thải), có chất lượng tốt không bị nhiễm nấm mốc.

Vôi bột; Meo giống; Dinh dưỡng bổ sung như phân urê, phân DAP, vôi bột, cám gạo; Bạt đen để che mô nấm.

1.2. Xử lý nguyên liệu: Mùn cưa sau khi ủ sẽ phân giải, chuyển hóa tạo thành các chất dễ tiêu cho nấm hấp thụ. Kích thích sự phát triển của xạ khuẩn để quá trình phân hủy mùn cưa được diễn ra nhanh, tốt hơn. Trong quá trình ủ, nguyên liệu sẽ được làm chín và một phần vi sinh vật có hại trong mùn cưa bị tiêu diệt. 

Quy trình xử lí mùn cưa:  Mùn cưa được đánh tơi ra, ủ với nước vôi nồng độ 2% (2kg vôi trong 100L nước) trộn đều đến khi độ ẩm đạt 70-80%. Có thể kiểm tra độ ẩm bằng cách nắm một nắm mùn cưa, vắt mạnh thấy nước nhỏ ra từng giọt là được.

Bổ sung thêm dinh dưỡng đều vào đống ủ để cung cấp dinh dưỡng và kích thích sự phát triển của xạ khuẩn. Liều lượng bổ sung: 1-3kg dinh dưỡng/100kg mùn cưa (5% cám bắp, 1% NPK, 1% tro bếp trên tổng khối lượng mùn cưa).

Đánh đống ủ và quấn bạt phủ lại để giữ nhiệt. Trong quá trình ủ, cần duy trì nhiệt độ trong đống ủ đạt 60-70oC. Thường xuyên kiểm tra độ ẩm của đống ủ và tưới thêm nước vôi khi thấy khô để giữ ẩm cho mùn cưa.

Đến ngày thứ 3-4 tiến hành đảo đống ủ (đảo mùn trên xuống dưới, trong ra ngoài và ngược lại) để nguyên liệu chín đều và tiếp tục ủ đến ngày thứ 6-7 thì bắt đầu ra mô.

1.3. Chọn địa điểm và meo giống

a. Địa điểm

Chọn địa điểm trồng nấm sao cho sạch sẽ, cao ráo, bằng phẳng không bị ngập úng. Tránh những nơi chăn nuôi, khu vực có chứa rác thải, nước thải sinh hoạt. Dọn sạch cỏ, rác và rải vôi để diệt khuẩn khu đất trước khi tiến hành trồng.

b. Chọn meo giống

Chọn meo đúng tuổi và không tạp nhiễm tại các cơ sở cung cấp uy tín, có thương hiệu.

Tiêu chuẩn bịch meo tốt: Sợi tơ nấm màu trắng trong, mở nắp bịch meo có mùi tương tự như nấm rơm. Tơ nấm phát triển đều khắp mặt trong bịch meo.

Cách tính meo giống: 100kg nguyên liệu sử dụng 2–3kg meo nấm rơm.

c. Chăm sóc và thu hoạch

Ra mô kích thước rộng 30-40cm, cao 30cm. Meo nấm rơm được bóp nhuyễn và cấy meo theo từng lớp 10cm mô (trên cùng là một lớp meo).

Tiếp theo, sử dụng màn phủ nông nghiệp đen hoặc bạt nilong tối màu đậy kín, ủ tơ 4-5 ngày (không tưới nước) đến khi tơ giăng đầy mô nấm. Nhiệt độ mô nấm ủ tơ 33-35oC là tốt nhất.

Sau khi ủ tơ, mở màn phủ ra và tưới xả tơ rồi tiến hành đậy áo rơm (rơm khô) lên bề mặt mô nấm để giữ ẩm. Độ dày của rơm áo dày khoảng 4-5cm.

Ngày tưới phun sương 2-3 lần, duy trì độ ẩm 70-80%, nhiệt độ 30-32oC. Sau 8-9 ngày từ lúc cấy giống sẽ có nấm con xuất hiện và thu hoạch rộ vào ngày thứ 12-13.

2. Phương pháp trồng trong khay (tự trồng tại nhà)

2.1. Chuẩn bị: Khay, rổ to bằng nhựa, có nhiều mắc để thoát nước, hình vuông hoặc tròn đều được. Thông thường hay sử dụng các khay nhựa đựng trái cây có kích thước 50x70 cm, cao từ 30-40 cm.

+ Mùn cưa thải: Khoảng 10-15 bịch phôi thải (10-12kg mùn cưa)/1 khay nhựa.

+ Meo nấm rơm: 2-3 bịch. Vôi bột: 200g. Rơm khô, bạt Nilong để đậy.

2.2. Xử lý nguyên liệu

Lót một lớp rơm khô ở đáy khay để giữ ẩm và hạn chế mùn cưa bị rơi ra ngoài.

Mùn cưa được đánh tơi ra và ủ với nước vôi 2% đến khi độ ẩm đạt 70-80%. Có thể kiểm tra độ ẩm bằng cách nắm một nắm mùn cưa, vắt mạnh thấy nước nhỏ ra từng giọt là được (bổ sung thêm nước nếu thấy mùn cưa khô).

Bổ sung thêm dinh dưỡng vào nguyên liệu để cung cấp dinh dưỡng (tương tự như phương pháp chất mô)

 2.3. Chăm sóc và thu hoạch

Sau khi đã xử lí và phối trộn dinh dưỡng vào nguyên liệu thì tiến hành cho nguyên liệu vào khay. Meo nấm rơm được bóp nhuyễn và cấy meo theo từng lớp (trên cùng là một lớp meo).

Sử dụng màn phủ nông nghiệp đen hoặc bạt nilong tối màu đậy kín, ủ tơ 4-5 ngày (không tưới nước) đến khi tơ giăng đầy mô nấm. Nhiệt độ mô nấm ủ tơ: 33-35oC là tốt nhất.

Sau khi ủ tơ, mở màn phủ ra và tưới xả tơ rồi tiến hành đậy áo rơm (rơm khô) lên bề mặt khay (mô nấm) để giữ ẩm. Độ dày của rơm áo dày khoảng 4-5cm.

Ngày tưới phun sương 2-3 lần, duy trì độ ẩm 70-80%, nhiệt độ 30-32 oC. Sau 8-9 ngày từ lúc cấy giống sẽ có nấm con xuất hiện và thu hoạch rộ vào ngày thứ 12-13.



Bùi Thị Huyền Trang

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Cần Thơ



CÁC TIN KHÁC: