Chăn Nuôi
Phương pháp làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia cầm


Hình 1. Chế phẩm men BALASA-N01 https://giongcayanqua.vn/san-pham/vat-tu-nong-nghiep/che-pham-sinh-hoc-vat-tu-nong-nghiep/che-pham-balasa-n01/

Sử dụng đệm lót sinh học là giải pháp chăn nuôi không mùi hôi hiệu quả, giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, giúp hạn chế các mầm bệnh nguy hiểm. Ðồng thời khả năng tiêu hóa hấp thụ thức ăn được cải thiện tốt hơn mà không cần trộn các chất kích thích.

Ngoài ra đệm lót luôn sinh nhiệt nên rất tốt cho việc úm gà con, đặc biệt úm gà con vào mùa lạnh; kinh nghiệm cho thấy nếu úm gà con trên đệm lót thì gà con khỏe mạnh, đồng đều, ít bị bệnh và tăng trưởng tốt sau này;  hoạt động của các vi khuẩn có lợi trong đệm lót có thể tiêu diệt được một số loại mầm bệnh thông thường, do đó nuôi gà trên đệm lót có thể hạn chế được một số bệnh về đường tiêu hóa và hô hấp, vì vậy giảm được chi phí thuốc trong việc chữa trị bệnh.

1. Kỹ thuật làm đệm lót sinh học

a. Phương pháp làm đệm lót với nguyên liệu là trấu:

- Đối tượng áp dụng: Sử dụng cho chuồng nuôi gà úm, gà thịt.

- Men vi sinh: 1kg chế phẩm men vi sinh BALASA-N01 sẽ làm đệm lót cho diện tích chuồng nuôi từ 30 - 50m2.

- Cách trộn chế phẩm ủ: 3 kg cám gạo (hoặc bột bắp) + 1 kg men BALASA-N01 + 1-2 lít nước sạch, trộn đều hỗn hợp cho ẩm (bột phải ẩm nhưng vẫn tơi rời mới đạt yêu cầu), sau đó cho vào túi ni lông hoặc thùng đậy kín và để chỗ ẩm, ủ khoảng 2 - 3 ngày, khi nào có mùi thơm hơi chua thì đem rắc đều lên toàn bộ bề mặt đệm lót. Đối với nuôi gà thịt khi rải trấu vào chuồng nuôi thì đồng thời tiến hành ủ chế phẩm men. Đối với nuôi gà úm (gà con) sau khi rải trấu khoảng 1 tuần thì mới tiến hành ủ chế phẩm men.

- Các bước làm đệm lót sinh học từ trấu:

+ Bước 1: Rải trấu lên toàn bộ nền chuồng dày khoảng 10 cm, sau đó thả gà vào nuôi.

+ Bước 2: Sau 7 ngày đối với gà nuôi úm, 2 - 3 ngày đối với gà nuôi thịt, khi nào thấy phân rải kín, đảo nhẹ lớp mặt đệm lót sâu từ 1 - 3 cm.

+ Bước 3: Sau khi đảo lớp mặt xong thì rắc đều chế phẩm đã được ủ lên toàn bộ bề mặt chất đệm ở chuồng nuôi, dùng cào hoặc chổi cứng... xoa nhẹ trên bề mặt đệm lót để men được phân tán đều khắp trên bề mặt lớp đệm.

Trường hợp sử dụng luôn chuồng úm gà để nuôi tiếp: Khi gà đạt được 3 - 4 tuần tuổi, sau khi cào cho tơi trên mặt đệm lót, rắc đều chế phẩm đã được ủ lên toàn bộ bề mặt, sau đó dùng cào xoa trên mặt để men được phân tán đều khắp là được.

b. Phương pháp làm đệm lót với nguyên liệu là mùn cưa hoặc kết hợp với trấu:

- Đối tượng áp dụng: Nuôi vịt (do phân có nhiều nước) hoặc gà đẻ (thời gian nuôi dài).

- Thực hiện làm đệm lót cho 30 - 50 m2 nền chuồng theo các bước sau:

+ Bước 1: Rải lớp mùn cưa dày 15cm lên nền chuồng (nếu kết hợp dùng trấu thì đầu tiên rải 8 cm trấu, sau đó rải tiếp 7 cm mùn cưa). Sau đó mới thả gà vào nuôi. Nếu mùn cưa quá khô, có thể phun, tưới nước sạch đều lên trên lớp mùn cưa sao cho mùn cưa có độ ẩm 20% rồi trộn đều (quan sát thấy hạt mùn cưa bị thấm ẩm nhưng vẫn tơi rời là được hoặc dùng tay bóp chặt cám cưa rồi xòa ngửa bàn tay ra nếu thấy cám cưa vỡ ra là đạt độ ẩm thích hợp, nếu cám cưa không vỡ mà thành cục thì quá ẩm).

+ Bước 2 và bước 3: Làm tương tự như phương pháp làm đệm lót với nguyên liệu là trấu.

2. Sử dụng và bảo dưỡng:

- Cứ sau 2 - 3 ngày tiến hành cào trên bề mặt đệm lót một lần để giúp cho đệm lót được tơi xốp, phân hủy nhanh hơn, cào trên bề mặt đệm lót không được cào sâu xuống sát nền chuồng.

- Luôn giữ cho nền đệm lót khô để phân hủy phân tốt, nếu thấy khu vực nào ướt thay ngay bằng lớp trấu mới.

+ Chuồng có mái che để tránh bị nước mưa tạt vào làm ướt đệm lót, có khu vực máng uống riêng.

+ Nuôi vịt cần chú ý không để vịt sau khi bơi ở ao, hồ lên vào chuồng ngay làm ướt lớp đệm lót.

+ Khi đệm lót có mùi hăng hắc hoặc mùi khai và thối là do đệm lót ướt quá hoặc đệm lót bị nén không tơi xốp..., cần có cách xử lý là xới tơi đệm lót, để chuồng thông thoáng, mùa nóng có thể dùng quạt gió, sau đó bổ sung chế phẩm đã ủ như ở phần trên. Bảo dưỡng đệm lót nên tiến hành vào buổi chiều mát (vào mùa hè) để ít ảnh hưởng đến đàn gà. Độ dày của lớp đệm chỉ nên duy trì tối đa khoảng 30 - 40 cm là tốt nhất.

Hình 2. Chuồng sử dụng khu vực nước uống riêng

- Ðệm lót sinh học lên men có sự phân hủy vi khuẩn có hại một cách tự nhiên. Không cần phun thuốc khử trùng định kỳ lên mặt đệm, điều này dễ gây ẩm ướt bề mặt. Ngoài ra, thuốc khử trùng sẽ tiêu diệt cả những vi sinh vật có lợi, làm giảm hiệu quả của đệm lót.

- Do nhiệt độ ở đệm lót luôn nóng ẩm nên khi úm gà chỉ cần quây kín ở dưới khoảng trên dưới 50 cm còn phía trên để thoáng, nếu thắp đèn thì cần phải treo cao, đặc biệt trong mùa nóng.

- Thời gian sử dụng: Ðệm lót sinh học có thời gian sử dụng tốt từ 6 - 12 tháng. Ðệm lót càng dày thì thời gian sử dụng càng cao. Ngoài ra còn dựa vào chế độ xử lý cũng như bảo dưỡng lớp độn để đệm lót sử dụng được lâu hơn. Mặc dù thời gian sử dụng đệm lót khá lâu nhưng sau mỗi lứa gà nên dọn dẹp chuồng trại và thay đệm lót mới. Gà con có hệ miễn dịch rất kém, không có khả năng tự miễn dịch. Việc tiếp xúc với môi trường cũ còn tồn tại vi khuẩn có hại sẽ khiến chúng dễ mắc bệnh, ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng. Tốt nhất sau mỗi lứa gà nên dọn dẹp sạch sẽ và chuẩn bị một lớp đệm sinh học mới hoàn toàn. Ngoài ra, trong quá trình nuôi nếu quan sát thấy hiện tượng chất xơ của lớp đệm quá thấp hoặc quá mịn, nên thực hiện thay mới lớp đệm lót sinh học này.

- Không rắc vôi bột lên nền chuồng trước khi rải trấu điều này vô tình diệt luôn cả những vi sinh có lợi và làm mất đi tính hiệu quả của lớp đệm sinh học. Chưa kể nếu gà tiếp xúc với lớp trấu có lẫn vôi bột còn gây ra triệu chứng khó thở, suy hô hấp./.


Biên soạn và tổng hợp: Nguyễn Lê Uyên Trang

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Cần Thơ



CÁC TIN KHÁC: