Chăn Nuôi
Bệnh liên cầu khuẩn trên heo


Hình 1. Vi khuẩn Streptococcus suis gây bệnh liên cầu khuẩn https://cdcangiang.vn/index.php/2023/03/23/benh-lien-cau-khuan-lon/

Bệnh liên cầu khuẩn là bệnh truyền nhiễm trên diện rộng, đã thấy ở hầu hết các loài thú và người với các thể viêm khớp, viêm vú, tiêu chảy, viêm nội tâm mạc. Trên heo, ngoài các thể bệnh ở đường sinh sản, đường hô hấp, viêm hạch dưới hàm, thể đặc biệt nguy hiểm là thể nhiễm trùng huyết, viêm não trong các trang trại có mật độ nuôi cao. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông và đầu mùa xuân.

1. Nguyên nhân và điều kiện lây lan

Nguyên nhân

Do vi khuẩn liên cầu Streptococcus suis gây ra, là vi khuẩn Gram dương, hình tròn, vi khuẩn tiết ra độc tố làm tan vỡ hồng cầu. Heo khỏe mang vi khuẩn ở hạch amidan và không có dấu hiệu bệnh. Khi gặp điều kiện không thuận lợi như: thiếu thức ăn, thời tiết đột ngột thay đổi, sức đề kháng giảm, vi khuẩn trong hạch amidan vào máu và gây bệnh cho heo. Khi nhập heo khỏe mạnh mang mầm bệnh vào đàn không mắc bệnh gây hậu quả là sẽ xuất hiện bệnh ở heo con sau cai sữa. Heo cái hậu bị mang mầm bệnh sẽ truyền mầm bệnh cho đàn heo con.

Điều kiện lây lan

Trong điều kiện rất lạnh hoặc điều kiện đông, ở môi trường bên ngoài vi khuẩn có thể sống đến 15 tuần, nhiệt độ thường sống từ 1-2 tuần, trong xác động vật vi khuẩn tồn tại rất lâu. Các thuốc sát trùng thường (phenol, iodine, chlorine, xà phòng) đều diệt được mầm bệnh.

Các loài vật nuôi: heo, trâu, bò, dê, chó,… và các loài thú hoang đều bị nhiễm vi khuẩn liên cầu và phát sinh bệnh.

Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp hoặc lây qua các vết thương ngoài da (cắt răng, cắt rốn, cắt đuôi, thiến, xây xát do cắn nhau, trầy xước,…), lây gián tiếp qua các côn trùng như ruồi.

Ngoài ra bệnh liên cầu khuẩn xuất hiện còn do điều kiện chăn nuôi và môi trường:

-  Các cơ sở chăn nuôi mà chuồng trại và môi trường bị ô nhiễm thường phát sinh ổ dịch mang tính địa phương.

-  Trong điều kiện nuôi dưỡng kém, heo giảm sức đề kháng và dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm như: bệnh tụ huyết trùng, bệnh suyễn,… bệnh liên cầu khuẩn thường kế phát khi heo bị các bệnh trên, làm bệnh trở nên trầm trọng và gây chết với tỷ lệ cao.

2. Triệu chứng và bệnh tích:

Triệu chứng:

Thời gian ủ bệnh từ 3-5 ngày, mặc dù heo có thể mang mầm bệnh từ lúc sơ sinh đến khi trưởng thành song bệnh thường xảy ra ở heo con vừa cai sữa. Heo thường bị bệnh ở các thể sau:

-  Viêm não thấy ở heo sau cai sữa, có thể chiếm 1-5% đàn. Viêm não thường xuất hiện ở dạng chết bất ngờ hoặc co giật rồi chết, thường thấy ở heo trong 3 tuần đầu cai sữa, heo thường có các biểu hiện: ăn kém, nôn mửa, da đỏ, sốt cao, mất thăng bằng, đi khập khiễng, liệt, giật chân như chèo thuyền rồi hôn mê và chết. Nhiều trường hợp, heo sau co giật trở lại bình thường và lặp lại triệu chứng thần kinh sau đó. Triệu chứng có thể kéo dài vài ngày, nếu không điều trị đúng heo sẽ chết;

-  Nhiễm trùng huyết thường gặp ở heo con mới sinh, gây ra ‘hội chứng ủ rủ”: heo con lúc mới sinh khỏe mạnh nhưng thỉnh thoảng ngừng bú, sờ vào thấy lạnh và chết sau sinh 12-24 giờ;

-  Thể viêm khớp: chủ yếu trên heo con theo mẹ. Heo bệnh ốm yếu, lông khô, không sáng bóng kèm theo sốt. Khớp chân bị sưng, nóng và đau, heo đứng không vững, đi lại khó khăn, giai đoạn cuối của bệnh heo không thể đứng dậy, nằm nghiêng bên sườn và chết;

-  Thể viêm đường tiết niệu: thường xảy ra trên nái. Heo bệnh sốt và có thể bị chảy dịch nhờn đục ở âm hộ, đôi khi có thể dẫn đến sảy thai;

-  Thể viêm phổi thường thấy ở heo 4 tuần tuổi nhưng cũng xảy ra ở heo giai đoạn vỗ béo.

Hình 2. Heo con bị viêm khớp và sốt https://nhachannuoi.vn/bien-phap-phong-tri-benh-lien-cau-khuan-tren-heo/

Bệnh tích:

Bệnh ở cơ quan nội tạng nào thì bệnh tích thể hiện ở đó. Bệnh tích thường thấy là bề mặt da đỏ, các hạch lâm ba sưng. Với thể viêm não: viêm màng não có mủ và sợi fibrin, não viêm đục có vẫn mây; Nhiễm trùng huyết: lách sưng, xuất huyết điểm ở thận và một số cơ quan khác; Viêm khớp: khớp sưng, dịch khớp đục; Viêm phổi: phổi sưng, tụ huyết và xuất huyết.

Hình 3. Màng não bị viêm tụ huyết và có dịch TTKNQG-Tài liệu tập huấn kỹ thuật phòng trị những bệnh thường gặp ở heo

3. Phòng và điều trị bệnh:

 Phòng bệnh:

-  Mua heo giống rõ nguồn gốc xuất xứ.

-  Hạn chế các tác nhân gây stress: nuôi mật độ quá đông, không thông thoáng, gió lùa nhiều, hay xáo trộn và di chuyển đàn heo.

-  Tiêm đầy đủ các vắc xin phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm xảy ra, phòng ngừa bệnh liên cầu khuẩn kế phát gây ra thiệt hại lớn.

-   Thực hiện tốt vệ sinh sát trùng vết thương do cắn nhau, chuồng trại nhám, khi cắt răng, cắt rốn, cắt đuôi, thiến.

-   Thực hiện vệ sinh thú y đúng lịch, chăn nuôi theo hình thức “cùng vào cùng ra”, nuôi heo theo từng lứa tuổi riêng biệt.

Đối với những trại chưa ổn định, để phòng bệnh cần phải:

-  Xác định thời điểm phát hiện bệnh để có kế hoạch chủ động phòng ngừa bằng kháng sinh.

-  Pha kháng sinh vào bồn nước uống hoặc trộn kháng sinh vào thức ăn cho ăn từ khi bắt đầu cai sữa cho đến 6 tuần tuổi để phòng bệnh.

Điều trị:

Heo mắc bệnh có thể điều trị càng sớm càng tốt bằng kháng sinh, điều trị sớm heo có thể phục hồi hoàn toàn.

 Những kháng sinh thường được sử dụng là ampicillin, ceftiofur, gentamycin, tiamulin, penicillin, penicillin kết hợp streptomycin, trimethoprim và sulfonamide,… và kết hợp với kháng viêm, hạ sốt. Ngoài ra, nên kết hợp thêm các thuốc trợ lực: vitamin B1, vitamin C, uống Oresol hoặc dung dịch điện giải theo hướng dẫn trong gói thuốc.

Nên cách ly riêng heo bệnh với heo khỏe, giữ chuồng khô sạch, kín đáo ấm áp, cung xấp thức ăn nước uống đầy đủ, chăm sóc theo dõi hằng ngày tình hình của heo bị bệnh./.

Biên soạn và tổng hợp: Nguyễn Lê Uyên Trang

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Cần Thơ


Tài liệu tham khảo 1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, 2015. Tài liệu tập huấn khuyến nông Kỹ thuật phòng, chống một số bệnh của gia súc, gia cầm lây sang người. NXB.Nông nghiệp. 2. Hồ Thị Việt Thu, Lý Thị Liên Khai, 2014. Giáo trình bệnh truyền nhiễm vật nuôi. NXB. Đại học Cần Thơ.
CÁC TIN KHÁC: